Go Back Go Back
Go Back Go Back
Go Back Go Back

Chấm dứt tình trạng tảo hôn: hướng tới một thế giới mà mỗi trẻ em gái đều có thể đạt được ước mơ của mình

Chấm dứt tình trạng tảo hôn: hướng tới một thế giới mà mỗi trẻ em gái đều có thể đạt được ước mơ của mình

Press Release

Chấm dứt tình trạng tảo hôn: hướng tới một thế giới mà mỗi trẻ em gái đều có thể đạt được ước mơ của mình

calendar_today 25 October 2016

Hà Nội ngày 25/10/2016 – Tảo hôn là vi phạm quyền con người. Mặc dù các quốc gia đã có hệ thống luật pháp giúp giải quyến vấn đề này nhưng thực tế, tình trạng tảo hôn vẫn còn tồn tại ở rất nhiều nơi, mà nguyên nhân chính là do nghèo đói và bất bình đẳng giới. Giải quyết tình trạng tảo hôn chính là một trong các giải pháp góp phần giảm nghèo, thúc đẩy bình đẳng giới và quyền con người, cũng như góp phần duy trì sự bền vững của phát triển kinh tế-xã hội cho cộng đồng và quốc gia. Đây là những thông tin được chia sẻ tại Hội thảo quốc gia về tình trạng tảo hôn, do Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA, UNICEF, UN Women), phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình thuộc Bộ Y tế và Ủy ban Dân tộc miền núi.

Hiện nay trên toàn thế giới, có hơn 700 triệu phụ nữ kết hôn ở độ tuổi trẻ em. Cứ 3 phụ nữ thì có 1 người – khoảng 250 triệu – kết hôn trước tuổi 15. Tảo hôn ảnh hưởng trầm trọng tới cuộc sống và sức khỏe của các em gái, làm mất đi các cơ hội và cản trở tương lai của các em, bao gồm nghề nghiệp mà các em mong muốn, cũng như gây ảnh hưởng sâu sắc tới gia đình của các em.

Trẻ em gái kết hôn trước tuổi 18 thường phải bỏ học và có nhiều nguy cơ bị bạo lực gia đình. So với phụ nữ sinh con ở độ tuổi trên 20 thì các bà mẹ trẻ em có nhiều nguy cơ tử vong do những biến chứng thai sản và trong quá trình sinh con. Con cái của các bà mẹ trẻ con thường bị chết lưu hoặc chết trong những tháng đầu đời. Những biến chứng thai sản này là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của các bà mẹ trẻ con ở các quốc gia đang phát triển.

Chính phủ Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực trong việc giải quyết tình trạng tảo hôn. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và Luật Trẻ em năm 2016 đã nghiêm cấm tảo hôn và các hoạt động liên quan tới việc tổ chức và hỗ trợ tảo hôn. Năm 2015, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn giai đoạn 2015-2025.

Luật Hôn nhân và Gia đình Qui định: nam nữ kết hôn khi Nam đủ 20 tuổi, nữ đủ 18 tuổi. Nhưng ở nhiều địa phương đặc biệt là những địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống cha mẹ và họ tộc vẫn cho phép trẻ em gái được kết hôn trước tuổi 18. Kết quả từ cuộc Điều tra Đánh giá các Mục tiêu Trẻ em và Phụ nữ ở Việt Nam (MICS) năm 2014 cho thấy tỷ lệ phụ nữ trẻ từ 15-19 tuổi kết hôn hoặc sống chung là 10,3 phần trăm vào năm 2014. Khu vực miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Mê Kông và Tây nguyên là những nơi có tỷ lệ tảo hôn cao. Theo số liệu từ hệ thống số liệu hành chính, ở một số địa phương có tỷ lệ tảo hôn hơn 50 phần trăm. Trong số các khu vực dân tộc thiểu số, người Mông có tỷ lệ tảo hôn cao nhất là 33 phần trăm, tiếp theo là người Thái 23 phần trăm.

Tảo hôn ảnh hưởng tới cả trẻ em trai nhưng tỷ lệ thấp hơn tảo hôn đối với trẻ em gái. Tình trạng tảo hôn liên quan tới tình trạng kinh tế-xã hội còn thấp kém, các tỉnh, thành có chỉ số phát triển con người cao thường có tỷ lệ tảo hôn thấp.

Phát biểu tại hội thảo, Bà Trương Thị Mai, uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban dân vận Trung ương chỉ đạo "Xây dựng cách tiếp cận giải quyết tảo hôn ở Việt Nam, để làm được điều này chính phủ cần tham vấn với các tổ chức nghiên cứu, các tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội dân sự. Trong đó chú trọng thay đổi các chuẩn mực xã hội nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, có các can thiệp cho trẻ em gái nhằm ngăn chặn tình trạng bỏ học giữa chừng của các em, khuyến khích tạo điều kiện để các em được đi học trung học chuyên nghiệp, học nghề, bố trí việc làm. Song song với các biện pháp mang tính chất phòng ngừa như: truyền thông, tư vấn, vận động thay đổi nhận thức, tiếp tục tăng cường đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao dân trí cho người dân".

Việc thông qua các Mục tiêu Phát triển Bền vững vào năm 2015, bao gồm mục tiêu về chấm dứt tảo hôn vào năm 2030 là một cơ hội tuyệt vời giúp các trẻ em gái ở nhiều nơi trên thế giới xây dựng tương lai của mình.

Thay mặt cho Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA phát biểu "Liên Hợp Quốc sẽ cộng tác cùng với Chính phủ Việt Nam trong việc đảm bảo việc thực hiện quyền của trẻ em gái vị thành niên, giúp trẻ em gái phát triển được hết tiềm năng của mình và điều này sẽ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển về kinh tế và xã hội. Với sự hỗ trợ từ gia đình, cộng đồng và quốc gia, cùng với việc trẻ em gái được thực hiện đầy đủ các quyền của mình, trẻ em gái có thể phát triển mạnh mẽ và khỏe mạnh, góp phần mang lại tương lai mà thế giới chúng ta mong muốn".

Để giải quyết tình trạng tảo hôn, cần phải có sự hợp tác chặt chẽ hơn ở tất cả các cấp. Điều này đòi hỏi tất cả các Bộ, ban ngành ở tất cả các cấp, các tổ chức xã hội dân sự, cộng đồng quốc tế và Liên Hợp Quốc cùng hành động để chấm dứt tình trạng tảo hôn. Tất cả mọi người cần phải chung tay giúp mang lại ước mơ, hoài bão cho trẻ em.

Thông tin liên quan:

Để có thêm thông tin xin liên hệ:

Chị Nguyễn Thị Hồng Thanh, Truyền thông Liên Hợp Quốc, Mob: 0913 093363, Email: tnguyen@unfpa.org