Bạn đang ở đây

Đà Nẵng, ngày 31 tháng 5 năm 2022: Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cùng với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) thảo luận khung chính sách tổng thể cần thiết để xây dựng một hệ sinh thái toàn diện chăm sóc cho người cao tuổi tại Việt Nam.

 

Hệ sinh thái chăm sóc toàn diện dành cho người cao tuổi là mô hình cung cấp nhiều hình thức chăm sóc cho người cao tuổi ở các giai đoạn khác nhau, bao gồm các dịch vụ chăm sóc tại nhà, các dịch vụ chăm sóc tại cộng đồng, chăm sóc liên tục tại các tổ hưu trí, chăm sóc tại các cơ sở điều dưỡng, các dịch vụ chăm sóc tại bệnh viện, v.v. Một hệ sinh thái như vậy cần phải có các mạng lưới cộng tác, bao gồm cả chăm sóc tại các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc và tại cộng đồng (chăm sóc tại nhà và chăm sóc tại cộng đồng). Hệ thống này cũng cần thiết phải có sự đầu tư của khu vực tư nhân vào dịch vụ chăm sóc cho người cao tuổi thông qua cơ chế đối tác công tư.

 

Hội thảo tại Đà Nẵng hôm nay là dịp để lắng nghe những kinh nghiệm và bài học rút ra từ việc triển khai thí điểm mô hình chăm sóc tích hợp dành cho người cao tuổi do Bộ LĐ-TB-XH và UNFPA thực hiện tại 5 tỉnh, thành phố trong thời gian qua, với sự hỗ trợ về tài chính từ Chính phủ Nhật Bản và Quỹ Mục tiêu Phát triển Bền vững chung của Liên Hợp Quốc (Joint SDG Fund).

 

Mô hình chăm sóc tích hợp đã xây dựng phương pháp tiếp cận mới và công cụ mới về chăm sóc cho người cao tuổi nâng cao năng lực về chăm sóc xã hội ở cả cấp địa phương và cấp quốc gia. Mô hình là một bước tiến quan trọng hướng tới phát triển hệ sinh thái chăm sóc toàn diện dành cho người cao tuổi tại Việt Nam.

 

Với sự hỗ trợ kỹ thuật của UNFPA, Bộ LĐ-TB-XH đã thực hiện mô hình chăm sóc tích hợp dành cho người cao tuổi, nhằm đảm bảo không gián đoạn việc cung cấp dịch vụ chăm sóc dành cho người cao tuổi có chất lượng cao trong thời điểm bùng phát dịch COVID-19 và trong giai đoạn bình thường mới. Mô hình này được thực hiện thí điểm tại các tỉnh Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Vĩnh Long, và thành phố Đà Nẵng.

 

Sau 6 tháng thí điểm, mô hình đã xây dựng một bộ tài liệu hướng dẫn để phục vụ việc triển khai và nhân rộng mô hình này tại các tỉnh và thành phố khác. Bộ tài liệu hướng dẫn bao gồm: tiêu chuẩn quy trình hoạt động, hướng dẫn quản lý trường hợp chăm sóc người cao tuổi trong bối cảnh bình thường và trong dịch COVID-19, sổ tay dành cho người chăm sóc và nhiều tài liệu hướng dẫn khác.

 

Trong khuôn khổ dự án, khoảng 1.500 người cao tuổi đã được khám sàng lọc về nhu cầu chăm sóc và kế hoạch chăm sóc cho từng cá nhân. Trong khi đó, hơn 1.000 nhân viên chăm sóc tại các trung tâm bảo trợ xã hội và trung tâm công tác xã hội thuộc các tỉnh và thành phố được thí điểm, cũng như người chăm sóc người cao tuổi tại nhà được tập huấn về ứng phó với COVID-19 và cung cấp dịch vụ chăm sóc có chất lượng tốt hơn cho người cao tuổi trong thời điểm bùng phát dịch COVID-19 và giai đoạn bình thường mới.

 

Quan trọng hơn, mô hình thí điểm đã xây dựng và triển khai phần mềm quản lý công tác chăm sóc người cao tuổi tại tất cả các trung tâm bảo trợ xã hội và trung tâm công tác xã hội ở các tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm, nhằm quản lý chặt chẽ tất cả các dịch vụ chăm sóc cho người cao tuổi.

 

Ông Lê Bạch Dương, Trợ lý Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, nhấn mạnh rằng mô hình chăm sóc tích hợp cho người cao tuổi được xây dựng nhằm đảm bảo chất lượng và khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc cho tất cả các nhóm người cao tuổi, đặc biệt là người cao tuổi nghèo, người cao tuổi bị khuyết tật và người cao tuổi dễ bị tổn thương. 

 

Ông Lê Bạch Dương chia sẻ:Mô hình không chỉ chú trọng đến cung cấp các dịch vụ chăm sóc tích hợp có chất lượng dành cho người cao tuổi tại các cơ sở bảo trợ xã hội và tại cộng đồng mà mô hình còn giúp giảm nhẹ gánh nặng cho phụ nữ và những người chăm sóc người cao tuổi và tạo cơ chế trao quyền cho phụ nữ. Ngoài ra, mô hình này còn cần phải được nhân rộng, như là một phần quan trọng hướng tới xây dựng hệ sinh thái chăm sóc người cao tuổi trong tương lai tại Việt Nam.”

 

UNFPA cũng nhấn mạnh sự cần thiết khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư phát triển ngành dịch vụ chăm sóc dành cho người cao tuổi thông qua cơ chế hợp tác công tư, nhằm đáp ứng nhu cầu cá nhân của người cao tuổi và hỗ trợ phù hợp để người cao tuổi có thể tham gia vào mọi lĩnh vực của xã hội.

 

Cần thúc đẩy đầu tư công nhằm cải thiện hệ thống chăm sóc, đào tạo người chăm sóc và thúc đẩy việc sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý các dịch vụ chăm sóc và y tế, đặc biệt là tại các khu vực nông thôn và vùng dân tộc thiểu số, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc của người cao tuổi. 

 

Cần xác định các dịch vụ chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi, bao gồm chăm sóc sức khỏe, chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội, nhằm đảm bảo bao trùm xã hội, cải thiện tình trạng sức khỏe và hỗ trợ người cao tuổi trong cuộc sống hàng ngày, hướng tới xây dựng hệ sinh thái chăm sóc toàn diện. Các dịch vụ này cần phải hoàn thiện, dễ tiếp cận, và có chi phí phù hợp.

 

Cần có thêm dữ liệu và bằng chứng để nâng cao hiệu quả thiết kế hệ thống chăm sóc bao trùm và bảo trợ xã hội cho người cao tuổi.

 

Thông tin bổ sung:

 

Hiện trạng người cao tuổi tại Việt Nam

  • Năm 2021, tỷ lệ người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) chiếm 12,8% tổng dân số Việt Nam (tương đương 12,6 triệu người). Dự kiến, đến năm 2036, Việt Nam sẽ chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”. Sự gia tăng cả về quy mô và tỷ lệ người cao tuổi trong cơ cấu dân số đòi hỏi phải sự quan tâm nhiều hơn đến an sinh xã hội cho người cao tuổi, trong đó có chăm sóc người cao tuổi, đặc biệt khi các hỗ trợ chăm sóc người cao tuổi truyền thống trong gia đình đang ngày càng thay đổi do nhiều nguyên nhân, do mức sinh thấp, do di cư và do quá trình hiện đại hóa.
  • Khoảng 11,7% số người cao tuổi (1,47 triệu người)ít nhất một chức năng bị suy giảm (thị giác, thính giác, vận động, nhận thức và/hoặc giao tiếp). 6,32% số người cao tuổi (khoảng 796.000 người) gặp khó khăn khi thực hiện hoặc không thể thực hiện ít nhất một trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, thay quần áo, tắm giặt, ngồi dậy khi đang nằm, đi đến và/hoặc sử dụng nhà vệ sinh.
  • Khoảng 80% người cao tuổi cần giúp đỡ hoặc hỗ trợ trong sinh hoạt hàng ngày đang được người khác, chủ yếu là các thành viên trong gia đình (vợ hay chồng, con cháu) chăm sóc và phần lớn họ không được tập huấn hoặc hỗ trợ cách thức chăm sóc người cao tuổi. Hơn nữa, hầu hết người chăm sóc cho người cao tuổi là phụ nữ.

 

Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ Cán bộ Truyền thông UNFPA

Bà Đinh Thu Hương, Email: dhuong@unfpa.org; Điện thoại: 0913 093 363