Bạn đang ở đây

HÀ NỘI, ngày 15 tháng 11 năm 2017 – Một dự án mới giữa Việt Nam và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) với tiêu đề "Hỗ trợ Bộ Y tế nâng cao tính công bằng trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục ( (SKSS/ SKTD) và kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) và tăng cường đáp ứng y tế cho các vấn đề mới nổi thông qua việc xây dựng và giám sát thực hiện các luật và chính sách dựa trên bằng chứng và quyền con người" (VNM9P01), giai đoạn 2017-2021 đã được ký kết ngày hôm nay giữa Bộ Y tế và UNFPA tại Việt Nam.

Với tổng ngân sách 6,4 triệu đô-la Mỹ cho giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2021, trong đó UNFPA hỗ trợ 5,5 triệu đô-la Mỹ, dự án nhằm góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống người dân Việt Nam thông qua việc xây dựng và thực hiện các chính sách hiệu quả dựa trên bằng chứng trong lĩnh vực SKSS, SKTD, Dân số/KHHGĐ. Dự án tập trung vào việc tăng cường tiếp cận phổ cập và sử dụng dịch vụ SKSS, SKTD, KHHGĐ có chất lượng, đáp ứng y tế có hiệu quả các vấn đề nổi cộm như mất cân bằng giới tính khi sinh và bạo lực giới cho tất cả các nhóm đối tượng, đặc biệt là các nhóm đối tượng thiệt thòi, dễ tổn thương và đẩy mạnh bình đẳng giới ở Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế nói: "Bộ Y tế đã có hợp tác với UNFPA từ 8 Chương trình quốc gia trước để giải quyết các vấn đề có liên quan đến công tác chăm sóc SKSS, SKTD, DS-KHHGĐ. Trong Chu kỳ 8 (2012-2016), Bộ Y tế hợp tác với UNFPA với quy mô vốn và nội dung khá lớn. Dự án đã đạt kết quả đề ra, góp phần thành công cho Chương trình quốc gia 8 và cho việc thực hiện Chiến lược quốc gia về bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân của ngành y tế".

Kết quả Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2009 và các điều tra dân số khác cho thấy Việt Nam đã đạt được hầu hết các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, trong đó có Mục tiêu 5 về Giảm tử vong mẹ. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận thấy sự khác biệt rõ rệt trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc SKSS/SKTD giữa các khu vực nông thôn và thành thị, giữa các vùng địa lý và giữa các nhóm dân số - đặc biệt là đối với nhóm dân số thiệt thòi. Một mặt chúng ta cần duy trì tốt những thành tựu đã đạt được, mặt khác chúng ta cần xóa mờ những sự khác biệt này khi thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Có thể nói mục tiêu mà chúng ta theo đuổi tại giai đoạn hiện nay thể hiện một tham vọng lớn hơn bất kỳ giai đoạn nào trước đây. Chúng ta mong muốn mang lại sự thay đổi cho toàn thế giới vào năm 2030 thông qua việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững và đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam phát biểu "UNFPA cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc đạt được tầm nhìn về tiếp cận phổ cập với một gói dịch vụ chăm sóc SKSS/SKTD có chất lượng tại tất cả các xã và các huyện trên địa bàn cả nước. Ngoài ra, chúng ta cần áp dụng cách tiếp cận thống nhất và đa ngành khi giải quyết các vấn đề liên quan tới chăm sóc sức khỏe. Để có thể thực hiện được cách tiếp cận này, chúng ta cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực công, khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự".

Dự án hướng tới đạt được các kết quả dưới đây:

  1. Cải thiện môi trường chính sách quốc gia để thực hiện sự tham gia và vận động luật pháp, chính sách, chương trình quốc gia dựa trên bằng chứng và dựa trên quyền về các vấn đề phát triển vị thành niên và thanh niên.
  2. Tăng cường môi trường chính sách để phòng chống bạo lực trên cơ sở giới và những thực hành có hại trên cơ sở giới và đảm bảo việc cung cấp các dịch vụ liên ngành.
  3. Tăng cường cung cấp các bằng chứng để giải quyết bất bình đẳng trong vận động chính sách về dân số phát triển, biến đổi khí hậu, SKSS/SKTD, và quyền sinh sản.
  4. Cải thiện môi trường chính sách để lồng ghép các dữ liệu về động thái dân số, y tế và xã hội vào các chính sách và chương trình thúc đẩy quyền con người, nhằm khắc phục các vấn đề bất bình đẳng và đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Để có thêm thông tin, xin liên hệ:

Chị Nguyễn Thị Hồng Thanh
Truyền thông Liên Hợp Quốc
Mob: 0913 093363
Email: tnguyen@unfpa.org