Nếu gặp anh Trần Quốc Nam hôm nay — một nhà hoạt động xã hội đầy tự tin, Chủ tịch Hội Người Khuyết Tật thị xã Sơn Tây và Ủy viên Thường trực Hội Người Khuyết Tật TP Hà Nội — sẽ khó có thể tưởng tượng rằng tất cả hành trình của anh Nam để trở thành một người truyền cảm hứng như bây giờ đều bắt đầu từ một trận sốt khi còn bé.
"Lúc ấy tôi mới chỉ một tuổi," anh nhớ lại. "Một trận sốt virus khiến một chân tôi bị teo cơ co rút. Tôi vẫn đi lại được, nhưng một bên chân không bao giờ có thể đứng thẳng nữa."
Vậy nhưng, anh Nam chưa bao giờ để điều đó định nghĩa con đường và cuộc sống sau này của mình.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học giữa lòng thủ đô, anh được nuôi dạy như bao đứa trẻ khác. “Bố mẹ tôi chưa bao giờ nói tôi khác biệt,” anh kể. “Họ để tôi sống trọn vẹn một tuổi thơ tròn đầy, được làm những điều mà bao bạn nhỏ khác được làm, được mơ ước lớn và có những hoài bão. Thế là đủ cho tuổi thơ!”
Phải đến khi tham dự buổi meeting nhân ngày Người khuyết tật Việt Nam, anh Nam mới thật sự chạm đến cộng đồng của mình, anh Nam nói mình còn may mắn hơn rất nhiều người và muốn từ những việc nhỏ bé mang lại ý nghĩa to lớn cho cộng đồng. Anh vẫn nhớ như in: “Có những người bị khuyết tật nặng hơn tôi nhưng lại rất tự tin và hoà nhập. Ngược lại, có người nhẹ hơn tôi lại rụt rè, không dám mở lời. Ngày hôm đó dường như đã thay đổi tôi rất nhiều, cho tôi thấy rằng khuyết tật không chỉ nằm ở cơ thể, mà còn nằm trong những rào cản do xã hội tạo ra.”
Từ khoảnh khắc đó, anh tự nhủ rằng bản thân mình ở đây sẽ không chỉ để xóa bỏ rào cản vật lý, mà cả những rào cản trong tư duy và hệ thống.
Một đời tiên phong và kiên định
Sau khi thành lập Hội Người Khuyết Tật thị xã Sơn Tây — một trong những hội đầu tiên ở cấp địa phương sau khi địa giới Hà Nội được mở rộng — anh Nam bắt đầu xây dựng một mạng lưới hỗ trợ vừa thiết thực, vừa xuất phát từ trái tim. Anh bắt đầu từ những điều nhỏ nhất.
“Tôi khởi đầu bằng một dự án nuôi gà,” anh cười. “Hai mươi con gà, một nhóm người khuyết tật, một mục tiêu: tự nuôi sống bản thân.” Dự án được tài trợ bởi các tổ chức quốc tế đã trở thành dự án sinh kế đầu tiên cho người khuyết tật được công nhận ở Hà Nội. “Đâu có chỉ đơn thuần là việc nuôi gà. Đó là bằng chứng rằng người khuyết tật có thể tạo ra giá trị. Chúng tôi không cần sự thương hại — chúng tôi cần cơ hội và sự trao quyền.”
Anh nhớ lại những ngày đầu làm việc với các tổ chức phi chính phủ. “Nhiều nơi ngần ngại trao quyền quyết định cho người khuyết tật. Nhưng nếu không có quyền tự quyết, thì làm sao gọi là trao quyền?”
Qua thời gian, anh đã đảm nhiệm vô số vai trò: là người anh cả, là người truyền cảm hứng, là một ‘huấn luyện viên’ về tinh thần, là người vận động chính sách và cả người kết nối cộng đồng. Không chỉ là một phần của những hỗ trợ giúp thay đổi cách tiếp cận điều trị cho người khuyết tật tại bệnh viện, anh Nam còn trải qua những buổi tập huấn về ứng phó thiên tai một cách bao trùm.
Nhưng hơn hết, anh chưa bao giờ ngừng lắng nghe.
Những câu chuyện còn mãi
Khi được hỏi điều gì khiến anh liên tục nỗ lực tham gia những hoạt động mang tới những giá trị tích cực cho người khuyết tật, ánh mắt anh dịu lại.
“Đó chính là sự tử tế giữa người với người,” anh kể. “Anh vẫn còn nhớ như in dự án hướng dẫn làm chổi chít cho người khuyết tật. Bộ Nông nghiệp và các trường học trong địa bàn sau đó còn ký cam kết tiêu thụ sản phẩm chổi chít của người khuyết tật ấy. Hành động ấy tuy đơn giản, nhưng lại vô cùng ấm áp, nhân văn, đã tạo sinh kế, động lực cho rất nhiều người khuyết tật yếu thế.”
Anh cũng kể về bạn nhỏ Huy — nhân vật chính trong bộ ảnh tham gia cuộc thi Lăng Kính Yêu Thương do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tổ chức vào Ngày Quốc tế Người Khuyết tật vào tháng 12 năm ngoái. “Huy, một bạn nhỏ khuyết tật vận động cũng thèm được đi học như những người bạn khác trong làng, Huy biết đọc, biết viết, biết ghi nhớ, dù có gặp những khó khăn nhất định, tất cả là nhờ những người bạn cùng trang lứa như chị Thuỳ Chi hay anh Đạt, chỉ trên Huy có một lớp. Chỉ cần những người tin tưởng, kiên nhẫn và lắng nghe — chỉ vậy thôi, cuộc sống của Huy đã thay đổi một cách sâu sắc rồi.”
Huy trong những tấm hình của anh Nam chụp hồn nhiên, nhẹ nhàng, cầm cây bút trên tay, viết lên những ước mơ và câu chuyện sau này của bản thân mình.
Đối diện rào cản vô hình
Anh Nam không né tránh sự thật và chia sẻ mở lòng về một số những định kiến hiện nay vẫn còn của các gia đình khi có con là người khuyết tật: “Nhiều gia đình vẫn còn xấu hổ khi có con khuyết tật, đặc biệt là khuyết tật về mặt trí tuệ” anh chia sẻ. “Nhiều người giấu con ở nhà, không cho đến trường. Xã hội thì đôi khi dội vào người khuyết tật một tình thương có thể triệt tiêu, đè nén nỗ lực tự vươn lên của họ.”
Anh phản đối mạnh mẽ việc “nạn nhân hoá” người khuyết tật. “Không cần thương hại. Điều mọi người cần ở đây là sự tôn trọng và những cơ hội phát triển”
Từ chính sách chưa bao quát đến hạ tầng còn có phần thiếu thốn, anh liệt kê từng rào cản: xe buýt hiện chưa thân thiện với người khuyết tật, thiếu bảng chỉ dẫn bằng chữ nổi, văn bản luật còn chưa rõ ràng. “Có những luật pháp, quy định được đưa ra tưởng chừng đã hoàn hảo, nhưng khi phân tích và đào sâu mới thấy đang vô tình ‘lề hoá’ những người khuyết tật.”
Lăng kính đồng cảm, cảm hứng cho sự thay đổi
Anh Nam nhận thức được sâu sắc điều khiến mình khác biệt chính là góc nhìn. “Tôi luôn tự hỏi: nếu là tôi, tôi sẽ cần gì?” Qua những lần tham gia tập huấn, những kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm, anh hiểu sâu sắc bản sắc địa phương, tôn giáo, và cả sự cô đơn mà những người khuyết tật phải đối mặt. Anh tin rằng, muốn thay đổi, không chỉ cần những tiếng nói mà còn cần cả trái tim và đôi tai để lắng nghe.
“Cần nhiều hơn những hoạt động đồng hành thực sự. Như cách Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc đã tổ chức một cuộc thi ảnh để lắng nghe tâm sự của người khuyết tật. Hợp tác thực sự chỉ diễn ra khi có sự hỗ trợ, sự lắng nghe và thấu cảm.”
Cuối buổi trò chuyện, Anh Nam chia sẻ những tâm sự mà có lẽ cả cuộc đời này anh vẫn sẽ mãi đấu tranh và theo đuổi: “Điều tôi mong nhất là thế hệ trẻ khuyết tật không bao giờ nghi ngờ giá trị của bản thân, bởi các em đầy tiềm năng.”
Khi được hỏi điều cuối cùng anh muốn gửi tới Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc cũng như xã hội, công chúng nói chung là gì, anh Nam mỉm cười:
“Xin hãy tin tưởng người khuyết tật chúng tôi. Hãy cùng hành động vì một xã hội mà người khuyết tật được hòa nhập, bình đẳng và để không ai bị bỏ lại phía sau.”
Và rồi, anh Nam rời đi sau cuộc trò chuyện. Vẫn dáng đi nghiêng ấy, nhưng với sự kiên định và một ý chí vững như thép.
###########
Bài viết nằm trong chuỗi bài viết “WeDecide” (tạm dịch: Chúng tôi lựa chọn) của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) nhân Ngày Người Khuyết Tật Việt Nam (18/04). UNFPA ủng hộ quyền tự quyết của mỗi người, bao gồm người khuyết tật và hướng tới một xã hội công bằng, bình đẳng, nơi không người khuyết tật hay nhóm yếu thế nào bị bỏ lại phía sau.
Về sứ mệnh của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc:
UNFPA - Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc là cơ quan Liên Hợp Quốc chuyên trách về sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản. Sứ mệnh của UNFPA là “tạo ra một thế giới nơi việc mang thai được mong muốn, mọi ca sinh nở đều an toàn và tiềm năng của mỗi người trẻ tuổi đều được phát huy.”
Về Chương trình WeDecide của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc:
We Decide là một sáng kiến toàn cầu của UNFPA với sự hỗ trợ từ Chính phủ Tây Ban Nha, nhằm thúc đẩy quyền con người và sự hòa nhập xã hội của phụ nữ và thanh thiếu niên khuyết tật, đặc biệt là trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản và quyền tình dục, cũng như phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.
Chương trình hướng đến xây dựng một mô hình can thiệp dựa trên quyền con người, phù hợp với các tiêu chuẩn và hướng dẫn quốc tế, đồng thời bảo đảm sự tham gia trực tiếp của người khuyết tật trong quá trình thiết kế và triển khai.
Chương trình đặc biệt nhấn mạnh đến phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, những người thường phải đối mặt với nhiều rào cản về tiếp cận dịch vụ y tế, thông tin, giáo dục và sự bảo vệ khỏi bạo lực. Thông qua We Decide, UNFPA hướng đến việc bảo đảm mọi người đều có quyền ra quyết định về cơ thể và cuộc sống của chính mình, không bị phân biệt đối xử và bạo lực.