Go Back Go Back
Go Back Go Back

Triển lãm Nghệ thuật đa phương tiện: “Phơi những vết thương hở miệng”

Triển lãm Nghệ thuật đa phương tiện: “Phơi những vết thương hở miệng”

Tin tức

Triển lãm Nghệ thuật đa phương tiện: “Phơi những vết thương hở miệng”

calendar_today 18 December 2018

HÀ NỘI, ngày 17/12/2018 -  Triển lãm Nghệ thuật đa phương tiện “Phơi những vết thương hở miệng” đã chính thức được khai mạc hôm nay tại Hà Nội. Triển lãm nằm trong khuôn khổ dự án do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và Tổ chức Bánh Mỳ cho thế giới, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) và đối tác Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) đồng thực hiện.

Bạo lực tình dục là loại bạo lực ẩn giấu sâu nhất trong các dạng bạo lực. Nạn nhân cảm thấy khó khăn khi đối diện với câu chuyện của chính mình. Một mặt, có thể họ không đủ thông tin, kiến thức để nhận diện vấn đề, mặt khác, các định kiến xã hội và sự thiếu hụt dịch vụ hỗ trợ cũng là một lý do đáng kể. Tỷ lệ bỏ cuộc trong các vụ kiện liên quan đến bạo lực tình dục cho thấy đây là vấn đề không mấy dễ dàng. 87% phụ nữ bị bạo lực trong khảo sát quốc gia đã không tìm kiếm bất kỳ sự giúp đỡ nào từ các dịch vụ hoặc các cơ quan có trách nhiệm.

Trong khi đó, số vụ phạm tội liên quan đến bạo lực tình dục được trình báo tăng đều trong giai đoạn 5 năm từ 2008 đến 2012, với 947 vụ được trình báo năm 2008 và 1.338 vụ năm 2012. Những số liệu thống kê này chỉ ghi nhận hai hình thức bạo lực tình dục là hiếp dâm ở người trưởng thành và quan hệ tình dục với trẻ em, và cho thấy khoảng ¾ số vụ tội phạm tình dục được trình báo có liên quan đến nạn nhân trẻ em và chỉ khoảng 25% số vụ liên quan đến hiếp dâm phụ nữ trưởng thành (báo cáo của UNWOMEN). Mặt khác, các hình thức bạo lực ít được nhận diện như quấy rối tình dục, tấn công tình dục hầu như chưa được ghi nhận trong các báo cáo quốc gia. Các vụ việc nghiêm trọng được công chúng biết tới thông qua các cơ quan truyền thông trong một vài năm trở lại đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.  Đằng sau đó còn rất nhiều những câu chuyện về thực trạng, nhu cầu hỗ trợ, công lý cho nạn nhân bạo lực tình dục,... vẫn chưa được nhắc tới.

Trong bối cảnh đó, hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2018, và 16 Ngày quốc tế hành động nhằm xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, CSAGA cùng các đối tác thực hiện chiến dịch  truyền thông 2018 “Không đổ lỗi – Hãy đặt trách nhiệm đúng chỗ”. Triển lãm “Phơi những vết thương hở miệng” là một trong chuỗi các hoạt động của chiến dịch, nhằm thúc đẩy tiếng nói của người trong cuộc, cung cấp các bằng chứng về vấn đề bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái.
Triển lãm gồm 20 câu chuyện từ chính người trong cuộc, được kể lại bằng các hình thức nghệ thuật đa phương tiện – với sự hỗ trợ của Nghệ sĩ thị giác Thế Sơn. Không dễ để phơi bày những trải nghiệm đau lòng, nhưng những người trong cuộc, với sự dũng cảm và nỗ lực, với mong muốn thay đổi cái nhìn của cộng đồng đã làm được điều ấy. Hi vọng các câu chuyện sẽ khiến cộng đồng có thể nhìn thấy trách nhiệm của mỗi người trong việc chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái nói riêng, thúc đẩy môi trường sống an toàn nói chun

Ông Lê Bạch Dương – Trợ lý Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho biết, nghiên cứu trên thế giới cho biết tại một số quốc gia cứ 4 phụ nữ thì có 1 người bị bạo lực tình dục và 1/3 các em nữ ở độ tuổi vị thành niên chia sẻ lần đầu tiên quan hệ tình dục của họ là do bị cưỡng ép.

Bà Nguyễn Vân Anh - Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) cho biết, 17 tác giả là những người trong cuộc và đến từ những vùng miền khác nhau, công việc, độ tuổi khác nhau nhưng đều bị bạo lực tình dục. Có những người phải chịu đựng tổn thương từ khi còn nhỏ, có người bị bạo lực suốt hơn 20 năm, có người vừa mới ngày hôm qua…

Tất cả những đau đớn đó họ giữ cho riêng mình. Và đây là lần đầu tiên họ trải lòng về những vết thương trong sâu thẳm để được giải thoát, để tiếp tục hi vọng vào cuộc sống mới tốt đẹp hơn, để ngày mai mỗi người phụ nữ, mỗi trẻ em gái được sống, được yêu thương an toàn…

Triển lãm này nhằm thúc đẩy tiếng nói của người trong cuộc, cung cấp các bằng chứng về vấn đề bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái.