Go Back Go Back
Go Back Go Back

Công bố Báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019: “Hành trình để thay đổi”

Công bố Báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019:  “Hành trình để thay đổi”

Thông cáo báo chí

Công bố Báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019: “Hành trình để thay đổi”

calendar_today 14 July 2020

Hà Nội, ngày 14 tháng 7 năm 2020 – Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ Việt Nam năm 2019 đã mang lại một bức tranh toàn diện và cung cấp các số liệu cập nhật về vấn đề này. Chính phủ Việt Nam và các đối tác cam kết sẽ tiếp tục giải quyết một cách hiệu quả và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ, dựa trên những tiến bộ đạt được trong những năm gần đây.

 
Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, cứ 03 phụ nữ thì có gần 02 phụ nữ (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời và gần 32% phụ nữ bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua). 

 
Cho đến nay, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới đã thực hiện thành công điều tra quốc gia lần thứ hai về bạo lực đối với phụ nữ, đặc biệt sử dụng phương pháp điều tra đa quốc gia về tình hình sức khỏe của phụ nữ và bạo lực gia đình của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

 

Điều tra được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện, với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Bộ Ngoại giao và Thương mại Ốt-xtrây-li-a (DFAT), Đại sứ quán Ốt- xtrây-li-a tại Việt Nam. Mục đích của Điều tra này là để giúp chúng ta hiểu hơn về những điều đã thay đổi và chưa thay đổi kể từ cuộc điều tra lần thứ nhất vào năm 2010, cũng như những việc cần phải thực hiện nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam.

Điều tra năm 2019 gồm ba phần: nghiên cứu định lượng (do Tổng cục Thống kê thực hiện); nghiên cứu định tính (do Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số -CCIHP thực hiện); và nghiên cứu về thiệt hại kinh tế do bạo lực đối với phụ nữ gây ra (do các chuyên gia quốc tế được UNFPA ủy thác thực hiện).

 

Gần 6.000 phụ nữ trong độ tuổi từ 15 - 64 được phỏng vấn và kết quả cho thấy ở Việt Nam hầu hết bạo lực đối với phụ nữ thường do chồng gây ra.

 

Nghiên cứu cũng chỉ ra ngoại trừ bạo lực tình dục, tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ ở tất cả các hình thức năm 2019 đều thấp hơn so với năm 2010 và sự thay đổi tích cực này có lẽ đang diễn ra ở nhóm phụ nữ trẻ.

 

Ngoài ra, báo cáo cũng ước tính bạo lực đối với phụ nữ đang gây thiệt hại về kinh tế cho Việt Nam ước khoảng 1,8% GDP năm 2018.  

 

Phát biểu tại Hội nghị công bố Báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh: “Sau gần 10 năm kể từ cuộc điều tra lần thứ nhất, các kết quả thu được cho thấy cả những thay đổi tích cực và những tồn tại hạn chế. Thay đổi tích cực đang diễn ra rõ nét ở nhóm phụ nữ trẻ tuổi, họ không cam chịu và mạnh mẽ hơn trong đấu tranh với bạo lực. Những người có trình độ học vấn cao có tỷ lệ bị bạo lực cũng thấp hơn và điều này cho thấy học vấn có ý nghĩa rất quan trọng, giúp phụ nữ tự tin hơn, mạnh mẽ và độc lập hơn trong cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ vẫn có nguy cơ cao bị bạo lực. Tình trạng bạo lực với phụ nữ vẫn được che giấu do định kiến giới còn khá phổ biến trong xã hội. Sự im lặng, kỳ thị của cộng đồng và văn hóa đổ lỗi là những rào cản khiến người bị bạo lực không dám lên tiếng và tìm kiếm sự giúp đỡ. Trẻ em cũng là nạn nhân, dễ gặp rủi ro hơn trong cuộc sống khi trẻ phải sống trong gia đình mà mẹ của mình bị bạo lực.”

 

Bà Nguyễn Thị Hà nói thêm: “. Những tồn tại, thách thức này cần được sớm khắc phục với trách nhiệm từ phía các cơ quan quản lý nhà nước cũng như sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức phi chính phủ và mỗi người dân trong xã hội”.

Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là một trong ba chương trình nghị sự mang tính chuyển đổi mà UNFPA cam kết đạt được trên toàn cầu. Ở Việt Nam, UNFPA đã đồng hành cùng với Chính phủ và các cơ quan liên quan trong hơn một thập kỷ hướng tới chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ. Hôm nay, chúng ta đã có bằng chứng cập nhật nhất về thực trạng bạo lực đối với  phụ nữ ở Việt Nam và tôi kêu gọi mọi người hãy cùng chung tay nỗ lực chấm dứt tình trạng bạo lực này. Nếu không giải quyết vấn đề này, Việt Nam không có cách nào đạt được Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 và đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau”, Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam phát biểu.   

 

Cũng tại Hội nghị, Bà Robyn Mudie, Đại sứ Ốt-xtrây-li-a tại Việt Nam khẳng định “Ốt-xtrây-li-a cam kết mạnh mẽ chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới. Chúng tôi hỗ trợ Điều tra này là để chúng ta nhận thức rõ hơn có  bao nhiêu số phận đang bị ảnh hưởng bởi bạo lực, cưỡng bức và quấy rối. Mỗi  số liệu trong báo cáo phản ánh những trải nghiệm về bạo lực của phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam khi ở nhà, ở công sở hay nơi công cộng. Báo cáo này là bằng chứng cho thấy chúng ta lắng nghe họ, chúng ta tin tưởng họ và chúng ta cần phải hành động”.    

 

Một số phát hiện chính từ điều tra năm 2019 như sau:

  • Cứ 03 phụ nữ thì có gần 02 phụ nữ (62,9%) phải chịu ít nhất một hoặc nhiều hình thức bạo lực do chồng gây ra trong đời và 31,6 % bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua).
  • Trừ bạo lực tình dục, tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ do chồng gây ra năm 2019 thấp hơn so với năm 2010. Ví dụ, phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác trong đời năm 2019 (26,1%) ít hơn so với năm 2010 (31,5%). Điều này rõ ràng hơn với nhóm phụ nữ trẻ.
  • Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ bị chồng bạo lực tình dục trong đời năm 2019 (13,3%) cao hơn so với năm 2010 (9,9%). Điều này đặc biệt đúng ở nhóm phụ nữ trẻ ở độ tuổi từ 18 - 24 (13,9% năm 2019 so với 5,3% năm 2010). Mặc dù điều này phản ánh sự gia tăng của tình trạng bạo lực nhưng cũng có thể là kết quả của sự thay đổi xã hội mà ở đó phụ nữ cởi mở hơn khi nói về chủ đề tình dục và bạo lực tình dục. Trong tương lai cần có nghiên cứu và phân tích sâu hơn để xác định được đúng xu hướng này.
  • Phụ nữ khuyết tật bị các hình thức bạo lực do chồng gây ra cao hơn so với phụ nữ không bị khuyết tật.
  • 4,4% phụ nữ cho biết họ đã bị lạm dụng tình dục trước tuổi 15 tuổi.
  • Ở Việt Nam, phụ nữ bị chồng bạo lực nhiều hơn so với việc bị người khác bạo lực. Cứ 10 phụ nữ thì có 01 người (11,4%) trải qua bạo lực thể xác từ khi 15 tuổi do người khác gây ra. Khi phụ nữ bị bạo lực thể xác do người khác không phải là chồng gây ra, người gây bạo lực chủ yếu là thành viên nam trong gia đình (60,6%).
  • Cứ 10 phụ nữ thì có 01 phụ nữ (9%) bị bạo lực tình dục do người khác gây ra từ năm 15 tuổi. Phần lớn kẻ gây ra bạo lực là nam giới không phải thành viên trong gia đình (ví dụ: nam giới là người không quen biết, bạn bè hoặc người quen; người mới quen gần đây; hoặc người làm cùng cơ quan).
  • Bạo lực đối với phụ nữ vẫn bị che giấu. Một nửa phụ nữ bị chồng bạo lực chưa bao giờ kể với bất kỳ ai. Hầu hết phụ nữ (90,4%) bị bạo lực thể xác và/hoặc tình dục do chồng gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền.
  • Trẻ em cũng là nạn nhân khi sống trong môi trường bạo lực. Trong số phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác, 61,4% cho biết con cái họ đã từng chứng kiến hoặc nghe thấy bạo lực. Phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục nói rằng con cái họ (5-12 tuổi) thường có các vấn đề về hành vi.
  • Bạo lực đối với phụ nữ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho phát triển kinh tế và sức khỏe thể chất, tinh thần phụ nữ. Ước tính thiệt hại kinh tế do bạo lực gây ra cho nền kinh tế Việt Nam tương đương với 1,8% GDP
  • Bạo lực là hành vi có tính tiếp thu. Hành vi này có thể được ngăn chặn và chúng ta cần hành động ngay. Phụ nữ là nạn nhân của bạo lực do chồng gây ra thì nhiều khả năng mẹ của người chồng đã từng bị đánh hoặc bản thân người chồng đã bị đánh đập khi còn nhỏ.  

Tại Hội nghị công bố kết quả điều tra, Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Ốt-xtrây-li-a và UNFPA cùng kêu gọi hành động khẩn cấp để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ.

 

Cho dù bạo lực xảy ra ở đâu, dưới hình thức nào hay ai bị ảnh hưởng đều phải được ngăn chặn. Chúng ta cùng phối hợp để xây dựng một thế giới mà ở đó nam giới và phụ nữ, trẻ em trai và trẻ em gái đều được hưởng cuộc sống bình đẳng, an toàn, không có bạo lực. Chúng tôi đánh giá cao Việt Nam vì cam kết đạt được tầm nhìn này,” Bà Naomi Kitahara kết luận trong bài phát biểu của mình. 

 

Sự kiện được phát trực tiếp theo đường link dưới đây:

Tiếng Việt: https://www.facebook.com/unfpa.vietnam/

Tiếng Anh: https://www.youtube.com/channel/UCfQ6WS9vUpeDGhwQ2nEV3aw

 

Báo cáo đầy đủ, báo cáo tóm tắt và các sản phẩm truyền thông khác liên quan đến Điều tra này được đăng tải trên các websites dưới đây:

Website của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội: http://www.molisa.gov.vnhttp://genic.molisa.gov.vn

Website của UNFPA: https://vietnam.unfpa.org/vi/publications (tiếng Việt) hoặc https://vietnam.unfpa.org/en/publications (tiếng Anh).

 

Để biết thêm thông tin, liên hệ:

Bà Nguyễn Việt Hải, Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

Email: hainv@molisa.gov.vn  - Tel: 024.38269551

 

Bà Nguyễn Thị Hồng Thanh, Cán bộ truyền thông UNFPA

Email:  tnguyen@unfpa.org - Tel: 0913093363