Go Back Go Back
Go Back Go Back

Hội nghị góp ý Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

Hội nghị góp ý Nghị định quy định chi tiết một số điều  của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

Thông cáo báo chí

Hội nghị góp ý Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

calendar_today 26 April 2023

Hội nghị góp ý Nghị định quy định chi tiết một số điều  của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình
Hội nghị góp ý Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

Côn Đảo, ngày 26 tháng 4 năm 2023 – Hôm nay, các đại biểu từ các Bộ, ngành và cơ quan Chính phủ cùng với các bên liên quan đã thảo luận và góp ý cho Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 (Luật PCBLGĐ). Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ trình Dự thảo Nghị định lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 5 năm 2023.

 

Dự thảo do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch biên soạn gồm có 6 chương và 44 điều. Các vấn đề trọng tâm được quy định trong Dự thảo Nghị định bao gồm Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình cùng với quy định về việc tiếp nhận và xử lý các khiếu nại, tố giác về bạo lực gia đình; việc áp dụng và thực thi biện pháp cấm tiếp xúc; việc đăng ký thành lập và vận hành các cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình. Dự thảo Nghị định còn đưa ra các quy định về bố trí dự toán quốc gia hàng năm cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình, đặc biệt là cho việc giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình.

 

Hội nghị được tổ chức tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam được đồng chủ trì. Tham dự hội nghị là đại diện từ các cơ quan Chính phủ và chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cùng với đại diện từ các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội và đơn vị báo đài.

 

Phát biểu tại Hội nghị, ông Khuất Văn Quý, Vụ phó Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho rằng: “Dự thảo Nghị định quy định một số điều của luật PCBLGĐ 2022 là một văn bản pháp luật quan trọng giúp đảm bảo việc thực thi luật PCBLGĐ được hiệu quả. Do đó, buổi hội nghị góp ý này có vai trò rất ý nghĩa đối với Bộ để hoàn thiện khung pháp lý quan trọng này.”

 

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh phương pháp tiếp cận dựa trên quyền và nhạy cảm giới cần được áp dụng trong suốt trong quá trình soạn thảo Nghị định, để bảo vệ quyền của người bị bạo lực cũng như trách nhiệm và nghĩa vụ của người gây bạo lực.

 

Bà Naomi Kitahara nhấn mạnh: “UNFPA cam kết đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trên con đường chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Chúng tôi mong muốn đảm bảo rằng tất cả phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam, bao gồm cả những người dễ bị tổn thương nhất, có quyền sống một cuộc sống không bạo lực và được tôn trọn, để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát biểu bền vững của đất nước.

 

Trong buổi Hội nghị, nhiều ý kiến thảo luận đã được đưa ra, tiêu biểu như những ý kiến liên quan đến các dịch vụ tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; cấm tiếp xúc và các cơ sở hỗ trợ người bị bạo lực.

 

Một đại diện của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng trách nhiệm của người gây bạo lực thanh toán các chi phí về ăn ở của người bị bạo lực cần phải được xem xét cụ thể để đảm bảo tính khả thi.

 

Về quy định tiếp nhận và xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực, đại diện của Sở Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng tàu nhấn mạnh dự thảo nghị định đã đề cập đến các nguyên tắc cơ bản của việc tiếp nhận, xử lý và bảo mật thông tin tố giác về hành vi bạo lực. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh: “Nghị định nên nêu chi tiết hơn quy trình tiếp nhận và xử lý. Khi xử lý các hành vi bạo lực, nghị định nên có những quy định chi tiết về cơ chế phối hợp các ngành.”

 

Đại diện của Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam kiến nghị: “Quy chế thực hiện lệnh cấm tiếp xúc cần đảm bảo quyền lợi của các bên. Về quy định áp dụng cấm tiếp xúc, Nghị định nên nêu rõ thời gian cấm tiếp xúc. Các quy định liên quan đến vi phạm lệnh cấm tiếp xúc cũng cần phải được đưa ra trong Nghị định.”

 

Tất cả những bình luận và khuyến nghị được nêu lên trong buổi Hội nghị góp ý này sẽ được tiếp thu vào Dự thảo Nghị định để đảm bảo tính minh bạch, khả thi và khả năng tiếp cận, giúp thúc đẩy việc thực thi hiệu quả luật PCBLGĐ.

 

Ghi chú thông tin:

Vấn đề bạo lực trên cơ sở giới / bạo lực gia đình ở Việt Nam

Mặc dù luật PCBLGĐ đã được thông qua từ năm 2007, bạo lực đối với phụ nữ (BLPN) gây ra bởi chồng/bạn tình vẫn là một vấn đề nhức nhối đáng báo động. Theo Nghiên cứu quốc gia lần thứ 2 về BLPN ở Việt Nam năm 2019, 90,4% người bị bạo lực đã không tìm kiếm sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng, và một nửa trong số họ chưa từng chia sẻ với ai về việc bị bạo lực. Ngoài ra, BLPN còn gây thất thoát năng suất quốc gia, tương đương với 1,81% GDP Việt Nam năm 2018.

 

Mô hình Trung tâm Dịch vụ Một cửa và Tổng đài được hỗ trợ bởi UNFPA

UNFPA đã cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để thành lập và vận hành hai mô hình bảo vệ và hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là người bị bạo lực. Đó là Tổng đài miễn phí hoạt động 24/7 do Hội Nông dân Việt Nam điều hành; và bốn Trung tâm Dịch vụ Một cửa với tên gọi Ngôi nhà Ánh Dương, được vận hành bởi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và tổ chức xã hội. Ngôi nhà Ánh Dương có chức năng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu cho phụ nữ và trẻ em gái đang và/hoặc có nguy cơ bị bạo lực. 

 

Tính đến nay, Tổng đài đã tiếp nhận và tiếp cận hơn 11,300 cuộc gọi đề nghị tư vấn, hỗ trợ cho gần 1,400 phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực. Trong khi đó, bốn Ngôi nhà Ánh dương đã hỗ trợ trực tiếp cho gần 50 người bị bạo lực tạm lánh tại ngôi nhà, cũng như hỗ trợ gần 150 người bị bạo lực tại cộng đồng. 

 

Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ:

 

Cán bộ Truyền thông UNFPA: Bà. Đinh Thu Hương,

email: dhuong@unfpa.org; số điện thoại: 0913301539

 

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch: Ông. Phạm Quốc Nhật,

email: quocnhat.vugiadinh@gmail.com; số điện thoại: 0988741639