Bạn đang ở đây

HÀ NỘI, 23/9/2014 – Nhân ngày Quốc tế Trẻ em gái (11/10), Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam đã khởi động chiến dịch "Chung tay giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh”.

Vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam

Mất cân bằng giới tính khi sinh đang là mối quan ngại ngày càng tăng tại một số quốc gia châu Á nơi có tới 117 triệu phụ nữ và trẻ em gái được báo cáo “mất tích”. Tại Việt Nam, mất cân bằng giới tính khi sinh đã tăng từ 106,2 bé trai trên 100 bé gái năm 2000 lên 113,8 bé trai trên 100 bé gái năm 2013 và xu hướng này đang tiếp tục gia tăng. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với một viễn cảnh dư thừa từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ để kết hôn. 

Áp lực có con trai

Có nhiều  bằng chứng ở châu Á và Việt Nam cho thấy mất cân bằng giới tính khi sinh chủ yếu là do việc lựa chọn giới tính thai nhi do định kiến giới, ưa thích con trai và xem thường giá trị trẻ em gái đã ăn sâu bám rễ trong các quan niệm văn hóa. Những tư tưởng truyền thống lâu đời này đã tạo nên những áp lực nặng nề đối với phụ nữ về việc phải sinh được con trai và ảnh hưởng cơ bản tới vị thế kinh tế, xã hội cũng như đời sống sinh sản và tình dục của người phụ nữ liên quan tới sức khỏe cũng như sự sống còn của họ.

"Mọi người thường hay trêu chọc những người sinh con gái. Họ nói đàn ông mà sinh toàn con gái thì phải ngồi mâm dưới với phụ nữ", chị Nguyễn Thị Nam, xã Hiệp Hoà, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương chia sẻ.

Hậu quả

Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cấu trúc dân số Việt Nam trong tương lai dẫn tới việc dư thừa nam giới trong xã hội. Mất cân bằng giới tính có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và ảnh hưởng tới cuộc sống của phụ nữ, nam giới, gia đình và cộng đồng.

Việc thiếu phụ nữ sẽ làm cho rất nhiều nam giới khó khăn trong việc tìm bạn đời để kết hôn. "Sức ép kết hôn" sẽ tạo ra những hậu quả về mặt xã hội và nhân khẩu học như gia tăng áp lực buộc các em gái phải kết hôn sớm, gia tăng đường dây buôn bán phụ nữ và các hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, bất ổn xã hội do những thất vọng về mặt xã hội và tình dục của nam giới.

Thách thức

Mặc dù đã có lệnh cấm chính thức về lựa chọn giới tính thai nhi, nhưng các dịch vụ siêu âm và nạo thai vẫn tiếp tục được sử dụng sai mục đích để lựa chọn giới tính thai nhi. Việc giám sát các phòng khám y tế tư nhân và bệnh viện đã không được thực hiện đầy đủ và các biện pháp xử phạt hiện nay dường như không đủ mạnh để hạn chế nạo thai lựa chọn giới tính. Điều này làm cho các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia y tế của Việt Nam phải đối mặt với những thách thức để có thể đảm bảo sức khỏe và quyền của phụ nữ trong việc tiếp cận với công nghệ sàng lọc trước sinh và dịch vụ phá thai an toàn, trong khi vẫn tránh được việc lạm dụng các kỹ thuật sinh sản mới.

Một thách thức nữa là làm sao có thể vừa cân bằng giữa việc thực thi pháp luật và cấm xác định giới tính trước khi sinh và quyền sinh sản của phụ nữ. Nhu cầu về chẩn đoán tiền sản để xác định giới tính thai nhi dẫn tới việc các cơ sở y tế tư nhân đang bùng phát tại Việt Nam, bất chấp luật pháp, khuyến khích khách hàng và các cán bộ y tế bỏ qua hệ thống pháp luật nói chung.

Định hướng trong tương lai

Ông Arthur Erken, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam phát biểu tại lễ khởi động chiến dịch: "Nguyên nhân cốt lõi của vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh không nằm ở việc lựa chọn giới tính thai nhi, mà chính là do sự bất bình đẳng giới và xem thường giá trị của phụ nữ. Hiện tượng lựa chọn giới tính trước khi sinh trở nên nghiêm trọng hơn bởi các giá trị truyền thống gia trưởng trong gia đình, đặc biệt là hệ thống gia đình phụ hệ cũng như thiếu quyền tự chủ của người phụ nữ về mặt tài chính và xã hội. Do đó, giải pháp của vấn đề không phải là tập trung vào giải quyết hiện tượng, mà vấn đề cần được giải quyết trong bối cảnh rộng lớn của phát triển kinh tế, xã hội và quyền con người để xóa bỏ bất bình đẳng giới, đảm bảo nhân phẩm và các quyền con người của mỗi cá nhân, phụ nữ, trẻ em. Khi mà phụ nữ và các em gái được tiếp cận với chăm sóc y tế, giáo dục, cơ hội việc làm một cách bình đẳng như nam giới, thì họ sẽ có thể phát triển tốt và làm được những gì mà nam giới và trẻ em trai được mong đợi cần phải làm, thậm chí họ có thể làm tốt hơn. Tuy nhiên, nếu chỉ có phụ nữ thì không thể giải quyết được vấn đề, mà cần có sự hợp tác giữa nam giới trên tinh thần quan hệ đối tác. Nam giới cần phải được khuyến khích để trở thành những tác nhân thay đổi văn hóa-xã hội".

Chiến dịch bao gồm một chuỗi sự kiện với nhiều hình thức: hội thảo, tọa đàm, diễu hành tại Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh; tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội.