Hạ Long, Quảng Ninh, ngày 28 tháng 3 năm 2024: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, phối hợp với các cơ quan Liên Hợp quốc tại Việt Nam gồm có UNICEF, UNFPA và UN Women tổ chức Hội thảo ra mắt và triển khai Hướng dẫn ASEAN: Tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em: Cung cấp các dịch vụ công tác xã hội có chất lượng cho những người có nguy cơ hoặc bị ảnh hưởng bởi bạo lực.
Hội thảo có sự tham gia đông đảo của khoảng 100 đại biểu là đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các Bộ, ngành liên quan, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội một số tỉnh, thành phố, các Cơ quan Liên hợp quốc, các trường đại học, bệnh viện có khoa công tác xã hội, các tổ chức phi chính phủ về phụ nữ và trẻ em, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, các chuyên gia và cán bộ công tác xã hội và các cơ quan thông tấn báo chí.
Trong bài phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhấn mạnh vai trò quan trọng của Hướng dẫn. Bà nói “Văn kiện này nhằm hỗ trợ các nước thành viên ASEAN thực hiện hiệu quả hơn Lộ trình của Tuyên bố Hà Nội về Thúc dẩy Công tác xã hội hướng đến một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng; củng cố hệ thống Công tác xã hội, góp phần giải quyết và ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; giúp các nhà hoạch định chính sách cũng như các cơ quan chuyên ngành liên quan thiết kế và cung cấp các dịch vụ Công tác xã hội có chất lượng cho những người có nguy cơ hoặc bị ảnh hưởng bởi bạo lực, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Hướng dẫn cũng sẽ là cơ sở tham chiếu để xây dựng pháp luật, chính sách và công cụ để cung cấp các dịch vụ công tác xã hội chất lượng”.
Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, ông Matt Jackson chia sẻ về cam kết của UNFPA trong việc hỗ trợ Việt Nam giải quyết bạo lực trên cơ sở giới, bao gồm việc nhân rộng Trung tâm Dịch vụ một cửa, hay còn gọi là Ngôi nhà Ánh Dương tại các tỉnh và thành phố khác. Mô hình này đã cung cấp các dịch vụ rất hiệu quả, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế bao gồm chăm sóc sức khỏe, tư vấn, dịch vụ phúc lợi xã hội, nơi tạm lánh khẩn cấp, bảo vệ an toàn, dịch vụ pháp lý và tư pháp, và chuyển gửi. Ông Matt Jackson cho biết thêm: "Với việc nhân rộng Ngôi nhà Ánh Dương, UNFPA mong muốn tiếp cận ngày càng nhiều phụ nữ và trẻ em gái, những người có nguy cơ và/hoặc bị ảnh hưởng bởi bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực gia đình. UNFPA mong muốn đảm bảo rằng tất cả phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam, bao gồm cả những người dễ bị tổn thương nhất, có quyền sống một cuộc sống không có bạo lực và được tôn trọng.”
Về phần mình, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, bà Rana Flowers cho biết: “Trong 2 thập kỉ qua, UNICEF đã hỗ trợ Việt Nam phát triển công tác xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Bộ LĐTBXH và với sự hỗ trợ của UNICEF, các trung tâm và cơ sở dịch vụ công tác xã hội đã được thành lập ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước. Các nhân viên tại những cơ sở này đã được tập huấn cung cấp các dịch vụ hỗ trợ và bảo vệ và chuyến gửi cho hàng nghìn trẻ em và phụ nữ, nạn nhân của bạo lực gia đình, buôn bán người, và các hình thức lạm dụng trẻ em khác. Tôi chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã đi đầu trong quá trình xây dựng Hướng dẫn có giá trị này. Chúng tôi rất vinh dự được cùng hợp tác với ASEAN trong quá trình xây dựng Tuyên bố Hà Nội về thúc đẩy công tác xã hội hướng đến một cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng được các nước thành viên ASEAN thông qua năm 2020 khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, và lộ trình thực hiện 10 năm của Tuyên bố này. Chúng tôi cam kết hỗ trợ thực hiện các khung chiến lược này. UNICEF và các tổ chức của LHQ tự hào là đối tác của ASEAN. Tôi mong tất cả các nước thành viên sẽ triển khai và thực hiện Hướng dẫn này.”
Cũng tại Hội thảo, một số đại diện quan chức phụ trách lĩnh vực phúc lợi xã hội và phát triển, quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN đến từ các quốc gia thành viên ASEAN đã chia sẻ kinh nghiệm và điển hình tốt về cung cấp các dịch vụ công tác xã hội cho người bị bạo lực và thảo luận về việc thực hiện Hướng dẫn khu vực.
Trong phiên thảo luận về việc áp dụng Hướng dẫn ASEAN tại Việt Nam, các đại biểu đã trao đổi, đóng góp ý kiến cho việc xây dựng Kế hoạch hành động của Việt Nam. Hoạt động này là sự khởi động cho nỗ lực thúc đẩy công tác xã hội, trong đó có tính đến việc tăng số lượng nhân viên công tác xã hội và đảm bảo cung cấp các dịch vụ công tác xã hội chất lượng cao. Các mục tiêu này đều phù hợp với Kế hoạch quốc gia phát triển nghề công tác xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 và Chương trình quốc gia về đổi mới và phát triển hệ thống bảo trợ xã hội đến năm 2025. Phiên thảo luận cũng nhận được sự ủng hộ từ đại diện các cơ quan Liên hợp quốc, cam kết cùng các Bộ, ngành, cơ quan liên quan thúc đẩy, hiện thực hoá cam kết của khu vực tại Việt Nam.
Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Dự án chung về Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, với sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Australia. Bà Majdie Hordern, Bí thư Thứ nhất, phụ trách Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam nhấn mạnh quan hệ đối tác giữa Chính phủ Australia và các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam, đặc biệt là UNFPA, UNICEF và UN Women trong việc chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em. Bà Majdie Horden nói thêm: “Australia luôn coi chấm dứt bạo lực là nhiệm vụ ưu tiên trong nước cũng như trong các chương trình hợp tác phát triển ở nước ngoài vì bạo lực sẽ gây nguy hiểm và gây tổn thương cho phụ nữ và trẻ em. Bạo lực phá hoại những xã hội mà chúng ta có thể xây dựng. Hướng dẫn ASEAN được triển khai ngày hôm nay sẽ tạo cơ sở quan trọng để hướng dẫn việc thiết kế và cung cấp các dịch vụ công tác xã hội có chất lượng. Hướng dẫn nhìn nhận những dịch vụ vô giá mà các nhân viên công tác xã hội đã dành cho cộng đồng chúng ta, đồng thời hỗ trợ tăng cường tính chuyên nghiệp của lực lượng lao động quan trọng này. Chúng tôi mong Hướng dẫn sẽ được triển khai trong những năm tới để cải thiện việc cung cấp các dịch vụ công tác xã hội trong khu vực.”
Nằm trong chương trình chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, các đại biểu đã đi thăm quan Ngôi Nhà Ánh Dương tại Quảng Ninh để tìm hiểu về cách thức các dịch vụ xã hội được cung cấp nhằm bảo vệ và đáp ứng nhu cầu của những người bị bạo lực./.