Go Back Go Back
Go Back Go Back

Thông điệp của Tiến sỹ Natalia Kanem, Giám đốc Điều hành UNFPA toàn cầu về Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới 2022

Thông điệp của Tiến sỹ Natalia Kanem, Giám đốc Điều hành UNFPA toàn cầu về Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới 2022

Tuyên bố

Thông điệp của Tiến sỹ Natalia Kanem, Giám đốc Điều hành UNFPA toàn cầu về Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới 2022

calendar_today 30 March 2022

Kính thưa các cơ quan thông tấn báo chí,

 

Thưa quý đồng nghiệp và các bạn,

 

Mamusu, người Sierra Leone, từng mang thai ở tuổi 14. Rahmadina đến từ Philippines mang thai và kết hôn khi còn chưa học hết năm nhất trung học phổ thông. Mukul ở Ấn Độ sống bằng nghề tự do, đã kết hôn và có sử dụng biện pháp tránh thai. Mukul đã rất sốc khi phát hiện mình đang mang thai ở tháng thứ 5, sau chưa đầy một năm kể từ khi sinh đứa con đầu lòng. Yajaira [Ya-hai-ra] người El Salvador chỉ ngủ với bạn trai có một lần. Trước đó, Yajaira chưa từng được giáo dục về giới tính.

 

Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới 2022 cho thấy, theo các số liệu thu thập được, gần 1/4 số phụ nữ không thể từ chối tình dục và không thể đưa ra quyết định về việc chăm sóc sức khỏe của chính bản thân mình.

 

Chẳng vậy mà mỗi năm, gần một nửa số trường hợp mang thai trên thế giới là ngoài ý muốn – gần một nửa – tương đương với 121 triệu trường hợp. Những phụ nữ này hoàn toàn không được quyết định việc mang thai hay không, trong khi đây là lựa chọn về sinh sản tác động lớn nhất đến cuộc sống của họ.

 

Các Mục tiêu Phát triển Bền vững 2030 công nhận quyền tự chủ về thân thể của phụ nữ, bình đẳng giới cùng với tầm quan trọng của khả năng đưa ra những quyết định sáng suốt về quan hệ tình dục, tránh thai và chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Việc khoảng một nửa số trường hợp mang thai là ngoài ý muốn cho ta thấy một bức tranh đáng báo động về tình trạng xem nhẹ quyền tự do sinh sản của phụ nữ.

 

Thế nhưng, cuộc khủng hoảng này hầu như bị phớt lờ, một phần bởi nó quá phổ biến và đang diễn ra ở khắp mọi nơi, ngay cả tại chính trung tâm của châu Âu. Gần như ai cũng biết một người từng phải mang thai ngoài ý muốn.

 

Tất nhiên, chỉ vì là kết quả của việc mang thai ngoài ý muốn không có nghĩa rằng những em bé này bị chối bỏ: Rất nhiều trường hợp mang thai ngoài ý muốn được vui vẻ đón nhận. Rất nhiều em bé như vậy được hết lòng yêu thương. Song, bên cạnh những kết cục may mắn, trước hết ta vẫn phải thừa nhận thực trạng quyền lựa chọn bị chối bỏ đã dẫn đến sự gia tăng của mang thai ngoài ý muốn.

 

Và sẽ thật sai lầm nếu ta phớt lờ những kết cục không mong muốn. Mang thai ngoài ý muốn khiến phụ nữ và trẻ em gái phải chật vật đương đầu với tình cảnh không hoàn toàn do họ lựa chọn, vào thời điểm, trong điều kiện, hay thậm chí là với người bạn đời mà họ không mong muốn. Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng, theo ước tính, 60% phụ nữ mang thai ngoài ý muốn quyết định không sinh con và giải quyết bằng cách phá thai, thường là phá thai không an toàn – một trong những nguyên nhân chính gây tử vong mẹ.

 

Vì sao giờ đây chúng ta lại nói về vấn đề này? Vì sao chúng ta thảo luận về việc mang thai cũng như những quyền sinh sản và tình dục của phụ nữ? Có thể hiểu được lý do cho câu hỏi này... đồng thời cũng rất đáng tiếc. Nó cho thấy những quyền cơ bản nhất của phụ nữ và trẻ em gái dễ dàng bị gạt sang một bên, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng, khi nguy cơ này đạt đến đỉnh điểm. Báo cáo của chúng tôi chỉ ra các quyền này bị làm suy yếu trong bối cảnh hòa bình và bị tấn công trong xung đột, bất ổn như thế nào.

 

Đúng vậy, có những vấn đề khác cũng đang cần được chú ý: thảm kịch do xung đột, COVID-19, biến đổi khí hậu, di tản trên diện rộng hay bất công về chủng tộc. Không vấn đề nào là vấn đề riêng lẻ, kể cả mang thai ngoài ý muốn. Thế giới của chúng ta được liên kết, và những tai ương chúng ta phải đối mặt cũng vậy, bao gồm cả thảm kịch cá nhân khi sinh ra một đứa trẻ trong vô vọng.

 

Chúng ta đã nhận thấy điều này khi những đợt “phong tỏa” trong đại dịch làm gián đoạn các dịch vụ sức khỏe sinh sản và tình dục cũng như khả năng tiếp cận các biện pháp tránh thai, thậm chí dẫn đến gia tăng tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn ở một số nơi. Chúng ta nhận thấy điều này trong những bối cảnh nhân đạo, khi phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt với nguy cơ leo thang của bạo lực tình dục. Đồng thời, thực trạng này thể hiện khi cơ thể của phụ nữ và trẻ em gái không được xem là của riêng họ, và điều này gây ảnh hưởng đến toàn xã hội. Mang thai ngoài ý muốn là vấn đề cá nhân đối với người phụ nữ mang thai, vấn đề sức khỏe của phụ nữ, gia đình và xã hội, cũng như vấn đề quyền con người đối với các quốc gia và thế giới.

 

Từ lâu, nhân loại đã chấp nhận sự phủ nhận đối với quyền tự chủ của phụ nữ là điều bình thường. Toàn bộ các hệ thống luật pháp, phong tục, truyền thống, phép tắc trong gia đình tiếp tục giao quyền kiểm soát cơ thể và vấn đề sinh nở của nữ giới vào tay nam giới. Mãi cho đến năm 1968, cộng đồng quốc tế mới công nhận quyền được tự do lựa chọn số con mình sinh ra và khoảng cách giữa các lần sinh con của tất cả mọi người. Và cho tới tận năm 1993, hiếp dâm trong hôn nhân mới được thừa nhận là vi phạm quyền con người.

 

Kể từ đó, chúng ta đã thấy các nhà lãnh đạo thế giới ký kết các nguyên tắc chung về quyền con người, cũng như sự ủng hộ của công chúng đối với bình đẳng giới. Cũng có thể hiểu rằng, trong thế giới kết nối của chúng ta, số phận của một số ít sẽ tác động đến tương lai của nhiều người. Việc một bộ phận bị gạt ra ngoài lề xã hội có thể khiến sự bất hạnh lan truyền qua nhiều quốc gia, cho nhiều thế hệ. Đây là lý do vì sao thế giới cam kết với các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

 

Như tôi đã đề cập, mang thai ngoài ý muốn sẽ dẫn đến tình trạng tử vong mẹ. Báo cáo của chúng tôi cho thấy, tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn có mối liên hệ mật thiết với bất bình đẳng giới, phát triển kinh tế - xã hội thấp và nhiều hạn chế hơn về quyền sinh sản và tình dục. Báo cáo cũng chỉ ra những hậu quả sâu sắc mà mang thai ngoài ý muốn gây ra: sức khỏe suy giảm, không được học tập, mất thu nhập và gia tăng khó khăn trong gia đình. Mang thai ngoài ý muốn tiêu tốn thêm hàng tỷ đô la chi tiêu cho hệ thống y tế và dẫn tới kết cục tồi tệ hơn cho những thế hệ tương lai.

 

Đừng quên đứng lên vì những trẻ em gái vị thành niên mà do thiếu nhận thức về cơ thể mình, do không có quyền lựa chọn, hoặc do cả hai nguyên nhân đó, phải chịu cảnh sống nghèo khổ khi việc mang thai ngoài ý muốn tước đi cơ hội được học tập của các em, vốn là cảnh cửa mở ra cho các em một tương lai tươi sáng hơn. Hãy ghi nhớ rằng hiệu ứng lan truyền khủng khiếp của cảnh nghèo cùng cực không chỉ dừng lại với những em gái ấy, hay ở biên giới quốc gia của các em. Tất cả chúng ta sẽ nghèo đi, sự phát triển toàn cầu sẽ bị đe dọa bởi nguyên nhân này.

 

Hơn 250 triệu phụ nữ có mong muốn tránh thai nhưng lại chưa sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn, hiện đại. Các hệ thống, xã hội, những nhà lãnh đạo, chính phủ và các phương tiện truyền thông của chúng ta đang chưa nhận ra được rằng đây là một cuộc khủng hoảng, một cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến quyền và phúc lợi của tất cả mọi người trên toàn thế giới. Hãy mở mắt để nhìn rõ những điều chưa thấy. Đây chính là lời cảnh tỉnh cho chúng ta.

 

Báo cáo của chúng tôi kêu gọi sự thay đổi mang tính tập thể trong tư duy để nhìn rõ những điều chưa thấy, để công nhận giá trị chưa được hiện thực hóa của phụ nữ và trẻ em gái, và để đảm bảo bao phủ y tế toàn dân, chấm dứt bạo lực giới cũng như bảo vệ các quyền sinh sản và tình dục, đặc biệt là trong bối cảnh nhân đạo và khủng hoảng.

 

Để giải quyết vấn đề mang thai ngoài ý muốn, chúng tôi đang kêu gọi các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo tại cộng đồng thay đổi các ưu tiên, mở rộng lựa chọn và nguồn lực cho phụ nữ và trẻ em gái. Nâng cao giá trị và lắng nghe tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái, đầu tư vào các dịch vụ tránh thai và thông tin mà họ muốn và cần, đảm bảo những dịch vụ này hỗ trợ quyền tự chủ về thân thể và không mang tính kỳ thị. Đừng chỉ cam kết bình đẳng giới mà hãy thực hiện bằng hành động.

 

Chúng tôi biết những hành động này có thể tạo ra sự thay đổi thực sự. Chúng tôi đã nhìn thấy sự thay đổi đó trong cuộc sống của những trẻ em gái mà tôi vừa đề cập. Mamasu, em gái người Sierra Leone, đang tiếp nhận sự hỗ trợ mà trước đây em chưa nhận được từ người hướng dẫn của một tổ chức phi chính phủ địa phương. Nhờ đó, em đã có thể tiếp tục việc học của mình. Mamusu muốn trở thành một y tá. Rahmadina quyết tâm mang lại cho con gái những lựa chọn mà bản thân mình không có được. Còn Yajaira đang nuôi dạy hai cậu con trai biết chối từ những chuẩn mực mang tính bất bình đẳng giới và trao đổi cởi mở về các vấn đề như tránh thai.

 

Tuy nhiên, không nên đặt gánh nặng giải quyết cuộc khủng hoảng này lên vai những người phụ nữ từng phải mang thai ngoài ý muốn. Trách nhiệm này là của tôi, của bạn, của tất cả chúng ta. Tất cả chúng ta cần phải hành động.

 

Hành động là khi các chính phủ cam kết dành riêng một dòng ngân sách cho kế hoạch hóa gia đình.

 

Hành động là khi những người ứng phó với khủng hoảng xem xét nhu cầu vệ sinh, sức khỏe sinh sản, tình dục và kinh nguyệt của phụ nữ và trẻ em gái bị ảnh hưởng bởi thảm họa. Đây là những dịch vụ thiết yếu, có ý nghĩa sống còn.

 

Hành động là khi các tổ chức tín ngưỡng thúc đẩy quyền tiếp cận giáo dục giới tính toàn diện. Tôi kêu gọi nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo hơn nữa hóa giải quan điểm về sự tồn tại của xung đột giữa tín ngưỡng và quyền con người, quyền của phụ nữ.

 

Chỉ khi mỗi chúng ta có quyền đưa ra quyết định căn bản về sức khỏe, cơ thể và tương lai của bản thân, chúng ta mới có thể hướng tới một thế giới công bằng và thịnh vượng hơn.