Go Back Go Back
Go Back Go Back

Bài phát biểu của Ông Lê Bạch Dương, Trợ lý Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, tại Tập huấn nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ xã hội hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực

Bài phát biểu của Ông Lê Bạch Dương, Trợ lý Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, tại Tập huấn nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ xã hội hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực

Tuyên bố

Bài phát biểu của Ông Lê Bạch Dương, Trợ lý Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, tại Tập huấn nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ xã hội hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực

calendar_today 14 April 2022

Kính thưa Bà Trần Thị Bích Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới Bộ LĐTBXH

Xin kính chào quý vị đại biểu,

Tôi rất vui được có mặt tại đây ngày hôm nay để tham dự Lớp tập huấn nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ xã hội hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực, trong khuôn khổ Gói dịch vụ thiết yếu dành cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực.

Thưa toàn thể quý vị,  

          Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy có rất ít thay đổi về tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ kể từ cuộc điều tra đầu tiên được thực hiện vào năm 2010. Kết quả điều tra cho thấy 62,9% phụ nữ ở Việt Nam từng trải qua một hoặc hơn một hình thức bạo lực, bao gồm bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần, bạo lực kinh tế và kiểm soát hành vi. Tuy nhiên, đây là vấn đề còn ẩn khuất trong xã hội Việt Nam khi có 90,4% người bị bạo lực không tìm kiếm bất kỳ sự trợ giúp nào từ chính quyền, và một nửa trong số đó chưa từng kể với ai về tình trạng bị bạo lực của mình. Cũng cần nhấn mạnh rằng ước tính bạo lực đối với phụ nữ gây thiệt hại cho Việt Nam tương đương 1,81% GDP vào năm 2018. Đây là vấn đề đáng báo động và các khuyến nghị từ Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ năm 2019 nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường các biện pháp can thiệp trong giai đoạn tới.

          Trong bối cảnh đó, từ năm 2016 các cơ quan Liên Hợp Quốc bao gồm UNFPA, UN Women, WHO và UNODC đã triển khai khai gói dịch vụ tối thiểu tại 10 quốc gia khu vực Châu Á Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Gói dịch vụ bao gồm 04 nhóm dịch vụ y tế, hành pháp và tư pháp, xã hội, điều phối và quản trị điều phối  và được thực hiện trên cơ sở phối hợp với các bộ, ngành liên quan Bộ Y tế, Bộ LĐTBXH, Bộ Tư pháp, TAND Tối cao. Trong khuôn khổ Gói dịch vụ này, từ năm 2017 UNFPA hỗ trợ Bộ LĐTBXH triển khai gói dịch vụ xã hội, bao gồm xây dựng tài liệu và thực hiện tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên công tác xã hội.

          Dịch vụ công tác xã hội bao gồm 12 nhóm dịch vụ thiếu yếu, đáp ứng các nhu cầu tối thiểu của phụ nữ bị bạo lực như tư vấn tâm lý, tạm lánh, hỗ trợ vật chất và tài chính. Việc tập huấn cho đội ngũ cán bộ cung cấp dịch vụ xã hội sẽ giúp các học viên nắm rõ được các nguyên tắc, kỹ năng trong cung cấp dịch vụ. Trong bối cảnh của Việt Nam, khi các dịch vụ xã hội hỗ trợ cho người bị bạo lực giới chưa được thực hiện chuyên biệt thì việc cung cấp các dịch vụ phù hợp, kịp thời đáp ứng đúng nhu cầu của người bị bạo lực là hết sức quan trọng, góp phần giảm thiểu tối đa các hậu quả của bạo lực đối với người bị bạo lực.

          Bên cạnh đó nhằm tăng cường dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực, từ năm 2019 UNFPA cũng đã vận động và bố trí nguồn lực hỗ trợ Bộ LĐTBXH và các địa phương triển khai 02 Trung tâm dịch vụ một cửa OSSC – Ngôi nhà Ánh Dương tại Quảng Ninh và Thanh Hóa, nhằm cung cấp gói dịch vụ tối thiểu toàn diện cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực. Trong thời gian tới, UNFPA tiếp tục hỗ trợ các cơ quan trong nhân rộng mô hình này ở các địa phương khác trên toàn quốc.

          Thưa toàn thể quý vị,

Việc chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái phải là ưu tiên của tất cả mọi người nhằm thực hiện các mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững và không để ai bị bỏ lại phía sau. Chúng ta phải chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ngay từ bây giờ, và tôi tin tưởng rằng với sự chung tay các cơ quan LHQ, các cơ quan Chính phủ và các cán bộ cung cấp dịch vụ, chúng ta sẽ hướng đến một xã hội không bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Xin cảm ơn sự quan tâm và tham gia của quý vị.