Go Back Go Back
Go Back Go Back
Go Back Go Back

Già hóa Dân số - Tác động, Thách thức và Cơ hội

Già hóa Dân số - Tác động, Thách thức và Cơ hội

Press Release

Già hóa Dân số - Tác động, Thách thức và Cơ hội

calendar_today 06 September 2016

Hội thảo Khu vực châu Á Thái Bình Dương 2016 của Mạng lưới hỗ trợ người cao tuổi: Những tác động kinh tế của già hóa

Hà Nội, Việt Nam, 6-8/9/2016 - Do ngày càng nhiều quốc gia ở khu vực Châu Á và Thái Bình Dương phải đối mặt với già hóa dân số nhanh, nên hơn bao giờ hết, việc hiểu và chuẩn bị một cách chiến lược cho những thay đổi nhân khẩu học này cũng như hiểu các tác động to lớn về kinh tế và xã hội của sự thay đổi đó là một ưu tiên hàng đầu đối với các chính phủ trong Khu vực.

Đến năm 2050, sẽ có gần 1,3 tỷ người trên 60 tuổi sống ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương , tương đương với 2/3 số nam giới và phụ nữ cao tuổi trên toàn thế giới. Điều này sẽ tác động lớn đến nền kinh tế của các nước đang phải đối mặt với việc giảm sút đáng kể dân số trong độ tuổi lao động và gia tăng số người cao tuổi phụ thuộc.

Những thách thức đó sẽ được đề cập tại Hội thảo khu vực châu Á Thái Bình Dương của Mạng lưới hỗ trợ người cao tuổi từ ngày 06 đến ngày 08/09/2016 tại Hà Nội, Việt Nam – một sự kiện được tổ chức thường kỳ 2 năm một lần nhằm thảo luận và tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề đang tác động tới chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Eduardo Klien - Giám đốc Khu vực Đông Á Thái Bình Dương của Tổ chức HelpAge International (Tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi Quốc tế) cho biết: “Sự thay đổi về nhân khẩu học ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đã và đang có những tác động mạnh mẽ đến các quốc gia trong khu vực, cả về kinh tế và xã hội. Bởi vậy, việc có các chính sách nhằm chuẩn bị cho sự chuyển đổi nhân khẩu học này là vô cùng cần thiết để có thể duy trì sự phát triển kinh tế và cải thiện đời sống cho tất cả mọi người”.

Năm 2016, với chủ đề “Những tác động kinh tế của già hóa”, Hội thảo sẽ tập trung vào những vấn đề chính yếu như: Sức khỏe và chăm sóc, việc làm của người cao tuổi, các nguồn thu nhập hộ gia đình và  thị trường.

Thông qua lăng kính của già hóa dân số, Hội thảo sẽ thảo luận các ưu tiên tài chính của quốc gia và khu vực cũng như các tác động kinh tế trong tương lai đối với các cá nhân, cộng đồng và xã hội.

“Mục tiêu chính của Hội thảo là có được những hiểu biết tốt hơn về các giải pháp cần thiết về kinh tế và xã hội nhằm thích ứng với già hóa dân số nhanh”- ông Klien cho biết thêm.

"Già hóa dân số thường được nhiều chính phủ và nhà kinh tế nhìn nhận như một mối đe dọa, thậm chí là một thảm họa tiềm năng. Tuy nhiên không nhất thiết phải nhìn nhận già hóa dân số một cách tiêu cực như vậy", Bà Yoriko Yasukawa, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Quỹ Dân số Liên hợp quốc, UNFPA, lưu ý -  "Việc đưa ra những thay đổi trong các chính sách kinh tế và y tế cũng như việc thay đổi cách nhìn nhận có thể giúp các quốc gia có một tương lai tốt hơn bằng cách giảm đi những gánh nặng và tối đa hóa sự đóng góp của người cao tuổi. Cuối cùng, vấn đề này cần được xem xét và giải quyết trong bối cảnh của Chương trình Phát triển Bền vững đến năm 2030 với mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau."

“Đây là cơ hội để chúng tôi học hỏi kinh nghiệm của các nước khác cũng như chia sẻ một số kinh nghiệm thích ứng với già hóa dân số ở Việt Nam, trong đó có mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau. Nhận thấy đây là một mô hình tốt trong chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi tại cộng đồng, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyêt đề án nhân rộng mô hình ra toàn quốc”- Ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, nói.

“Tôi tin tưởng rằng những kết quả sau Hội nghị này sẽ góp phần quan trọng  giúp Việt Nam nói riêng và các quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói chung có được những thông tin làm cơ sở tham khảo quan trọng cho việc đề xuất, xây dựng và sửa đổi chính sách; tìm ra giải pháp cần thực hiện để có một xã hội công bằng và bình đẳng cho tất cả mọi người, ở mọi độ tuổi, trong đó có người cao tuổi” - Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Phó chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam, cho biết.

“Hội thảo Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương lần này với chủ đề “tính kinh tế của xã hội già hoá” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, với những khuyến nghị giúp chúng ta biến thách thức thành cơ hội” ,Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi, nói.
Hội thảo này có sự tham gia của gần 300 đại biểu từ 35 quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đến từ các bộ, các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu, xã hội dân sự và khu vực tư nhân.

Với sự hợp tác của tất cả các ngành tham gia trong Hội thảo này, các đại biểu sẽ thảo luận để tìm ra các giải pháp cần thực hiện để có một xã hội công bằng và bình đẳng cho tất cả mọi người, ở mọi độ tuổi, trong đó có người cao tuổi, ở Khu vực Châu Á và Thái Bình Dương.  

-Hết-

Hội thảo do Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Việt Nam, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và Tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi Quốc tế (HelpAge International) đồng tổ chức, với sự hợp tác của Diễn đàn các Nghị sĩ châu Á về Dân số và Phát triển (AFPPD), Tổ chức Người Cao tuổi Quốc tế (Age International), Liên minh Châu Âu, Quỹ Sinh kế và An ninh Lương thực Myarma (LIFT) và Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO).

Thông tin chi tiết xem tại: www.ageingasiaconf2016.org  
Theo dõi Twitter để cập nhập thông tin hội thảo @HelpAgeEAPRO, @UNFPAAsia, @unfpa_vietnam, #AgeingEcon, #HARC16

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Bộ Lao động Thương binh - Xã hội chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến lao động, việc làm, người có công và bảo trợ xã hội cho người cao tuổi và các nhóm dễ bị tổn thương khác, và bình đẳng giới.
Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA)
Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) là cơ quan Liên hợp quốc đi đầu trong việc xây dựng một thế giới mà các bà mẹ mang thai đều mong ước, những đứa trẻ sơ sinh được an toàn và những người trẻ được khai phá tiềm năng. Với cách tiếp cận dựa trên vòng đời, Quỹ Dân số Liên hợp quốc cũng tham gia vào việc nâng cao nhận thức về già hóa dân số cũng như nhu cầu khai thác các cơ hội và giải quyết các thách thức của già hóa dân số.

Tổ chức HelpAge International (Tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi Quốc tế)
Tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi Quốc tế hỗ trợ người cao tuổi bảo vệ quyền lợi của mình, xóa bỏ sự phân biệt đối xử và giúp thoát nghèo để họ có cuộc sống có nhân phẩm, an toàn, tích cực và khỏe mạnh hơn. Tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi Quốc tế hoạt động thông qua mạng lưới toàn cầu gồm các tổ chức có cùng mục tiêu, là tổ chức duy nhất trên thế giới có cách hoạt động này trong lĩnh vực người cao tuổi.
Để đặt lịch phỏng vấn các diễn giả và giải đáp các câu hỏi, xin vui lòng liên hệ:

Về phía Việt Nam
Bà Nguyễn Ngọc Anh,  Chuyên viên, Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Tel: 0985057513     Email: anh.nn@icd-molisa.gov.vn
Bà Hoàng Thị Thanh, Cán bộ Truyền thông, Tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi quốc tế tại Việt Nam
Tel: 043474145     Email: thanhht@helpagevn.org  
Bà: Nguyễn Thị Hồng Thanh, Cán bộ truyền thông, UNFPA Việt Nam
Tel: 0913093363    Email: tnguyen@unfpa.org

Về phía quốc tế
Bà Baralee Meesukh, Quản lý Truyền thông
Tel: + 66 (0) 81 921 6462     Email: cee@helpageasia.org  
Bà Panitee Nuykram, Cán bộ Quan hệ Công chúng
Tel: +66 (0) 82 455 5948     Email: panitee@helpageasia.org