Bạn đang ở đây

Hà Nội, ngày 4 tháng 2 năm 2022 – Ban Điều hành Quỹ Dân số Liên hợp Quốc (UNFPA) đã thông qua văn kiện Chương trình Quốc gia lần thứ 10 dành cho Việt Nam với tổng ngân sách là US$ 26,5 triệu nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) vào năm 2030. Chương trình ưu tiên hỗ trợ các nhóm dân số có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái, trẻ vị thành niên và thanh niên, người cao tuổi, các dân tộc thiểu số, lao động di cư, người khuyết tật và nạn nhân của bạo lực dựa trên cơ sở giới.

 

Chính thức khởi động Chương trình Quốc gia chu kỳ 10 tại Hà Nội hôm nay, UNFPA cam kết hỗ trợ Việt Nam triển khai Kế hoạch Hành động Quốc gia vì các Mục tiêu Bền vững của Việt Nam (VNSG), Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội giai đoạn 2021-2026 trong khuôn khổ Chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội giai đoạn 2021-2030, tất cả đều chú trọng các động thái dân số và các vấn đề về dân số.

 

Chương trình Quốc gia chu kỳ 10 được thiết kế trên cơ sở tham vấn rộng rãi với Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan trong nước và quốc tế. Chương trình này gắn với Khung chiến lược hợp tác phát triển bền vững giữa Liên Hợp Quốc và Chính phủ Việt Nam (UNSDCF) với mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau” và đóng góp trực tiếp ở hai lĩnh vực: Phát triển xã hội bao trùm; và Quản trị và tiếp cận công lý, từ đó giảm bất bình đẳng và tính dễ bị tổn thương.

 

Trưởng Đại diện của UNFPA tại Việt Nam, bà Naomi Kitahara nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Chương trình Quốc gia chu kỳ 10. Bà cho biết: “Nối tiếp những thành tựu đạt được trong Chương trình Quốc gia chu kỳ 9, những can thiệp và sáng kiến của UNFPA trong 5 năm tới sẽ nhằm đạt được những kết quả chuyển đổi trong Kế hoạch Chiến lược của UNFPA toàn cầu, hướng tới một Việt Nam không còn tình trạng tử vong mẹ do các nguyên nhân có thể ngăn ngừa, chấm dứt các nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình chưa được đáp ứng, xóa bỏ bạo lực giới và các hành vi có hại khác đối với phụ nữ và trẻ em gái. Các phương pháp tiếp cận dựa trên quyền, nhạy cảm giới và lấy con người làm trung tâm sẽ được sử dụng, đồng thời các can thiệp liên quan đến sự sẵn sàng và ứng phó nhân đạo sẽ được lồng ghép trong tất cả các lĩnh vực can thiệp của Chương trình.”

 

Liên quan đến các ưu tiên của Chính phủ Việt Nam, Chương trình sẽ đặt ưu tiên cho chuyển đổi số, cách mạng dữ liệu bằng cách sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt trong tiếp cận những nhóm bị thiệt thòi nhất.

 

Chương trình Quốc gia mới của UNFPA dành cho Việt Nam được xây dựng nhằm đạt được những mục tiêu cụ thể sau:

 

 

  • Vị thành niên và thanh niên:  Tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ phát triển toàn diện và thúc đẩy sự tham gia của thanh niên, bao gồm cả trong quá trình xây dựng các chính sách và chương trình quản lý thiên tai và thúc đẩy Chương trình Hành động của Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD).
  • Già hóa dân số và bảo trợ xã hội: Tăng cường hệ thống an sinh xã hội tích hợp và bao trùm, áp dụng phương pháp tiếp cận theo vòng đời và tiến bộ về giới để thích ứng vấn đề già hóa dân số và đáp ứng các nhu cầu cá nhân của các nhóm dễ bị tổn thương nhất.
  • Tiếp cận bình đẳng với sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục: Các nhóm dễ bị tổn thương bao gồm người dân tộc thiểu số, trẻ vị thành niên và thanh niên, người cao tuổi và lao động di cư được tiếp cận bình đẳng hơn tới các dịch vụ và thông tin về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục toàn diện, tiến bộ về giới, kể cả khi có khủng hoảng nhân đạo.
  • Dữ liệu và bằng chứng cho xây dựng chính sách và chương trình: Tăng cường xây dựng chính sách và chương trình dựa trên bằng chứng và đảm bảo quyền, bao gồm cả phân bổ ngân sách và giám sát, thông qua  sản xuất, phân tích và sử dụng số liệu.
  •  Bạo lực trên cơ sở giới và thực hành có hại: Thay đổi những thái độ có hại chấp nhận và duy trì bất bình đẳng giới và bạo lực, đặc biệt trong nhóm thanh niên, để giảm thiểu bạo lực dựa trên cơ sở giới và những thực hành có hại khác, kể cả khi có khủng hoảng nhân đạo.
  • Ứng phó đa ngành với bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại khác: Tăng cường khả năng ứng phó liên ngành trong chấm dứt bạo lực dựa trên cơ sở giới và các thực hành có hại khác ở cấp quốc gia và địa phương.

 

Để có thể đạt được những kết quả nêu trên, UNFPA sẽ hợp tác với Chính phủ, các tổ chức cấp quốc gia khác cũng như các tổ chức xã hội để thực hiện chương trình theo các nguyên tắc quyền tự chủ quốc gia và các trách nhiệm giải trình chung. UNFPA và Chính phủ Việt Nam, thông qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan điều phối, sẽ cùng chịu trách nhiệm quản lý chương trình, đồng thời sẽ lập kế hoạch, giám sát và đánh giá việc thực hiện chương trình theo phương pháp quản lý dựa trên kết quả.

 

UNFPA sẽ tiếp tục nâng cao năng lực huy động nguồn lực bao gồm cả hỗ trợ kỹ thuật và tài chính thông qua các quan hệ hợp tác với các đối tác phát triển như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Na-uy và các đối tác khác, cũng như các đối tác mới và các công ty tư nhân như Bloomberg Philanthropies, Vital Strategies, và MSD.

 

Đối với hỗ trợ nhân đạo của UNFPA dành cho Việt Nam, UNFPA sẽ tập trung vào các dịch vụ tích hợp về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, ngăn chặn và ứng phó với bạo lực dựa trên cơ sở giới và hỗ trợ người cao tuổi. Các quyền và lựa chọn của phụ nữ và trẻ em gái, thanh thiếu niên và người cao tuổi bị tác động bởi các khủng hoảng nhân đạo cần phải được ưu tiên để không ai bị bỏ lại phía sau.

 

-end-

Thông tin thêm dành cho các biên tập viên:

Việt Nam hiện đang là một quốc gia có thu nhập trung bình thấp nhưng là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh nhất.

 

Tuy nhiên, hiện nay Viêt Nam đang gặp phải một số vấn đề dân số sau:

 

Chuyển đổi về nhân khẩu học:

Việt Nam ghi nhận tỷ lệ thanh niên cao nhất trong lịch sử, tạo tiềm năng để đạt được lợi tức dân số; song vì quá trình già hóa dân số diễn ra rất nhanh chóng, Việt Nam sẽ chuyển sang “dân số già” chỉ trong 20 năm tới.

 

 

Bất bình đẳng trong sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục và các quyền:

Tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm trong những thập kỉ qua, nhưng tỷ lệ này ở các dân tộc thiểu số lại cao gấp 2 – 3 lần mức trung bình của quốc gia. Cũng như vậy, nhu cầu kế hoạch hóa gia đình chưa được đáp ứng ở nhóm dân tộc thiểu số và lao động di cư cao hơn mức trung bình. Thanh thiếu niên vẫn còn thiếu thông tin và dịch vụ sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục (SKSS&SKTD) đầy đủ và toàn diện. Tỷ suất sinh ở tuổi vị thành niên là 11 trên 1.000 và ung thư cổ tử cung gây ảnh hưởng đến tình trạng SKSS & SKTD ở nữ giới tại Việt Nam.

 

Hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi

Hệ thống an sinh xã hội hiện tại không thể đáp ứng được nhu cầu của người cao tuổi: 48% người cao tuổi không được hưởng các chương trình an sinh xã hội quốc gia; 80% người khuyết tật là người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên.

 

Bạo lực dựa trên cơ sở giới và các thực hành có hại khác

Theo kết quả Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 do UNFPA hỗ trợ, gần 2 trong số 3 phụ nữ Việt Nam (62,9%) đã trải qua ít nhất một trong các hình thức bạo lực trong cuộc đời và 40,3% phụ nữ phải chịu bạo lực thể chất và/hoặc tình dục từ khi họ 15 tuổi. Bạo lực dựa trên cơ sở giới làm thiệt hại 1,81% tổng GDP. Tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam hiện nay cao thứ 3 trong số các nước châu Á, trong đó số trẻ em nam được sinh ra nhiều hơn số trẻ em gái, gây mất cân bằng giới tính đáng kể.

 

Chương trình Quốc gia lần thứ 10 dành cho Việt Nam, giai đoạn 2022 - 2026: https://vietnam.unfpa.org/vi/publications/chuong-trinh-quoc-gia-lan-thu-...

 

Để có thêm thông tin, hãy liên hệ:

Chị Đinh Thu Hương, Cán bộ truyền thông UNFPA

Email:  dhuong@unfpa.org

Phone: 0913 301 539