Bạn đang ở đây

  • Kính thưa Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
  • Lãnh đạo và quan chức cấp cao Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai
  • Kính thưa quý vị đại biểu cùng toàn thể các vị khách quý!

 

Tôi rất vinh dự được chào đón các quý vị đến tham dự sự kiện tối ngày hôm nay tại Nhà hát Ký ức Hội An do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc – UNFPA tại Việt Nam và Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Việt Nam thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp tổ chức.

 

Tôi xin gửi lời cảm ơn tới ông Phạm Đức Luận đã đồng tổ chức sự kiện này trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 42 của Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai tại Đà Nẵng, để giới thiệu ý nghĩa và các hoạt động hỗ trợ dành cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái, thanh niên, người khuyết tật và người cao tuổi, tại những vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên thế giới, ở các nước ASEAN trong đó có Việt Nam.

 

Kính thưa các vị khách quý, 

 

Thiên tai ngày càng trở nên khó lường và cực đoan hơn do biến đổi khí hậu, gây thiệt hại ngày càng nghiêm trọng cả về tần suất lẫn quy mô đối với người và tài sản trên hành tinh chúng ta. Và ASEAN là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng thiên tai nhiều nhất trên thế giới. Tương tự như vậy ở Việt Nam, do hậu quả của biến đổi khí hậu,thiên tai như lũ lụt, bão, nhiệt độ khắc nghiệt, sạt lở đất, hạn hán và cháy rừng ngày càng trở nên khó lường.

 

Đó cũng chính là lý do để chúng ta có mặt tại Đà Nẵng thảo luận về một vấn đề cấp bách đòi hỏi sự quan tâm và hành động tập thể, nhằm hướng tới “Từ đáp ứng sang chủ động hành động và nâng cao khả năng đối phó, chống chịu: Hành trình ASEAN hướng tới là khu vực đi đầu trong quản lý thiên tai”. Nhân dịp này, tôi mong muốn được chia sẻ với toàn thể quý vị công tác hộ trợ nhân đạo khẩn cấp mà UNFPA đã và đang thực hiện trên thế giới và tại Việt Nam.

 

Trong các cuộc xung đột, thiên tai và tình huống khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục thường bị bỏ qua và để lại hậu quả khôn lường. Phụ nữ mang thai có nguy cơ gặp các biến chứng đe dọa tính mạng nếu không được tiếp cận với các dịch vụ cấp cứu chăm sóc sản khoa. Phụ nữ và trẻ em gái có thể không nhận được các biện pháp tránh thai, khiến họ mang thai ngoài ý muốn trong điều kiện nguy hiểm. Phụ nữ và trẻ em gái cũng dễ bị tổn thương hơn trước bạo lực trên cơ sở giới, bị tấn công tình dục, bị bạo lực do bạn tình gây ra cũng như các thực hành có hại, bị bóc lột và bị lây nhiễm HIV.

 

Với vai trò là cơ quan LHQ chuyên trách về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, UNFPA luôn có mặt trước, trong và sau khủng hoảng và luôn hợp tác chặt chẽ với chính phủ các nước, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan LHQ khác và cùng các đối tác khác để đảm bảo các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục và quyền, và các hoạt động ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được lồng ghép vào các chương trình hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp. 

 

Tại Việt Nam, UNFPA hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong khuôn khổ Chương trình Quốc gia của UNFPA. UNFPA đã hợp tác với Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Việt Nam thiết lập và đồng chủ trì nhóm hành động khắc phục bạo lực trên cơ sở giới trong tình huống khẩn cấp trong khuôn khổ Chương trình quốc gia của UNFPA về lĩnh vực hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp.

 

Riêng trong giai đoạn 2020 - 2022, tổng kinh phí hỗ trợ ứng phó khẩn cấp của UNFPA tại Việt Nam đã đạt trên 1,4 triệu USD. UNFPA tập trung hỗ trợ đảm bảo sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và quyền thông qua hợp tác vớiBộ Y tế; phòng ngừa, ứng phó với bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới và hỗ trợ người bị bạo lực thông qua hợp tác với Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. UNFPA cũng đã phối hợp với Đoàn Thanh niên Việt Nam hỗ trợ người cao tuổi ở vùng lũ lụt tại miền Trung.

 

Chúng tôi đã phân phối khoảng 21.000 bộ đồ dùng thiết yếu với 21 vật dụng cơ bản và tờ rơi thông tin về bạo lực trên cơ sở giới nhằm giúp phụ nữ, trẻ em gái, nam giới và trẻ em trai bảo vệ bản thân và giữ gìn vệ sinh cá nhân, và nhân phẩm trong bối cảnh khủng hoảng. Gần 9 triệu người dân ở các địa phương bị lũ lụt đã được tiếp cận thông tin về bạo lực trên cơ sở giới qua tin nhắn trên điện thoại di động. Chúng tôi cũng đã cung cấp trang thiết bị y tế sản khoa và phương tiện bảo hộ cho các cơ sở y tế tuyến huyện và xã tại 11 tỉnh bị ảnh hưởng, thay thế những máy bị hư hỏng hoặc thất lạc do lũ lụt. Chúng tôi đã tổ chức gần 400 nhóm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe lưu động và đã tiếp cận gần 76.000 người dân thuộc nhóm dễ bị tổn thương, trong đó đa số là phụ nữ. Người cao tuổi sống trong vùng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt cũng nhận được bộ đồ dùng thiết yếu thông qua Đoàn Thanh niên Việt Nam. 

 

Kính thưa các vị đại biểu,

 

UNFPA sẽ tiếp tục đổi mới sáng tạo phương thức hoạt động hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp để đảm bảo thực hiện các cách tiếp cận dựa trên quyền, nhạy cảm giới và lấy con người làm trung tâm trong công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó nhân đạo, với mục tiêu bảo vệ sức khỏe, hạnh phúc, quyền, và nhân phẩm của mỗi cá nhân bị ảnh hưởng trong tình huống nhân đạo khẩn cấp, đồng thời góp phần tăng cường khả năng ứng phó, chống chịu và phát triển lâu dài. UNFPA toàn tâm, toàn lực hợp tác với chính phủ các nước, tổ chức xã hội dân sự và các cá nhân hướng tới đạt được ba kết quả mang tính chuyển đổi ở mọi nơi trên thế giới. Đó là: Không có ca tử vong mẹ do các nguyên nhân có thể ngăn ngừa; Không có nhu cầu kế hoạch hóa gia đình không được đáp ứng; và Không còn bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại khác đối với phụ nữ và trẻ em gái.

 

Chúng ta hãy cùng nhau hướng tới một tương lai nơi không ai bị bỏ lại phía sau và mọi người dù ở hoàn cảnh nào đều được sống một cuộc sống có phẩm giá, cơ hội và hy vọng, kể cả trong bối cảnh khẩn cấp, nhân đạo. 

 

Cảm ơn quý vị đã chú ý lắng nghe.

 

Chúc các quý vị thưởng thức màn diễn Ký Ức Hội An và cảm nhận những giá trị văn hóa, lịch sử chân thực nhất của Việt Nam.