Bạn đang ở đây

  • Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI kiêm Giám đốc chi nhánh Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp tại TP. HCM;
  • Đại diện các cơ quan của các bộ, ngành thuộc Chính phủ;
  • Đại diện cộng đồng doanh nghiệp; các phòng thương mại trong nước và quốc tế;
  • Hội Người cao tuổi Việt Nam;
  • Các đồng nghiệp và đối tác;

Xin chào, các quý vị đại biểu.

Đây là chuyến đi đầu tiên của tôi đến Thành phố Hồ Chí Minh, một trung tâm kinh tế của khu vực ASEAN, với tư cách là Trưởng Đại diện mới của UNFPA tại Việt Nam. Vị thế phát triển kinh tế - xã hội sôi động của thành phố, đặc biệt với khu vực tư nhân là động lực, là chất xúc tác cho sự hội ngộ của chúng ta ngày hôm nay trong cuộc thảo luận về sự tham gia của khu vực tư nhân trong việc phát triển các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi.

Tôi xin cảm ơn Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) đã tổ chức sự kiện này. UNFPA Việt Nam rất vinh dự được tham gia cuộc thảo luận giữa cộng đồng doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi cho khu vực tư nhân góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhóm dân số người cao tuổi ở Việt Nam.

Tôi cũng xin cảm ơn đại diện các cơ quan của Đảng, chính phủ, các Bộ ngành, các tổ chức quốc tế và các bên có liên quan đã ủng hộ và luôn tin tưởng hỗ trợ cho UNFPA và VCCI cũng như sự tham gia của quý vị trong cuộc thảo luận ý nghĩa này.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trong khu vực và trên thế giới. Người ta dự đoán quá trình Việt Nam chuyển từ giai đoạn “già hóa dân số” sang “dân số già” vào năm 2036 sẽ diễn ra nhanh hơn nhiều so với các quốc gia khác. Sự gia tăng cả về số lượng tuyệt đối và tỷ lệ người trên 65 tuổi cho thấy nhu cầu về chăm sóc xã hội, chăm sóc sức khỏe và nguồn lực tài chính.

Việt Nam cần hành động ngay bây giờ để chuẩn bị cho một xã hội nhiều người cao tuổi hơn, nơi mọi người sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn trong gia đình và cộng đồng của họ.

Báo cáo Triển vọng thị trường dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại Việt Nam, do UNFPA và VCCI thực hiện năm 2021 đã cho thấy nhu cầu chăm sóc đa dạng hơn cho người cao tuổi ở Việt Nam đang ngày càng gia tăng. Như ông Võ Tân Thành đã nhấn mạnh, và cũng cần phải nhắc lại rằng Báo cáo cũng ước tính thị trường đầy hứa hẹn tại Việt Nam với 20 triệu "khách hàng tiềm năng" vào năm 2035.

Khi tôi đi tới các tỉnh trên khắp Việt Nam, tôi được biết ở Việt Nam có truyền thống các thành viên trong gia đình chăm sóc những người thân cao tuổi tại nhà. Tôi cũng được nghe nói, và thấy cũng khá tương tự ở các quốc gia khác mà tôi đã từng đến, những người chăm sóc chủ yếu là phụ nữ trong gia đình, những người có thể chưa được đào tạo hoặc chưa có kỹ năng chăm sóc đặc biệt, và thường là không được trả lương cho công việc chăm sóc này.

Khi chúng ta sống lâu hơn, số người cần được chăm sóc cũng gia tăng. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng nhóm dân số người cao tuổi không phải là một nhóm đồng nhất. Mỗi người cao tuổi sẽ có nhu cầu và sở thích chăm sóc riêng. Vì vậy, việc cung cấp dịch vụ chăm sóc phải có nhiều lựa chọn, chăm sóc tại các cơ sở chăm sóc và tại cộng đồng, để giảm bớt gánh nặng cho các thành viên trong gia đình - đặc biệt là phụ nữ.

Tôi vừa trở về từ Hội nghị Dân số Châu Á và Thái Bình Dương (APPC) lần thứ 7 ở Bangkok. Tại đây nhiều quốc gia thành viên trong khu vực đã lên tiếng kêu gọi hỗ trợ sự tham gia tích cực của người cao tuổi và chuẩn bị cho tuổi già.

Kính thưa các vị khách quý,

UNFPA tại Việt Nam kiến nghị xây dựng một hệ sinh thái chăm sóc người cao tuổi toàn diện bao gồm các dịch vụ chăm sóc tại nhà, dịch vụ chăm sóc tại cộng đồng, nhóm/hội hưu trí, viện dưỡng lão và chăm sóc tại bệnh viện. Chúng tôi tin tưởng rằng những người chăm sóc có trình độ là điều kiện cần thiết cho một hệ thống bền vững. Sự tham gia của khu vực tư nhân thông qua hợp tác tác công tư là một giải pháp tuyệt vời.

Diễn đàn Cơ hội phát triển ngành dịch vụ dành cho Người cao tuổi diễn ra vào cuối năm 2021 do VCCI và UNFPA tổ chức đã thúc đẩy vai trò của khu vực tư nhân trong phát triển dịch vụ chăm sóc người cao tuổi. Sau đó Mạng lưới Phát triển ngành dịch vụ dành cho người cao tuổi đã ra đời với sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ Nhật Bản để kết nối các đối tác có liên quan trao đổi, kết nối và tìm kiếm các cơ hội hợp tác nhằm thúc đẩy ngành dịch vụ dành cho người cao tuổi tại Việt Nam. Mạng lưới này cũng hỗ trợ phát triển trình độ và kỹ năng cho những người làm việc trong ngành dịch vụ chăm sóc người cao tuổi.

Ý kiến và các khuyến nghị của quý vị trong buổi thảo luận ngày hôm nay vô cùng quý báu cho những bước đi tiếp theo của chúng ta nhằm đảm bảo rằng người cao tuổi vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong hành trình của Việt Nam nhằm trở thành một xã hội lành mạnh cho tất cả mọi người, nơi không ai bị bỏ lại phía sau. Tôi rất mong chờ cuộc thảo luận hiệu quả của chúng ta.

Xin cảm ơn!