Bạn đang ở đây

 

Diễn văn phát biểu khai mạc của Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc và Kiêm trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam 

  • Kính thưa ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
  • Kính thưa ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
  • Kính thưa Quý vị Đại Biểu Quốc Hội, Chính Phủ, Hội Đồng Nhân Dân, Liên Đoàn Lao Động Việt Nam.
  • Kính thưa toàn thể quý vị.

Xin kính chào toàn thể Quý vị. Tôi rất vinh dự được tham dự Hội thảo tham vấn ý kiến về Luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi và những  vấn đề lớn về dân số  cần quan tâm, cùng với quý vị ngày hôm nay. Trước hết, tôi xin gửi tới quý vị lời chúc sức khỏe và xin cám ơn Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (PCSA) đã tổ chức cuộc Hội thảo quan trọng này.

 

Thay mặt Phái đoàn các tổ chức của Liên hợp quốc tại Việt Nam, tôi rất vui mừng bày tỏ sự đánh giá cao của chúng tôi đối với định hướng kiên định, tập trung của Quốc hội và Chính phủ Việt Nam vào phát triển bao trùm, bền vững và lấy người dân làm trung tâm. Điều này được thể hiện rất rõ qua cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và cam kết mạnh mẽ này đã được chuyển thành Kế hoạch hành động quốc gia nhằm hiện thực hóa các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) cũng như được chính thức đưa vào các chiến lược, kế hoạch phát triển quốc gia và các chiến lược, kế hoạch phát triển ngành.

 

Cuộc thảo luận của chúng ta hôm nay về sửa đổi Luật Bảo hiểm Xã Hội là rất kịp thời trong bối cảnh Việt Nam sẽ trình bày Báo cáo Rà soát Quốc gia Tự nguyện (VNR) lần thứ 2 tại Diễn đàn Chính trị Cấp cao (HLPF) của Liên Hợp Quốc ở New York vào ngày mai, ngày 14 tháng 7. Báo cáo Rà soát Quốc gia Tự nguyện của Việt Nam đã xác định bảo trợ xã hội là một trong những ưu tiên chính để đẩy nhanh quá trình hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững.

 

Kính thưa quý vị đại biểu,

Trong vài thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đã tăng từ 0,689 vào năm 2016 lên 0,703 vào năm 2021, qua đó giúp Việt Nam được xếp hạng trong nhóm các quốc gia có tốc độ phát triển con người ở mức cao kể từ năm 2019. Đồng thời, Chỉ số nghèo đa chiều của Việt Nam đã giảm từ mức 9% vào năm 2016 xuống mức 3,6% vào năm 2022.

 

Về công tác bảo trợ, an sinh xã hội, bao gồm bảo hiểm xã hội, một mạng lưới an sinh xã hội quan trọng để bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân, đặc biệt là những nhóm người dân dễ bị tổn thương nhất, Việt Nam cũng đã đạt được những bước tiến đáng kể. Hệ thống bảo hiểm xã hội hiện nay của Việt Nam, bao gồm bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện, đã và đang giúp bảo vệ người lao động trước nhiều tình huống bất ngờ xảy đến trong cuộc sống như ốm đau, tai nạn lao động, tuổi già và tử vong.

 

Dữ liệu đến năm 2023 cho thấy khoảng 17,5 triệu người lao động Việt Nam đã đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội, một bước tiến đáng ghi nhận khi chúng ta nhớ lại rằng chỉ 7 năm trước, vào năm 2016, số người tham gia bảo hiểm xã hội vào thời điểm đó là chưa đến 13 triệu người. Kết quả này cho thấy mỗi năm lại có thêm hơn nửa triệu người tham gia Bảo hiểm xã hội. Cho dù đã đạt được những bước tiến đáng kể như vậy, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức lớn nhưng là những thách thức hoàn toàn có thể vượt qua khi có tinh thần đoàn kết mạnh mẽ của cả dân tộc.

 

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội hiện nay chỉ chiếm 37% lực lượng lao động, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu mà Nghị quyết 28 của Đảng thông qua vào năm 2018, đó cần đạt tỷ lệ bao phủ 60% vào năm 2030. Khi nhìn vào tỷ lệ dân số nhóm người cao tuổi ngày càng tăng ở Việt Nam, chúng tôi cũng nhận thấy rằng tỷ lệ bao phủ hiện vẫn còn một khoảng cách khá lớn so với mục tiêu 60%. Điều đó cho thấy vẫn còn một phần lớn dân số Việt Nam cần phải được bảo vệ thông qua hệ thống bảo hiểm xã hội.

 

Ngoài ra, chế độ thai sản là một quyền lợi lao động quan trọng đối với người lao động nữ đang làm việc. Tăng cường phúc lợi, sức khỏe và dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em, đồng thời đảm bảo sự đối xử và cơ hội bình đẳng cho phụ nữ trong môi trường làm việc có ý nghĩa quan trọng. Tại Việt Nam, chỉ có 30% phụ nữ tham gia lực lượng lao động được hưởng bảo hiểm thai sản. Không phải tất cả phụ nữ đều tham gia vào lực lượng lao động, do đó mức độ bảo vệ thực tế còn thấp hơn. Việc lao động nữ không được hưởng chế độ thai sản không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập và quỹ đạo công việc của nữ giới mà còn ảnh hưởng đến hạnh phúc của các bà mẹ, trẻ em và của cả gia đình nói chung.

 

Chế độ và phúc lợi thai sản tại Việt Nam đang có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm phụ nữ tùy thuộc vào tình hình thị trường lao động của từng nhóm. Những phụ nữ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ thai sản khá tốt. Tuy nhiên, 81% phụ nữ làm việc trong khu vực phi chính thức không được hưởng chế độ thai sản (ngoại trừ chăm sóc sức khỏe thai sản thông qua Chương trình Bảo hiểm Y tế Xã hội). Tương tự như vậy, nam giới được nghỉ việc 5 ngày làm việc hưởng lương trong trường hợp sinh con thông thường là một tín hiệu tốt để thừa nhận vai trò của người cha với tư cách là người chăm sóc em bé mới chào đời, mặc dù khoảng thời gian này vẫn còn quá ngắn để người cha chia sẻ đầy đủ trách nhiệm chăm sóc con nhỏ với người mẹ . Ngoài ra, quyền lợi này chỉ dành cho một số ít lao động nam có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, do đó, phần lớn lao động nam đang đi làm không được hưởng chế độ thai sản dành cho nam giới.

 

Trong bối cảnh dân số Việt Nam đang già đi khá nhanh, việc phát triển một hệ thống bảo hiểm xã hội vững mạnh ngày càng trở nên cần thiết nhằm bảo vệ người dân, đặc biệt là những người cao tuổi. Ngoài ra, Điều tra quốc gia về người khuyết tật Việt Nam năm 2016 cho thấy 10,1% người cao tuổi (khoảng 1,2 triệu người) cần được chăm sóc, trong đó nhóm người cao tuổi khuyết tật chiếm một tỷ lệ cao đáng kể .

 

Do cấu trúc gia đình và nhân khẩu học Việt Nam đang thay đổi, đặc biệt với các nguyên nhân đến từ tỷ lệ sinh giảm, quá trình đô thị hóa,  quy mô gia đình hạt nhân nhỏ hơn, trong những thập kỷ tới, các mạng lưới hỗ trợ gia đình truyền thống có thể trở nên hạn chế và kém hiệu quả hơn. Bảo hiểm xã hội sẽ không thay thế vai trò chăm sóc của gia đình mà thay vào đó đảm bảo rằng người dân sẽ được hỗ trợ đầy đủ để chăm sóc cho những người thân yêu của mình.

 

Nhìn chung, bảo trợ xã hội đóng một vai trò quan trọng và vai trò này cần được tăng cường hơn nữa để hỗ trợ Việt Nam đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững vào năm 2030 và trở thành Quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Điều này cũng sẽ tạo nền tảng vững chắc giúp Việt Nam đối phó với những thách thức ngày càng lớn đến từ những thay đổi về nhân khẩu học, phát triển công nghệ, biến đổi khí hậu và sự bất ổn kinh tế ngày càng gia tăng.

 

Kính thưa quý vị đại biểu,

 

Điều đáng khích lệ là Việt Nam tiếp tục củng cố và mở rộng các chính sách bảo trợ xã hội, đặc biệt là hệ thống bảo hiểm xã hội, trong đó có nội dung sửa đổi luật mà chúng ta sẽ cùng thảo luận ngày hôm nay. Với sự có mặt của Liên hợp Quốc tại Việt Nam, chúng tôi tin rằng Việt Nam có thể thực hiện một số lựa chọn chính sách và đầu tư để tăng cường và cải thiện hệ thống bảo hiểm xã hội trong nước nhằm bảo vệ người dân, đặc biệt là các nhóm dân số dễ bị tổn thương.

 

Thứ nhất, cách tiếp cận bao trùm toàn bộ hệ thống xã hội và chính phủ đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển và mở rộng bảo trợ xã hội, bao gồm bảo hiểm xã hội bởi vì một hệ thống bảo hiểm và bảo trợ xã hội được tích hợp tốt với nhau sẽ giúp tăng cường sự đoàn kết xã hội và thúc đẩy mạnh mẽ hơn tinh thần hỗ trợ lẫn nhau và gắn kết xã hội của người dân. Điều này sẽ tạo ra những tác động tích cực tới quá trình phát triển kinh tế, đồng thời nâng cao năng lực tự cường của hệ thống.

 

Thứ hai, mở rộng phạm vi bao phủ của hệ thống bảo hiểm xã hội phải là trọng tâm trong việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành. Chúng tôi rất vui khi thấy rằng Luật sửa đổi sẽ bao gồm một số thay đổi quan trọng có thể mang tới những tác động mạnh mẽ và tích cực về phạm vi bao phủ bảo hiểm xã hội trong những năm tới. Hoạt động này phải bao gồm việc đưa ra các hành động và thực hiện các nỗ lực nhằm đảm bảo nâng cao khả năng ứng phó của hệ thống trước các cú sốc, đảm bảo tính bao trùm toàn bộ người dân, đặc biệt là các nhóm dân số dễ bị tổn thương hơn.

 

Thứ ba, những nỗ lực mở rộng chế độ thai sản cho nam giới và nữ giới trong tương lai cũng có ý nghĩa quan trọng, từ cả góc độ bảo hiểm xã hội và trợ giúp xã hội bởi những phúc lợi như vậy sẽ tạo ra những tác động tích cực không chỉ đối với sự phát triển của trẻ em và bình đẳng giới mà còn đối với sự phát triển kinh tế nói chung.

 

Thứ tư, một điều quan trọng nữa là tiếp tục chú ý đến tính phù hợp, thỏa đáng của các quyền lợi do hệ thống bảo hiểm xã hội chi trả, để đảm bảo rằng những phúc lợingười thụ hưởng nhận được đủ lớn để giúp họ giảm thiểu rủi ro gặp phải trong suốt cuộc đời của mình.

 

Cuối cùng, tính bền vững của hệ thống về mặt tài chính là chìa khóa cốt lõi do các khoản đầu tư cao hơn sẽ mang lại hiệu quả bảo vệ tốt hơn. Chúng tôi hiểu những hạn chế về tài khóa mà các quốc gia  gặp phải khi thực hiện các lựa chọn chi tiêu công. Với vị thế hiện nay của mình, Việt Nam hoàn toàn có thể xem xét tăng đầu tư vào bảo trợ xã hội nói chung và bảo hiểm xã hội nói riêng do mức đầu tư của Việt Nam vào các hệ thống này vẫn còn thấp hơn đáng kể so với mức trung bình của cả khu vực và thế giới.

 

Cho phép tôi được trích dẫn một bằng chứng thực nghiệm dựa trên nghiên cứu của Liên hợp quốc, đó là việc đầu tư 1 triệu đồng vào các chính sách xã hội (như bảo trợ xã hội, giáo dục và y tế) sẽ giúp GDP quốc gia tăng thêm 3,2 triệu đồng. Tác động tích cực và đáng kể nói trên đến từ đầu tư xã hội sẽ không chỉ mang lại những lợi ích xã hội lớn hơn mà còn đóng góp vào sự tăng trưởng một cách bền vững và bao trùm hơn; góp phần hiện thực hóa mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau. Kinh nghiệm từ việc ứng phó với COVID-19 cho thấy các biện pháp về chính sách bảo trợ xã hội không chỉ có lợi trong việc ngăn chặn suy thoái kinh tế ở Việt Nam mà còn hỗ trợ sinh kế của người dân và ngăn chặn vòng xoáy đói nghèo.

 

Thông qua cam kết mạnh mẽ nhằm tăng cường và mở rộng an sinh xã hội – song song với mở rộng đầu tư, chúng ta mới có thể thực sự đẩy nhanh tiến độ thực hiện để đạt được các ưu tiên phát triển quốc gia của Việt Nam cũng như đạt được mục tiêu dài hạn là bao phủ bảo trợ xã hội cho tất cả người dân, như đã được thể hiện trong các Mục tiêu phát triển bền vững.

 

Kính thưa quý vị đại biểu,

Lời cuối, thay mặt cho Liên Hợp quốc, tôi xin nhắc lại lời kêu gọi đoàn kết, tiếp tục đồng lòng nỗ lực và tăng cường đầu tư để tăng cường hệ thống bảo hiểm xã hội của Việt Nam, đặc biệt thông qua việc sửa đổi luật bảo hiểm xã hội đang diễn ra hiện nay. Những nỗ lực này mang lại lợi ích cho tất cả người dân Việt Nam và giúp Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu hiện thực hóa tầm nhìn đã được đề ra trong Nghị quyết 28 của Đảng và Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững. 

 

Tôi rất tin tưởng rằng mối quan hệ đối tác và hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc, Quỹ Dân số Liên hợp quốc sẽ ngày càng phát triển tốt đẹp. Tôi xin được tái khẳng định chúng tôi cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nammột Việt Nam phát triển bao trùm và bền vững.

Kính chúc quý vị luôn dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công trong cuộc sống.

 

Xin trân trọng cảm ơn!