Go Back Go Back
Go Back Go Back

Cô đỡ thôn bản Hnhach và hành trình thay đổi

Cô đỡ thôn bản Hnhach và hành trình thay đổi

Câu chuyện

Cô đỡ thôn bản Hnhach và hành trình thay đổi

calendar_today 08 April 2024

Chị Hnhach giải thích những dấu hiệu, triệu chứng nào cần được coi là cấp cứu khi mang thai.
Chị Hnhach giải thích những dấu hiệu, triệu chứng nào cần được coi là cấp cứu khi mang thai.

Việt Nam là quê hương của 53 dân tộc thiểu số, trong đó một số dân tộc sống ở vùng sâu vùng xa thuộc miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Những khu vực này có địa hình khó khăn, văn hóa khác biệt và khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bị hạn chế, gây ảnh hưởng khác nhau đến sức khỏe của phụ nữ sống ở những khu vực này.

 

Chị Hnhach, người dân tộc Ba Na, hiện đang sống tại xã De Ar, tỉnh Gia Lai. Cuộc sống của chị luôn gắn bó chặt chẽ với những truyền thống của người dân Ba Na, và chị chưa bao giờ có thể hình dung được vai trò của mình đóng góp vào việc định hình tương lai của cộng đồng.

 

Chị Hnhach với các sản phụ tại trung tâm Y tế xã De Ar

 

Xã De Ar, giống như nhiều xã vùng sâu vùng xa của các dân tộc thiểu số, gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là đối với những sản phụ ở đây. Tại đây, chuẩn mực văn hóa thiên về sinh đẻ tại nhà hơn là đến bệnh viện, dẫn đến tỷ lệ tử vong mẹ cao gấp hai đến ba lần so với mức trung bình toàn quốc.

 

Chị Yeng, bà mẹ 6 con ở xã Đê Ar, chia sẻ: “Tôi sinh 6 đứa con, 5 đứa sinh ở nhà, đứa thứ 2 sinh ở Kon Thup. Chỉ có chồng tôi giúp tôi." Chồng chị, anh Ngyưk, thừa nhận việc giúp vợ đỡ đẻ tại nhà tuy hơi lo sợ nhưng đó là việc cần phải làm.

Chị Yeng, anh Ngyưk và các con

 

Do điều kiện kinh tế xã hội và rào cản ngôn ngữ, khu vực này phải đối mặt với nhiều thách thức khác. Số phụ nữ hoàn thành chương trình giáo dục trung học rất ít. Việc tìm được người có trình độ để tham gia các chương trình đào tạo hộ sinh chính quy tại các cơ sở Y tế là điều vô cùng khó khăn. Để giải quyết tình trạng thiếu nghiêm trọng nguồn nhân lực cho chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, Bộ Y tế, với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ UNFPA, đã xây dựng các chương trình tập huấn cho các cô đỡ thôn bản phù hợp với cộng đồng dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa.

 

Cho đến nay, hơn 2.000 cô đỡ thôn bản đã được tập huấn, phần lớn trong số họ đã quay trở lại phục vụ cộng đồng của mình. Chính phủ cũng đưa ra các chính sách và chương trình nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các cô đỡ thôn bản, đảm bảo họ có thể cung cấp các dịch vụ sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục chất lượng cao cho các cộng đồng chưa được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ này. Những nỗ lực này đã góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong mẹ ở các vùng miền núi và vùng dân tộc thiểu số của đất nước.

 

 Tập huấn 6 tháng cho các cô đỡ thôn bản

 

Chị Hnhach, một trong hai cô đỡ thôn bản ở xã De Ar đã tham gia tập huấn, hiểu rằng không dễ gì có thể thay đổi những chuẩn mực văn hóa đã ăn sâu vào tâm trí của bà con. Phụ nữ nơi cô sinh sống vẫn còn ngần ngại từ bỏ quan niệm truyền thống và lựa chọn sinh con tại bệnh viện do khoảng cách khá xa từ nhà đến các cơ sở y tế và do kinh phí đi lại. Nhiều người chỉ đơn giản cảm thấy không thoải mái khi sinh con trong bệnh viện.

Nhờ có dự án "KHÔNG ĐỂ AI BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU: CÁC CAN THIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO NHẰM GIẢM TÌNH TRẠNG TỬ VONG MẸ TẠI CÁC VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ TẠI VIỆT NAM" do UNFPA và MSD-for-Mothers đồng tài trợ, chị Hnhach bắt đầu vận động các sản phụ tham gia các buổi trò chuyện về lợi ích của việc sinh con tại bệnh viện. Thay đổi quan niệm truyền thống cũng cần phải có sự tham gia của chồng và mẹ chồng của các sản phụ; chính quyền địa phương và những người có ảnh hưởng như trưởng thôn và những người cao tuổi trong cộng đồng.

 

Chỉ riêng trong năm 2022, chị Hnhach đã hỗ trợ 24 ca sinh con tại nhà, giúp đỡ những sản phụ người Ba Na vẫn chưa cảm thấy thoải mái khi sinh con tại bệnh viện. Những nỗ lực của chị bắt đầu có kết quả khi các sản phụ ở xã Đê Ar dần dần muốn sinh con tại bệnh viện thay vì tại nhà, cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Những người phụ nữ được chị giúp đỡ đều bày tỏ lòng biết ơn. Một bà mẹ tên Bloy chia sẻ: ‘Tôi rất biết ơn chị Hnhach, chị đã tư vấn cho tôi về cách chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng và làm việc ở nhà. Chị ấy khuyên tôi nên giảm bớt khối lượng công việc, dành nhiều thời gian hơn cho việc nghỉ ngơi và ưu tiên sức khỏe của mình.”

 

 

Chị Bloy

Hnhach tiếp tục hướng dẫn và truyền cảm hứng cho bà con trong cộng đồng, và chị đã trở thành một minh chứng sống rằng mọi người, cho dù là ai hay xuất thân như thế nào, đều có thể tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của những người họ đang phục vụ tại cộng đồng. Những cống hiến của chị Hnhach, kết hợp với sự hỗ trợ toàn diện của UNFPA, mở đường hướng tới việc cải thiện sức khỏe bà mẹ và sức khỏe sinh sản cho cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam và để không ai bị bỏ lại phía sau trong sự phát triển bền vững của quốc gia.