Bạn đang ở đây

Ngày 30/11/2022, Tổng cục Thống kê phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về sử dụng dữ liệu hành chính phục vụ công tác thống kê dân số.

Đối với hầu hết các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, Con người là vốn quý nhất, là động lực quan trọng cho sự thành công và thịnh vượng của mỗi quốc gia. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn rất quan tâm và đặc biệt coi trọng công tác thống kê dân số, đồng thời đầu tư rất nhiều nguồn lực để thực hiện các cuộc Tổng điều tra và Điều tra dân số với mục tiêu là có được nguồn số liệu đầy đủ, chính xác và đáng tin cậy về nguồn vốn con người Việt Nam. Đó được coi là bằng chứng số liệu quan trọng để xây dựng hoạch định cũng như đánh giá tác động của những chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

 

Tính đến nay, Việt Nam đã thực hiện thành công nhiều cuộc Tổng điều tra và Điều tra dân số làm căn cứ để biên soạn các chỉ tiêu thống kê dân số. Tuy nhiên, tất cả các cuộc Tổng điều tra và Điều tra dân số nói trên đều thực hiện theo phương pháp truyền thống. Việt Nam vẫn chưa tận dụng được các nguồn dữ liệu hành chính khác nhau trong tổ chức triển khai điều tra cũng như hỗ trợ biên soạn một số chỉ tiêu thống kê quan trọng, nhằm giảm bớt gánh nặng điều tra.

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã đem lại cho Việt Nam cơ hội tốt trong việc số hóa các nguồn dữ liệu hành chính phục vụ công việc quản lý của các bộ ngành. Chính vì vậy, việc nghiên cứu tăng cường sử dụng dữ liệu hành chính hay dữ liệu lớn cho công tác thống kê trong đó có các cuộc Tổng điều tra và Điều tra dân số trở thành ưu tiên chiến lược mới đối với ngành thống kê.

 

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về sử dụng dữ liệu hành chính phục vụ công tác thống kê dân số mang đến cho Tổng cục Thống kê và các bộ ngành có liên quan kiến thức và kinh nghiệm về khai thác dữ liệu hành chính phục vụ công tác thống kê, trong đó có việc biên soạn và công bố các chỉ tiêu thống kê, cũng như thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ Tổng điều tra theo phương pháp truyền thống sang áp dụng phương pháp kết hợp hoặc dựa trên dữ liệu hành chính với các chủ đề dựa trên sự sẵn có của dữ liệu, khả năng công nghệ, cơ sở pháp lý và vai trò các bên liên quan.

 

Sự kiện hôm nay có sự tham gia của trên 150 đại biểu đến từ các cơ quan trong nước như Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Xây dựng, và Trường đại học Kinh tế Quốc dân. Đồng thời, còn có sự góp mặt của các tổ chức quốc tế như UNFPA, Tổ chức Lao động quốc tế, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Á, Đại sứ quán Đan Mạch và hơn 20 cơ quan báo chí trong và ngoài nước. Các chuyên gia quốc tế tham gia chia sẻ kinh nghiệm đến từ Cục Thống kê Úc, Thống kê Hàn Quốc, Thống kê Đan Mạch, Thống kê Na Uy, Thống kê Quốc gia Mông Cổ, Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ, và UNFPA khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

 

Nói về sự chuyển dịch chiến lược của ngành, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng TCTK chia sẻ:“Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 của Việt Nam là một ví dụ rất điển hình về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các giai đoạn của Tổng điều tra, như đã được chia sẻ nhiều lần tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Các quốc gia khác cũng đang học hỏi từ kinh nghiệm Tổng điều tra của Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cần tiến xa hơn theo hướng ứng dụng chuyển đổi số trong tương lai. Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng thành công cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý, các cơ sở dữ liệu hành chính chuyên ngành khác. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để Tổng cục Thống kê xây dựng các phương án đổi mới Tổng điều tra dân số theo hướng hiện đại, tiết kiệm, phù hợp với tinh thần của Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

 

Trong bài phát biểu khai mạc, Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFFPA tại Việt Nam cho biết: “Kinh nghiệm quốc tế cho thấy quốc gia nào có các hệ thống đăng ký và nguồn dữ liệu hành chính đáng tin cậy, nhất quán, đầy đủ và chất lượng cao, thì có thể thực hiện Tổng điều tra dựa trên dữ liệu hành chính. Trong khi đó, Tổng điều tra dân số theo phương pháp kết hợp có thể được coi là một quá trình quá độ từ phương pháp truyền thống sang cách thức tiến hành Tổng điều tra dựa vào dữ liệu hành chính. Với mức độ đa dạng của các hệ thống đăng ký của Việt Nam, cũng như quy mô dân số và đặc điểm tăng trưởng kinh tế - xã hội đang phát triển nhanh chóng của đất nước, điểm then chốt là Tổng cục Thống kê cần nắm được những kinh nghiệm và các bài học từ các quốc gia khác. UNFPA sẵn sàng hỗ trợ TCTK trong tiến trình này vì chúng ta có mục tiêu chung là ‘Dữ liệu tốt hơn, Cuộc sống tươi đẹp hơn’ cho Việt Nam.”

 

Hội thảo này nằm trong khuôn khổ dự án VNM10P04:“Hỗ trợ các cơ quan Việt Nam trong việc sản xuất, cung cấp, và sử dụng dữ liệu, bằng chứng có chất lượng về dân số phục vụ công tác đánh giá, xây dựng và thực hiện các chính sách, chiến lược, chương trình phát triển kinh tế - xã hội và giám sát các Mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam, giai đoạn 2022-2026” do Tổng cục Thống kê thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của UNFPA tại Việt Nam.

 

Để có thêm thông tin chi tiết, xin vui lòng liên hệ:

 

Tổng cục Thống kê

ĐT: 024 7304 6666 | Email: dansolaodong@gso.gov.vn

Đinh Thu Hương | Cán bộ truyền thông UNFPA

ĐT: 0913 301 539 | Email: dhuong@unfpa.org