Go Back Go Back
Go Back Go Back
Go Back Go Back

Bài phát biểu của Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, tại Tọa đàm Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới

Bài phát biểu của Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, tại Tọa đàm Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới

Statement

Bài phát biểu của Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, tại Tọa đàm Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới

calendar_today 07 March 2022

 

Kính thưa, Bà Đại sứ Grete Lochen, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam;

Ông Phạm Vũ Hoàng – Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế;

Đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA);

Đồng nghiệp đến từ các cơ quan Liên Hợp Quốc, các cơ quan thông tấn báo chí;

Đại biểu tham dự trực tuyến, trong đó có đồng nghiệp của tôi, chị Upala Devi, Cố vấn Kỹ thuật Khu vực về Giới tại Văn phòng UNFPA khu vực ở Bangkok; đại biểu đến từ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Nghệ An, Vũng Tàu và Bến Tre.

 

Xin kính chào quý vị đại biểu.

Tôi rất hân hạnh được có mặt ở đây hôm nay để tham dự Tọa đàm Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới. Nhân dịp này, tôi xin gửi lời cảm ơn đến Bộ Y tế đã đồng tổ chức sự kiện này, phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Hội Nông dân Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA).

Tình trạng bình đẳng giới tại Việt Nam đã được cải thiện trong những thập niên trở lại đây, và UNFPA tự hào khi được góp một phần vào quá trình này. Tuy nhiên, lựa chọn giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới - một thực hành có hại đối với phụ nữ và trẻ em gái, vẫn còn tồn tại ở Việt Nam. “Tâm lý ưa thích con trai” hoàn toàn không phải là một phong tục vô hại, mà là sản phẩm của các hệ thống xã hội mang định kiến giới, trong đó đặt nam giới và trẻ em trai ở địa vị xã hội cao hơn, đồng thời thiên vị trẻ em trai hơn trẻ em gái.

Biểu hiện của hành vi lựa chọn giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới có thể được đo lường trực tiếp qua “tỷ số giới tính khi sinh”, và Việt Nam hiện có tỷ số giới tính khi sinh cao thứ ba tại châu Á, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Các bằng chứng đã chỉ ra rằng hiện tượng mất cân bằng nhân khẩu học này là kết quả của việc lựa chọn giới tính thai nhi, tức là chấm dứt thai kỳ khi đã xác định được giới tính thai nhi là con gái.

Kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 cho thấy tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng với số trẻ em trai nhiều hơn trẻ em gái ở mức 111,5 trẻ em trai trên 100 trẻ em gái, trong khi tỷ số giới tính khi sinh ở mức tự nhiên hay “bình thường” là 105-106 trẻ em trai trên 100 trẻ em gái. Cũng theo ước tính của Tổng điều tra, mỗi năm, Việt Nam sẽ thiếu hụt 45.900 trẻ sơ sinh gái. Hay nói cách khác, 45.900 bé gái không được sinh ra tại Việt Nam mỗi năm chỉ vì mang giới tính nữ. Tình trạng này cần phải thay đổi ngay lập tức, và đó cũng chính là mục đích của buổi đối thoại ngày hôm nay.

 

Thưa toàn thể quý vị,

Trong khuôn khổ Dự án “Giải quyết vấn đề lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và các thực hành có hại ở Việt Nam” do Chính phủ Na Uy tài trợ giai đoạn 2020-2022, UNFPA cùng các đối tác gồm Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Nông dân Việt Nam và CSAGA sẽ hỗ trợ những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thực thi đầy đủ các khung quy định và chính sách đã được thông qua nhằm chấm dứt thực hành lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới, thông qua những chiến dịch truyền thông sáng tạo hướng tới thay đổi các chuẩn mực văn hóa - xã hội và thực hành có hại như "tâm lý ưa thích con trai” và giải quyết vấn đề thiếu coi trọng trẻ em gái.

Dự án cũng hỗ trợ nâng cao kỹ năng đưa tin về bạo lực gia đình và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới cho các cơ quan thông tấn báo chí tại Việt Nam, và xây dựng cơ chế điều phối, phối hợp trong nước. Cũng trong khuôn khổ dự án, chương trình Làm cha trách nhiệm  đã được xây dựng  nhằm khuyến khích nam giới và trẻ em trai san sẻ gánh nặng việc nhà và sinh con, từ đó góp phần thể hiện sự tôn trọng đối với vai trò của phụ nữ và trẻ em gái, và đạt được bình đẳng giới trong gia đình và xã hội.

 

Việt Nam đã có các khung pháp lý và chương trình quốc gia thúc đẩy bình đẳng giới và nghiêm cấm hành vi lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Tuy nhiên, báo cáo đánh giá về các chính sách liên quan đến lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới thực hiện năm 2019, báo cáo đánh giá, rà soát việc thực hiện Luật Bình đẳng giới năm 2020 và thông tin tóm tắt dựa trên dữ liệu từ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở đều chỉ ra rằng vẫn còn khoảng trống trong chính sách và thách thức trong quá trìnhthực thi pháp luật. Rõ ràng, vấn đề lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới xuất phát từ 3 nguyên nhân quan trọng. Một là, tâm lý ưa thích con trai còn phổ biến và đã ăn sâu bám rễ trong xã hội Việt Nam - điều này khiến người dân thực hành lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Hai là, việc hạn chế mức sinh dẫn tới việc ít có cơ hội sinh con nên thôi thúc các cặp vợ chồng lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Và cuối cùng, công nghệ siêu âm sẵn có cũng tạo điều kiện cho người dân lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Tôi hy vọng buổi thảo luận ngày hôm nay chúng ta sẽ  kêu gọi những hành động mạnh mẽ hơn để ngăn chặn và chấm dứt tình trạng  lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới tại Việt Nam. Trong bối cảnh đó, điều tối quan trọng là các cá nhân và cặp vợ chồng  được có quyền tự quyết và tự chịu trách nhiệm về số con mình sinh ra, khoảng cách giữa các lần sinh và thời điểm sinh con dựa trên những nguyên tắc đề ra tại Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICDP).

 

Thưa toàn thể quý vị,

Nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, chúng ta cần huy động sự tham gia nhiều hơn của nam giới và trẻ em trai trong việc chấm dứt thực hành lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Phụ nữ thường chịu áp lực từ gia đình và xã hội về việc phải sinh con trai thay vì sinh con gái. Việt Nam ý thức sâu sắc về vấn đề lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và đã triển khai nhiều biện pháp, song cần làm nhiều hơn nữa để thay đổi  xu hướng này. Thay đổi không thể đến trong một sớm một chiều, nhưng tôi tin tưởng rằng với tinh thần đoàn kết, chúng ta có thể tạo ra một phong trào thay đổi trong xã hội, trong đó lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới là một vấn đề  cần được giải quyết để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững đến năm 2030.

Chúc quý vị có một thảo luận hiệu quả và chúc mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ!

Xin cảm ơn.