Tại Đông Nam Á, các chuẩn mực giới truyền thống mặc định phụ nữ và trẻ em gái là người chăm sóc chính, dẫn đến sự mất cân bằng giới nghiêm trọng trong cả trách nhiệm gia đình và vai trò xã hội. Sự thiên vị giới sâu sắc, cùng với sự phân bổ không đồng đều trong công việc chăm sóc không được trả lương làm những thách thức mà phụ nữ phải đối mặt trở nên trầm trọng hơn, khiến họ bị lạm dụng, bất bình đẳng giới kéo dài và phụ thuộc kinh tế. Theo thời gian, quyền tự chủ và ra quyết định của phụ nữ bị tước đoạt, làm tăng nguy cơ bạo lực gia đình - một cuộc khủng hoảng toàn cầu ngay trước mắt.
Ví dụ tại Lào gần một phần ba phụ nữ phải đối mặt với bạo lực thể chất, tình dục hoặc tinh thần do bạn tình gây ra, phản ánh một thực trạng không chỉ diễn ra trong khu vực mà trên toàn cầu, bắt nguồn từ các chuẩn mực xã hội và chuẩn mực giới. Tương tư tại Việt Nam nghiên cứu quốc gia năm 2019 về bạo lực đối với phụ nữ cho thấy gần hai phần ba (khoảng 63%) phụ nữ kết hôn từng bị bạo lực. Đáng chú ý, 90,4% người bị bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ. Thiệt hại kinh tế do bạo lực đối với phụ nữ tương đương1,81% GDP năm 2018. Tại Thái Lan, mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể, 44% phụ nữ cho biết vẫn phải chịu bạo lực do bạn tình gây ra, điều này chỉ ra những thách thức mà quốc gia này đang đối diện. Số liệu thống kê của các quốc gia này đều nhấn mạnh một cuộc khủng hoảng rộng lớn trêntoàn cầu về bạo lực đối với phụ nữ, được thúc đẩy bởi sự bất bình đẳng khó xoay chuyển và những rào cản mang tính hệ thống.
Chính phủ Lào, Việt Nam và Thái Lan, với sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc cùng các đối tác như UN Women, UNDP, WHO, UNODC, chính phủ Hàn Quốc thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc - KOICA, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia và Nhật Bản đã có những bước tiến đáng kể trong công cuộc xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới, thông qua việc triển khai Gói Dịch vụ Thiết yếu dành cho Phụ nữ và Trẻ em gái bị bạo lực (ESP) - tiêu chuẩn toàn cầu trong các ứng phó mang tính thể chế đối với những hành vi bạo lực trên cơ sở giới. Tại ba quốc gia ASEAN này, các hệ thống hỗ trợ toàn diện như Trung tâm Dịch vụ Một cửa hay Trung tâm Giải quyết Khủng hoảng đã được thành lập tại các bệnh viện và trong các khu cư dân, đã xây dựng các quy trình vận hành tiêu chuẩn cho các dịch vụ y tế, xã hội, tư pháp và cảnh sát, đồng thời củng cố đường dây nóng quốc gia hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới. Ngoài ra, việc tích hợp các dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới vào hệ thống Bảo hiểm y tế toàn dân của Thái Lan cũng là một bước tiến đầy hứa hẹn để đảm bảo rằng tất cả những người bị bạo lực sẽ nhận được hỗ trợ cần thiết mà không gặp phải những rào cản về tài chính.
Những tiến bộ đáng kể đạt được tại Việt Nam, Lào và Thái Lan là minh chứng những nỗ lực của các quốc gia và việc áp dụng có hệ thống hợp tác tam giác Nam – Nam. Phương thức tiếp cận này được chứng minh là một mô hình hiệu quả trong việc giải quyết bạo lực trên cơ sở giới thông qua việc chia sẻ kiến thức, nguồn lực và thực hành sáng tạo. Sự hợp tác giữa ba quốc gia thể hiện tinh thần của ASEAN, bao gồm việc đồng tổ chức một sự kiện bên lề tại Kỳ họp lần thứ 68 của Ủy ban Địa vị phụ nữ (CSW68) gần đây, những cuộc trao đổi học tập trực tiếp và trực tuyến, các chuyến thực địa chung và hợp tác xuyên biên giới trong 16 ngày hành động chấm dứt bạo lực giới, được diễn ra hàng năm trên toàn cầu.
Tuần này, trong Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN lần thứ 3 với chủ đề “Tăng cường nền kinh tế chăm sóc hướng tới Cộng đồng ASEAN giai đoạn sau năm 2025”, Việt Nam, Lào và Thái Lan một lần nữa sẽ hợp tác đồng tổ chứcmột sự kiện bên lề với chủ đề: “Không có bước đi sai lầm: Chia sẻ những thực hành tốt để ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, các dịch vụ điều phối, bảo vệ, công tác xã hội, chuyển gửi và ứng phó của hệ thống y tế”. Cùng nhau, ba quốc gia sẽ cung cấp cho hơn 200 đại biểu tham dự các khuyến nghị dựa trên thành công trong việc thực hiện các quy trình vận hành tiêu chuẩn phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế để đảm bảo những người bị bạo lực nhận được sự chăm sóc và hỗ trợ thiết yếu, củng cố thể chế ở cấp quốc gia và địa phương.
Thông điệp từ Việt Nam, Lào và Thái Lan rất rõ ràng:
● Không có bước đi sai lầm, đặc biệt đối với những người bị bạo lực, để họ tìm được sự giúp đỡ cần thiết dù ở nơi đâu.
● Việc tích hợp ESP vào luật pháp và chính sách cấp quốc gia là vô cùng quan trọng để hướng dẫn việc thực hiện hiệu quả.
● Giải quyết bạo lực trên cơ sở giới đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện và đa ngành, đồng thời thách thức các chuẩn mực giới và các thể chế duy trì bạo lực
● Cung cấp dịch vụ là chưa đủ; chúng ta cần nỗ lực thay đổi các chuẩn mực xã hội, đảm bảo rằng người bị bạo lực không những được hỗ trợ sau bạo lực mà còn được trao quyền để ngăn chặn bạo lực xảy ra. Một bước cơ bản trong việc phòng chống bạo lực trên cơ sở giới nằm ở việc công nhận và đánh giá cao vai trò quan trọng của công việc chăm sóc, cùng với nỗ lực có ý thức nhằm phân bổ lại những trách nhiệm này một cách công bằng hơn. Điều này đòi hỏi thách thức các vai trò giới truyền thống và đảm bảo rằng cả nam giới và trẻ em trai đều tích cực vận động và hỗ trợ quyền được tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực, cơ hội và dịch vụ cho mọi người, không phân biệt giới.
Cam kết quốc gia mạnh mẽ của Việt Nam, Lào, Thái Lan đối với Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) năm 1994 và Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy cam kết chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới và thúc đẩy bình đẳng giới. Bằng cách nhấn mạnh mối liên hệ giữa động lực phát triển dân số, quyền con người và phát triển bền vững, ba quốc gia này đã đặt nền tảng cho các chính sách và chương trình để giải quyết nguyên nhân gốc rễ của bạo lực trên cơ sở giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. Đây là một bước quan trọng hướng tới mục tiêu chung về hòa bình, thịnh vượng và công bằng xã hội.
Tiếp nối những thành công của ICPD trong 30 năm qua, chúng ta cần duy trì sự tập trung nỗ lực chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới. Bởi cái giá phải trả nếu không hành động là rất cao – không chỉ về mặt kinh tế mà còn là tổn hại của nhiều phụ nữ và trẻ em gái tại các nước ASEAN và trên toàn thế giới. Khi chúng ta cùng hợp tác, hợp lực xuyên biên giới, chúng ta có thể phá vỡ chu kỳ của bạo lực và đảm bảo rằng bất kỳ cánh cửa nào mà người bị bạo lực bước qua để tìm kiếm sự giúp đỡ - có thể là bệnh viện, nơi tạm lánh hoặc đồn cảnh sát - đều là những cánh cửa phù hợp.