Go Back Go Back
Go Back Go Back

Lời kêu gọi hành động nhân ngày Quốc tế Người khuyết tật năm 2024

Lời kêu gọi hành động nhân ngày Quốc tế Người khuyết tật năm 2024

Tuyên bố

Lời kêu gọi hành động nhân ngày Quốc tế Người khuyết tật năm 2024

calendar_today 03 December 2024

Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam phát biểu tại sự kiện nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Người khuyết tật năm 2024
Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam phát biểu tại sự kiện nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Người khuyết tật năm 2024

Kính thưa các vị khách quý cùng các bạn thân mến!

Hôm nay là dịp để chúng ta ghi nhận sức mạnh, sự kiên cường và những đóng góp vô giá của người khuyết tật (NKT) tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Như Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc đã nói, chủ đề của ngày Quốc tế Người khuyết tật năm nay nhấn mạnh cam kết của Liên Hợp Quốc trong việc tạo ra một xã hội nơi mọi cá nhân, bất kể khả năng của họ, đều được phát triển và đóng góp cho một thế giới tốt đẹp hơn.

Trên thực tế, người khuyết tật thường chưa được thực hiện quyền tham gia một cách đầy đủ vào các hoạt động xã hội, kinh tế và chính trị, dẫn đến việc các chính sách thường bỏ qua quyền lợi của NKT, thậm chí còn gây hại cho họ. Để giải quyết những rào cản này, chúng ta phải nâng cao tiếng nói của NKT, mở rộng khả năng tiếp cận các cơ hội, ủng hộ quyền tự quyết của họ và xây dựng một mạng lưới đoàn kết.

Đặc biệt, khi khủng hoảng nhân đạo và xung đột diễn ra, sự hòa nhập và vai trò lãnh đạo của NKT càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. NKT là nhóm dễ bị tổn thương nhất khi thảm họa xảy ra, thường có tỷ lệ tử vong cao gấp hai đến ba lần so với dân số nói chung. Phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt với rủi ro bị tổn thương cao hơn do định kiến ​​giới và các yếu tố khác như tuổi tác, chủng tộc và dân tộc. Trong thời kỳ khủng hoảng, tình trạng bóc lột và lạm dụng gia tăng đột biến, khiến phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, những người vốn có nguy cơ cao bị bạo lực tình dục và bạo lực trên cơ sở giới, sẽ phải đối mặt với rủi ro còn lớn hơn nữa.

Lãnh đạo bắt đầu bằng sự hòa nhập. Điều này đồng nghĩa với việc chủ động công nhận vai trò của NKT, trao quyền lãnh đạo cho họ trong những vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe, quyền lợi và hạnh phúc của họ, cũng như lắng nghe tiếng nói của họ. 

Đáng chú ý, phụ nữ trẻ và trẻ em gái khuyết tật là nhóm ít được tiếp xúc với thông tin và chương trình giáo dục về sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản nhất. Theo dữ liệu do UNFPA công bố, hơn một nửa số phụ nữ khuyết tật trí tuệ bị cho rằng không nên sinh con, gây ảnh hưởng nặng nề đến quyền tự chủ về cơ thể và quyền ra quyết định của họ. 

Ở một số nước đang phát triển, 29% ca sinh nở của các bà mẹ khuyết tật không nhận được sự hỗ trợ của các nhân viên y tế có chuyên môn, và 22% phụ nữ khuyết tật đã kết hôn chưa được đáp ứng về nhu cầu kế hoạch hóa gia đình. Con số này thường cao hơn ở các vùng nông thôn.

Nếu không được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản, người khuyết tật có nguy cơ cao mang thai ngoài ý muốn và mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bao gồm cả HIV/AIDS.

Tôi muốn nhắc đến “Câu chuyện bó đũa”, một câu chuyện dân gian nổi tiếng ở Việt Nam, đem đến bài học ý nghĩa về sức mạnh to lớn của tình đoàn kết. Câu chuyện kể về một người cha dạy các con bài học bằng cách chỉ ra rằng sẽ rất dễ dàng để bẻ gãy từng chiếc đũa; tuy nhiên, một bó đũa gồm nhiều chiếc đũa hợp lại, thì sẽ khó bẻ gãy hơn rất nhiều. Câu chuyện tuy đơn giản nhưng sâu sắc này chính là minh họa cho sức mạnh của sự đoàn kết và sức mạnh tập thể trong đời sống. 
Để tất cả có thể phát triển mạnh mẽ, chúng ta hãy đoàn kết lại với nhau, giống như bó đũa trong câu chuyện.
Hãy cùng kề vai sát cánh, hỗ trợ lẫn nhau, và cùng vượt qua những thử thách. Chính sức mạnh tập thể sẽ giúp chúng ta xây dựng một tương lai kiên cường hơn nữa.

Giống như Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đã phát biểu: Cùng nhau, chúng ta có thể tạo nên sự khác biệt.