Bạn đang ở đây

  • Kính thưa, Ông Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ;
  • Đại diện của 19 Sở Nội vụ của các tỉnh thành khu vực miền Trung và Tây Nguyên;
  • Các chuyên gia, và
  • Các đại diện cơ quan truyền thông địa phương.

 

Xin chào buổi sáng tất cả các Quý vị đại biểu,

 

Tôi rất vinh dự khi được tham dự hội thảo về đánh giá việc triển khai Luật Thanh niên 2020, chiến lược quốc gia về phát triển thanh niên giai đoạn 2021 – 2030 cấp địa phương, và thảo luận về báo cáo quốc gia về phát triển thanh niên giai đoạn 2019 – 2022.

 

Tôi xin gửi lời cảm ơn đến Bộ Nội vụ đã tổ chức hội thảo này, và đặc biệt Ông Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đã có lời mời tôi tham dự và đồng chủ trì cùng ông tại hội thảo này. Rất vui được gặp lại Ông.

 

Tôi cũng rất vui khi được trở lại Huế. Tôi mới chỉ đến Việt Nam khoảng 3 tháng và đây là lần thứ hai tôi đến Huế. Tôi rất hứng thú với văn hóa và lịch sử phong phú của thành phố này dưới triều Nguyễn.

 

Kính thưa các vị đại biểu,

 

Việt Nam đang ở gian đoạn có tỷ lệ thanh niên cao nhất từ trước đến này, tạo ra cơ hội được biết đến là ‘lợi tức nhân khẩu học’. Năm 2022, Việt Nam có khoảng 21 triệu thanh niên độ tuổi 10 – 24, chiếm khoảng 21% dân số, đây là cơ hội dân số vàng và được dự báo sẽ tiếp tục trong 15 năm tiếp theo.

 

UNFPA vinh dự được đóng góp vào những nỗ lực của Việt Nam để tối đa hóa tiềm năng này. Chúng tôi đã cung cấp hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính cho quá trình sửa đổi Luật Thanh niên 2020 và xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển thanh niên đồng thời sẽ tiếp tục hỗ trợ quá trình thực thi các chính sách này.

 

Tất cả các hỗ trợ can thiệp của chúng tôi đã giúp tăng cường tiếp cận với giáo dục giới tính và tình dục toàn diện cho thanh niên trong và ngoài trường học, cũng như các dịch vụ thân thiện với thanh niên về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và quyền cho các nhóm yếu thế bao gồm thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên khuyết tật, cộng đồng LGBTQ+ và thanh niên di cư thông qua cơ chế phối hợp đa ngành để đảm bảo trách nhiệm giải trình đối của cơ quan ban ngành và chính quyền địa phương.

 

UNFPA cũng hỗ trợ Chính phủ cải thiện cơ sở dữ liệu, đặc biệt là chỉ số phát triển thanh niên, phù hợp với khung phát triển thanh niên ASEAN. Việc thu thập và phân tích số liệu ở cấp quốc gia và cấp địa phương một cách kịp thời góp phần vào việc đưa ra quyết định dựa trên bằng chứng và ưu tiên đầu tư vào thanh niên.

 

Kính thưa các vị đại biểu,

 

Những đầu tư vào thanh niên giúp tạo cơ hội cho sự đổi mới, xây dựng kỹ năng sống và ủng hộ quyền tự chủ về cơ thể.

 

Theo khảo sát toàn cầu về đầu tư cho thanh thiếu niên do UNFPA tiến hành năm 2017, chỉ đầu tư 5 đô la cho mỗi người mỗi năm để cải thiện sức khỏe của tuổi vị thành niên sẽ bảo vệ được khoảng 12,5 triệu tính mạng và ngăn ngừa hơn 30 triệu ca mang thai ngoài ý muốn. Từ đó, đem lại lợi ích kinh tế và xã hội lớn hơn gấp 10 lần chi phí - một lợi tức đáng kể từ việc đầu tư này. Do đó, UNFPA kiến nghị cần có đủ đầu tư tài chính nhà nước dành cho phát triển thanh niên ở mọi cấp.

 

Để phát huy được tiềm năng, phát triển thanh niên cần có sự phối hợp đa ngành. Hội thảo này do Bộ Nội vụ tổ chức đã cho thấy những cam kết chính trị của Chính phủ đối với việc phát triển thanh niên vì lợi ích tương lai của đất nước.

 

UNFPA khuyến nghị cần tiếp tục tăng cường phối hợp giữa các bộ ban ngành có liên quan để đảm bảo rằng các chỉ số phát triển thanh niên được đưa đầy đủ vào các kế hoạch hành động ở cấp quốc gia và địa phương. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phối hợp giữa các sở ngành để có thể phân bổ ngân sách địa phương cho việc thực hiện các ưu tiên trong phát triển thanh niên.

 

Diễn đàn thanh niên cấp tỉnh rất quan trọng nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho thanh niên thảo luận và chia sẻ quan tâm của mình đối với các vấn đề ảnh hưởng đến chính họ. Thanh niên Việt Nam có thể đóng góp đáng kể vào việc ra quyết định và họ cũng đưa ra các giải pháp độc đáo, hiện đại, khả thi cho họ ở cấp địa phương và cộng đồng.

 

Chúng ta biết rằng nhóm dân số thanh niên rất đa dạng. Không có một giải pháp chung cho tất cả. Vì vậy, mỗi chính sách phát triển thanh niên dù ở cấp tỉnh hay thành phố đều cần phản ánh nhu cầu cụ thể của từng nhóm thanh niên khác nhau như người khuyết tật, thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên LGBTQI+ và lao động trẻ nhập cư.

 

Tôi mong muốn được nghe những ý kiến và đề xuất của các Quý vị tại hội thảo ngày hôm nay. UNFPA sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam khai thác tối đa tiềm năng của thanh niên Việt Nam nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước vào năm 2030 và không để ai bị bỏ lại phía sau.

 

Cảm ơn và chúc hội thảo thành công!