HÀ NỘI, 15/8/2014 – Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 2010 và tiếp tục duy trì các mức tăng trưởng một cách ấn tượng, chính vì vậy, Việt Nam đang trên đà đạt được các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (TNK) vào năm 2015. Tuy nhiên, vẫn còn sự khác biệt rõ rệt giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa các vùng địa lý và các nhóm dân số. Kết quả Tổng điều tra dân số năm 2009 và các cuộc điều tra dân số khác cho thấy Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong việc đạt được các mục tiêu dân số. Trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam hiện chỉ có hai con. Điều này cho thấy Việt Nam đã đạt dưới mức sinh thay thế, sớm hơn nhiều năm so với mục tiêu mà Bộ Chính trị đã đề ra trong Nghị quyết 47-NQ/TW “về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình” ban hành ngày 22 tháng 3 năm 2005. Việc giảm tử vong bà mẹ và tử vong trẻ em cũng rất ấn tượng. Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ đạt được ở cấp quốc gia, vẫn còn sự khác biệt ở cấp địa phương. Bất bình đẳng và khác biệt đã và đang gia tăng, xuất hiện nhiều hình thức nghèo mới và nguy cơ dễ bị tổn thương, đòi hỏi phải có sự quan tâm hơn nữa trong những năm tới.
Chính vì vậy, chính sách dân số trong giai đoạn tới cần thể hiện rõ định hướng gắn Dân số với Phát triển toàn diện, chứ không chỉ dừng lại ở mức sinh. Chính sách dân số cũng cần tạo nền tảng pháp lý cho việc thể chế hoá công tác lồng ghép yếu tố dân số vào công tác xây dựng chính sách và lập kế hoạch của tất cả các ngành để đảm bảo rằng các nhu cầu của các nhóm dân số khác nhau, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương phải được giải quyết ở tất cả các lĩnh vực phát triển. Đây là vấn đề đã được nhấn mạnh tại Hội nghị định hướng chính sách dân số và phát triển do Ban Tuyên giáo Trung ương và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam phối hợp tổ chức ngày hôm nay tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội nghị, PGS. TS. Phạm Văn Linh, Phó Trưởng Ban tuyên giáo TW nhấn mạnh: "Để giải quyết những khó khăn, thách thức trên, cần thiết phải có sự điều chỉnh các chính sách dân số trong thời gian tới cho phù hợp, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Năm 2015, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 47-NQ/TW, ngày 22 tháng 3 năm 2005 của Bộ Chính trị “về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình” và sau đó sẽ đề xuất, kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo với những quan điểm, chủ trương và định hướng chính sách phù hợp về công tác dân số trong thời gian tới, góp phần tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ".
Việt Nam cũng đang xây dựng Luật dân số nhằm thể hiện định hướng chính sách dân số trong giai đoạn mới dựa trên các bài học và kinh nghiệm từ việc thực hiện Pháp lệnh Dân số cũng như các bài học từ các quốc gia khác. Ông Arthur Erken, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam phát biểu: "Luật Dân số mới là một cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam thể hiện để rõ tính thống nhất giữa Hiến pháp và luật pháp, giữa luật pháp quốc tế và luật pháp quốc gia. Đó là đưa cam kết thực hiện Chương trình Hành động Hội nghị Dân số và Phát triển (ICPD) vào quy định của pháp luật: bảo vệ và thực hiện đầy đủ quyền của các cặp vợ chồng và các cá nhân trong việc quyết định sinh sản tự do và có trách nhiệm".
Trình bày tại Hội nghị, đại diện từ Tổng cục DS-KHHGĐ đã báo cáo các kết quả của Hội nghị lần thứ 47 Ủy ban Dân số và Phát triển của Liên Hợp Quốc và kế hoạch Việt Nam thực hiện Chương trình hành động Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) sau 2014. Báo cáo của chuyên gia trong nước về Nhu cầu chuyển hướng chính sách từ Dân số - Kế hoạch hóa gia đình sang Dân số - Phát triển đã thu hút sự chú ý của các đại biểu tham dự hội nghị. Các bài báo cáo trong Hội nghị đã giúp các đại biểu thảo luận sôi nổi để đảm bảo chính sách và pháp luật dân số của Việt Nam sẽ được xây dựng dựa trên bằng chứng khoa học và thích ứng với các cơ hội và thách thức của tình hình dân số mới, cũng như đáp ứng được những mong muốn và khát vọng của người dân Việt Nam.
Bấm vào đây để đọc bài phát biểu của Trưởng đại diện UNFPA tại hội nghị.