HÀ NỘI, ngày 7/12/2018 - Hôm nay tại Hà Nội, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa về giới – gia đình – phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) và Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số (CCHIP) phối hợp tổ chức Hội thảo với chủ đề “Công lý cho nạn nhân bạo lực tình dục – Tiếng nói người trong cuộc”.
Hội thảo thu hút gần 100 đại biểu tham dự là đại diện từ các cơ quan thực thi pháp luật ở cấp quốc gia và cấp tỉnh, các tổ chức xã hội dân sự, các cơ quan Liên hợp quốc, các đối tác phát triển, các cơ quan truyền thông và các cá nhân, tổ chức.
Trong vài năm gần đây, số lượng các vụ quấy rối tình dục và bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái có dấu hiệu gia tăng và gây nhiều lo ngại cho xã hội. Phụ nữ và trẻ em gái tiếp tục là nạn nhân chính trong các vụ tấn công và quấy rối tình dục.
Theo các thống kê từ hội thảo, cứ 10 phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật thì có 4 người đã từng bị bạo lực tình dục ít nhất một lần trong đời, báo cáo từ bà Nguyễn Thị Lan Anh – Giám đốc Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC). Cũng theo nghiên cứu của bà Lan Anh, nhóm phụ nữ khuyết tật vận động, thần kinh và khuyết tật trí tuệ có tỷ lệ bị quấy rối, lạm dụng và bạo lực tình dục lên tới 35% và lặp lại nhiều lần. Và có đến 48% phụ nữ khuyết tật không dám làm gì hoặc im lặng trước các hành vi bạo lực tình dục. Đây là những con số đáng sợ về thực trạng bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật tại Việt Nam.
Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh: "Các khung chính sách, pháp luật hiện nay về giải quyết bạo lực tình dục cần được tăng cường hoàn thiện để đảm bảo các trường hợp bạo lực tình dục phải được xử lý nghiêm ngặt, kẻ thủ phạm phải bị trừng phạt, phụ nữ và trẻ em gái cần được an toàn và hỗ trợ". Thay mặt cho các tổ chức LHQ, Bà Astrid Bant tôi kêu gọi tăng cường nỗ lực chung nhằm đảm bảo rằng phụ nữ có thể sống một cuộc sống không có bạo lực; được tiếp cận bình đẳng với các cơ hội và nguồn lực; Cùng nhau, chúng ta có thể nỗ lực cùng hướng tới một thế giới nơi cả nam giới và phụ nữ, trẻ em trai và trẻ em gái đều có thể tận hưởng cuộc sống với nhân phẩm.
Bà Nguyễn Vân Anh – Giám đốc Trung tâm CSAGA nêu lên quan điểm, việc tồn tại những rào cản về văn hóa, định kiến xã hội và khoảng trống chính sách khiến cho phụ nữ và trẻ em gái tiếp tục đối diện với các nguy cơ không an toàn.
Ngoài ra, các đại biểu cũng chia sẻ ý kiến, câu chuyện có thật liên quan đến những khó khăn mà phụ nữ bị bạo lực tình dục gặp phải khi tìm kiếm công lý. Cùng với đó là những đề xuất, khuyến nghị tăng cường can thiệp, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân của bạo lực tình dục.
Hội thảo là một hoạt động nằm trong Chiến dịch 16 ngày hành động để xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, với mong muốn thúc đẩy cơ hội tiếp cận công lý cho nạn nhân bạo lực tình dục, là nơi các bên có thể cùng đối thoại đưa ra các hành động cụ thể, khả thi trong tương lai.