Bạn đang ở đây

  • Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
  • Các đại biểu đến từ các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Hà Nội và TP.HCM;
  • Các đồng nghiệp của UNFPA từ Văn phòng Khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Văn phòng Việt Nam

 

Thay mặt UNFPA tại Việt Nam, tôi rất vui mừng chào đón tất cả các bạn tham gia khóa tập huấn kéo dài ba ngày này, nhằm mục đích tiếp tục nâng cao năng lực quản lý ca bạo lực trên cơ sở giới.

 

Cách đây hai tuần, tôi có chuyến công tác đầu tiên tới tỉnh Quảng Ninh với tư cách là Trưởng đại diện mới của UNFPA tại Việt Nam, và tôi đã có cơ hội đến thăm Trung tâm Dịch vụ Một cửa mang tên Ngôi nhà Ánh Dương. Và tuần trước tôi đã ghé thăm Văn phòng của Đường dây nóng hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới (BLG) của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và được biết trong 2 năm qua, đường dây nóng đã tiếp nhận khoảng 20.000 cuộc gọi – một con số rất lớn. Những người gọi đến tổng đài gồm có phụ nữ và trẻ em gái nông thôn bị bạo lực, cũng như những người mong muốn được cung cấp kiến thức và thông tin quan trọng để ứng phó với BLG.

 

Tôi rất ấn tượng kết quả làm việc miệt mài của các cán bộ cung cấp dịch vụ ở Trung tâm Dịch vụ Một cửa và các tổng đài viên tiếp nhận cuộc gọi qua đường dây nóng. Nhân đây, tôi xin được chúc mừng tất cả các bạn, vì công sức cũng như sự tận tâm của các bạn hướng tới mục tiêu giảm thiểu BLG và bạo lực gia đình.

 

Trong thời gian sắp tới, tôi đang lên kế hoạch đi thăm ba ngôi nhà Ánh Dương khác, trước mắt là Ngôi nhà ở Đà Nẵng vào tuần sau, để được tận mắt chứng kiến những tác động tích cực mà Ngôi nhà Ánh Dương đã mang lại. Những kết quả này thể hiện sự hợp tác chặt chẽ giữa UNFPA và Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

 

Thưa các bạn,

 

Mặc dù đạt được nhiều tiến bộ để vui mừng, nhưng chúng ta cần nhắc nhở bản thân rằng 63% phụ nữ kết hôn trong độ tuổi 15-64 đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực về thể chất, tình dục, tâm lý hoặc bạo lực kinh tế hoặc hành vi kiểm soát do chồng/bạn tình gây ra trong cuộc đời của họ, theo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019. Hơn nữa, một nửa số phụ nữ từng bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục đều giữ im lặng, và hơn 90% những người bị bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ nào.

 

Chúng tôi biết rằng những người người bị BLG thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm dịch vụ trợ giúp từ một hệ thống ứng phó đa ngành phức tạp. Đó cũng là lý do họ từ bỏ việc tìm kiếm hỗ trợ, và điều này càng khiến họ bị bạo lực nhiều hơn.

 

Vì lý do này, Trung tâm Dịch vụ Một cửa đã được công nhận là một mô hình hiệu quả và UNFPA vinh dự giới thiệu mô hình này tại Việt Nam với sự hỗ trợ tài chính to lớn từ Chính phủ Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia.

 

Tuần trước, tại cuộc gặp với ông Đào Ngọc Dũng - Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội -, tôi đã một lần nữa khẳng định sự hỗ trợ của UNFPA đối với Bộ trong việc chuẩn hóa và nhân rộng mô hình Trung tâm Dịch vụ Một cửa. Và khoá tập huấn quan trọng ngày hôm nay là một phần của cam kết đó.

 

Các bạn thân mến,

 

Quản lý ca BLG là một phương pháp có cấu trúc, trong đó các cán bộ phụ trách ca được tập huấn để cung cấp hỗ trợ toàn diện cho người bị bạo lực nhằm đảm bảo rằng họ đã được thông báo về tất cả các lựa chọn sẵn có để đáp ứng nhu cầu của họ. Việc quản lý ca lấy người bị bạo lực làm trung tâm sẽ bắt đầu với việc cung cấp gói các dịch vụ được thiết kế đặc biệt để giải quyết các nhu cầu trước mắt của người bị bạo lực, bao gồm sơ cứu về thể chất, chuyển gửi khẩn cấp, an toàn kinh tế, tiếp cận công lý và các dịch vụ tâm lý xã hội.

 

Là một phần không thể thiếu trong việc phát triển các Trung tâm Dịch vụ Một cửa, UNFPA đã hợp tác với các đối tác chủ chốt để nâng cao năng lực cho các cán bộ cung cấp dịch vụ BLG, đặc biệt chú trọng vào năng lực quản lý ca. Trong đại dịch COVID-19, UNFPA đã điều chỉnh nội dung tập huấn quản lý ca BLG dựa trên các kinh nghiệm quốc tế để đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho những người bị BLG trong tình huống khẩn cấp. Kết quả là, các khoá tập huấn này đã tập huấn cho hơn 350 cán bộ cung cấp dịch vụ và nhân viên công tác xã hội ở nhiều tỉnh thành khác nhau trên cả nước.

 

Khóa tập huấn kéo dài ba ngày này là một khóa học nâng cao, trong đó người tham dự sẽ được cung cấp kiến thức và kỹ năng cơ bản để quản lý ca BLG một cách hiệu quả, dựa trên các hướng dẫn quốc tế và các công cụ tập huấn được điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Người tham dự cũng sẽ phân tích và thảo luận về cách triển khai các hướng dẫn này tại Việt Nam. Ngoài ra, hướng dẫn làm việc với các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương khác, như người bị BLG thuộc cộng đồng LGBTQIA+, người bị BLG là người khuyết tật, người bị BLG là nam giới, người bị BLG bị buôn bán, cũng sẽ được chia sẻ và thảo luận.

 

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, tôi muốn gửi lời cảm ơn đặc biệt tới Valentina Volpe, Chuyên gia kỹ thuật về BLG của Văn phòng UNFPA khu vực châu Á – Thái Bình Dương, vì đã hỗ trợ thực hiện khóa tập huấn này. Tôi rất trân trọng sự cam kết của các bạn khi đến đây, và mong rằng chúng ta sẽ cùng nỗ lực để chấm dứt BLG và tạo ra những thay đổi tích cực cho Việt Nam.

 

Tôi xin chúc khoá tập huấn sẽ diễn ra thành công!

 

 

Xin cám ơn!