Bạn đang ở đây

Kính thưa Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội;

Ông Lê Minh Hành, Phó giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hoá;

Các đại biểu từ Bộ LĐ-TB&XH, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa và Trung tâm Công tác Xã hội tỉnh Thanh Hóa; 

Các đại biểu tham dự trực tuyến đến từ Sở LĐ-TB&XH của 63 tỉnh, và thành viên Mạng lưới Đối tác Hành động về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới;

Các đồng nghiệp từ văn phòng UNFPA và các phóng viên báo chí;

 

Tôi rất vinh dự được có mặt ở đây ngày hôm nay để khai trương Trung tâm Dịch vụ Một cửa - Ngôi nhà Ánh Dương tỉnh Thanh Hóa, là Trung tâm Công tác Xã hội thứ hai được UNFPA hỗ trợ nhằm hướng tới việc giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái tại tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh lân cận.

 

Ngôi nhà Ánh Dương ược thành lập trong khuôn khổ dự án “Giảm nhẹ tác động của COVID-19 đến nhóm đối tượng dễ bị tổn thương – Đảm bảo tiến độ quốc gia đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững tại Việt Nam”, do Chính phủ Nhật Bản tài trợ và UNFPA thực hiện với sự phối hợp của Bộ LĐ-TB&XH và Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa.

 

Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam và đội ngũ cán bộ tại Đại sứ quán vì những hỗ trợ to lớn dành cho UNFPA tại Việt Nam, chúng tôi cũng rất cảm kích trước tinh thần đoàn kết và hợp tác Nhật Bản dành cho Việt Nam thông qua UNFPA.

 

Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đặc biệt tới Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cũng như các cán bộ nhân viên của Bộ, Sở LĐ-TB&XH và Trung tâm Công tác Xã hội tỉnh Thanh Hóa vì sự chung tay góp sức trong quá trình xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam. Lễ ra mắt Ngôi nhà Ánh Dương ngày hôm nay đóng góp một phần rất quan trọng vào việc thực hiện thành công Chương trình Quốc gia về Phòng ngừa và Ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025, nhằm đảm bảo tất cả nạn nhân bị bạo lực đều được hỗ trợ và tiếp cận dịch vụ.

 

Kính thưa các vị đại biểu,

Bạo lực trên cơ sở giới là một hình thức thể hiện sự bất bình đẳng giới vốn đã ăn sâu trong xã hội Việt Nam. Theo nghiên cứu quốc gia năm 2019 về bạo lực đối với phụ nữ, cứ 3 phụ nữ từ 15-64 tuổi, có gần 2 người từng chịu ít nhất một hình thức của bạo lực thể chất, tình dục, tinh thần và/hoặc kinh tế trong đời. Vấn nạn này vẫn còn len lỏi, ẩn giấu trong xã hội, thể hiện ở việc hơn 90% phụ nữ từng bị bạo lực không tìm kiếm sự trợ giúp từ các dịch vụ công, và một nửa trong số đó chưa từng chia sẻ sự việc với ai. Bạo lực trên cơ sở giới đang gây ra thiệt hại đáng kể cho Việt Nam, ước tính chi phí chiếm 1.81% GDP. 

 

Sự phổ biến của nạn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, vốn đã tồn tại từ trước, càng trở nên nghiêm trọng hơn trong bối cảnh COVID-19. Các báo cáo gần đây cho thấy các quy định về hạn chế đi lại, cách ly xã hội và các biện pháp kiểm soát dịch tương tự, cùng với những áp lực kinh tế - xã hội vốn có hoặc tăng lên, và căng thẳng trong gia đình, đã dẫn đến sự gia tăng trong bạo lực gia đình, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em trên thế giới, và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Năm vừa rồi, số lượng cuộc gọi yêu cầu trợ giúp đến các trung tâm dịch vụ do UNFPA hỗ trợ đã tăng gấp đôi hay thậm chí là gấp ba lần. Các cơ chế bảo vệ và đảm bảo an toàn, cũng như pháp luật, hệ thống đảm bảo trật tự và công bằng cũng bị ảnh hưởng, việc này càng làm hạn chế cơ hội để phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ bị bạo lực tìm kiếm sự hỗ trợ, trợ giúp trong thời gian đại dịch.

 

Kính thưa các vị khách quý,

Ngôi nhà Ánh Dương đầu tiên, hoạt động dưới hình thức Trung tâm Dịch vụ Một cửa, được thành lập tại Quảng Ninh với sự hỗ trợ kỹ thuật, tài chính từ UNFPA cùng sự phối hợp với KOICA vào tháng 4 năm 2020, nhằm mục đích cung cấp các dịch vụ toàn diện tại một địa điểm, bao gồm dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tư vấn, bảo vệ của lực lượng công an, phúc lợi xã hội và tư pháp cho nạn nhân bị bạo lực giới. Cho đến nay, trung tâm đã tiếp nhận hơn 300 trường hợp và đường dây nóng miễn phí, hoạt động 24/7 nhận được trên 1.000 cuộc gọi mỗi tháng.

 

Ngôi nhà Ánh Dương tại tỉnh Thanh Hóa là sự nhân rộng của mô hình tại Quảng Ninh và là Trung tâm Dịch vụ Một cửa thứ hai thành lập ở Việt Nam, hoàn toàn đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, với đường dây nóng 18001744 vận hành 24/7 và miễn phí. Tuy Trung tâm Dịch vụ Một cửa mới chính thức khai trương vào hôm nay, nhưng trong 20 ngày qua, trung tâm đã trợ giúp 8 trường hợp bị bạo lực giới trong cộng đồng thông qua các hoạt động tiếp cận cộng đồng, và 3 trường hợp đã được tiếp nhận vào trung tâm thông qua sự chuyển gửi từ Hội Nông dân Việt Nam. Đường dây nóng đã nhận được 16 cuộc gọi. Những con số này phản ánh rõ ràng rằng việc thành lập Trung tâm Dịch vụ Một cửa đóng vai trò hết sức quan trọng và rất kịp thời, đồng thời thực sự đáp ứng được nhu cầu cấp bách của phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ bị bạo lực giới.

 

Chúng tôi rất hân hạnh được thông báo với quý vị rằng trong những tháng tới, chúng tôi cũng sẽ ra mắt Ngôi nhà Ánh Dương tại Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh, theo khuôn khổ Đề án quốc gia đã xây dựng. Điều này cho thấy mô hình đang hoạt động và nhận được đánh giá cao từ phụ nữ và trẻ em gái tại địa phương.

Kính thưa các quý vị đại biểu,
 

Chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại với phụ nữ và trẻ em gái là một trong ba đầu ra chuyển đổi trong Kế hoạch Chiến lược của UNFPA toàn cầu. Tại Việt Nam, UNFPA đã đồng hành với Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trên hành trình chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Việc thành lập Trung tâm dịch vụ một cửa tại Thanh Hóa là một trong những kết quả từ sự hợp tác này nhằm đảm bảo rằng tất cả phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam, bao gồm những người dễ bị tổn thương nhất, có quyền được sống một cuộc sống không có bạo lực và không bị tổn hại về nhân phẩm. Phụ nữ và trẻ em gái sẽ không bị bỏ lại phía sau trong hành trình hoàn thành các Mục tiêu Phát triển bền vững tới năm 2030.

 

Xin cảm ơn sự quan tâm và tham gia của quý vị.