Ngày 11 tháng 11 năm 2021: Trong bối cảnh Việt Nam chuyển sang giai đoạn bình thường mới, sống chung an toàn với dịch COVID-19, hơn 150 đại diện từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã tham dự diễn đàn doanh nghiệp được tổ chức lần đầu dưới hình thức trực tuyến nhằm thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân trong việc phát triển ngành dịch vụ kinh doanh dành cho người cao tuổi tại Việt Nam.
Diễn đàn doanh nghiệp do ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI kiêm Giám đốc VCCI TP.HCM và bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA (Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc) tại Việt Nam đồng chủ trì. Diễn đàn nằm trong chuỗi các hoạt động can thiệp do Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua Dự án mang tên "Giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đối với các nhóm dân cư dễ bị tổn thương - Đảm bảo tiến độ của quốc gia trong việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam".
Diễn đàn doanh nghiệp đã thảo luận về thực trạng ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, nhu cầu về chăm sóc sức khỏe cũng như tiềm năng phát triển của “thị trường bạc” này trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và đất nước chuyển sang trạng thái bình thường mới. Báo cáo Triển vọng thị trường dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại Việt Nam đã được trình bày tại Diễn đàn với những phát hiện cho thấy một thị trường đầy hứa hẹn với 20 triệu "khách hàng tiềm năng" vào năm 2035. Người cao tuổi là tài sản quan trọng của quốc gia, cung cấp nguồn nhân lực, trí tuệ và kinh nghiệm vô cùng quý giá. Người cao tuổi cũng là động lực cốt yếu của một thị trường mới nổi, có thể tạo ra doanh số, thu nhập và việc làm cho xã hội.
Các doanh nghiệp cũng đã đối thoại thẳng thắn với các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là về các chính sách quốc gia liên quan đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Để tối đa hóa các cơ hội của tình trạng già hóa dân số, những người tham gia đã tìm hiểu các xu hướng và triển vọng trong tương lai, bao gồm các giải pháp sáng tạo cho ngành chăm sóc sức khỏe để đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Trong bài phát biểu khai mạc, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI kiêm Giám đốc VCCI TP.HCM khẳng định diễn đàn doanh nghiệp là yếu tố can thiệp kịp thời, đặc biệt trong bối cảnh TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác trên cả nước chịu hậu quả nặng nề từ làn sóng thứ 4 của đại dịch COVID-19, tác động tiêu cực đến thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ông Võ Tân Thành chia sẻ: “Thị trường dịch vụ dành cho người cao tuổi của Việt Nam rất lớn và nhiều tiềm năng nhưng đang bị bỏ ngỏ, sự phát triển của các ngành dịch vụ dành cho người cao tuổi hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của người cao tuổi.Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên trong đó có thể kể đến như sự chưa hoàn thiện về cơ sở hạ tầng và chính sách khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp; sự hạn chế nguồn lực về tài chính, con người và công nghệ và sự thiếu vắng mô hình dịch vụ hiệu quả và phù hợp với văn hóa của người Việt Nam cũng như chiến lược truyền thông thay đổi thói quen tiêu dùng của người cao tuổi chưa hiệu quả. Diễn đàn ngày hôm nay là cơ hội để các bên liên quan cùng thảo luận và khai thông các cơ hội kinh doanh trong ngành dịch vụ quan trọng và nhiều tiềm năng này.”
Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cũng đề cao ý nghĩa quan trọng của diễn đàn doanh nghiệp lần này, do sự tham gia của các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ chăm sóc người cao tuổi vẫn còn rất hạn chế ở Việt Nam.
Bà Naomi Kitahara nhấn mạnh: “Tất cả mọi người thuộc mọi lứa tuổi đều có thể bị lây nhiễm COVID-19, tuy nhiên người cao tuổi và những người có bệnh lý nền sẽ có nguy cơ gặp nhiều biến chứng nghiêm trọng và có tỉ lệ tử vong cao hơn. Đồng thời, tốc độ già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng ở Việt Nam và đất nước sẽ chuyển đổi từ xã hội “già hóa” sang xã hội có “dân số già” vào năm 2036. Mặc dù điều này có ý nghĩa về nhu cầu được chăm sóc và hỗ trợ đối với người cao tuổi, nhưng đồng thời có thể là cơ hội kinh doanh cho ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe”.
Ông Daisuke Okabe - Công sứ, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam phát biểu trên diễn đàn: “Nhật Bản có chung xu hướng già hóa dân số và mức sinh thấp. Trong vài thập kỷ qua, ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho người cao tuổi ở Nhật Bản đã thu hút được sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp tư nhân, trong đó có những doanh nghiệp rất độc đáo và sáng tạo. Chính phủ Nhật Bản rất vinh dự được hỗ trợ UNFPA và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong việc tạo ra một diễn đàn để các doanh nghiệp tham gia đối thoại với các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là về các chính sách quốc gia liên quan đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.”
Thành phần tham dự diễn đàn gồm các nhà quản lý đến từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các công ty và nhà sản xuất trong nước cũng như từ các công ty Nhật Bản. Đại diện từ các phòng thương mại quốc tế, bao gồm JCCI, KoCham, AmCham và EuroCham, và đại diện các cơ quan lãnh sự quốc tế cũng tham gia diễn đàn.
Diễn đàn kết thúc bằng các khuyến nghị về những bước tiếp theo nhằm đảm bảo rằng người cao tuổi phải được ưu tiên trong các nỗ lực vượt qua đại dịch COVID-19 của Việt Nam và không ai bị bỏ lại phía sau trong hoạt động ứng phó nhân đạo cũng như trong nỗ lực phát triển.
Ghi chú dành cho người biên tập:
- Già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh chóng ở Việt Nam do mức chết và mức sinh giảm. Năm 2020, tỉ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm 8% dân số và ước tính đến năm 2036, Việt Nam sẽ chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già với 14% dân số ở độ tuổi trên 65.
- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ước tính có khoảng 4 triệu người cao tuổi cần được chăm sóc hàng ngày vào năm 2019 và con số này sẽ tăng lên khoảng 10 triệu người vào năm 2030.
Để thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ:
- VCCI: Bà Nguyễn Song Phương Thảo: bea@vcci-hcm.org.vn, 0906821203
- Cán bộ Truyền thông của UNFPA:
Bà Đinh Thu Hương, Email: dhuong@unfpa.org, Điện thoại: 0913301539