62 người cao tuổi ở tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam bây giờ đã có thể chăm sóc cho những người bạn già và hàng xóm của mình tốt hơn sau khi được trang bị những kiến thức và kỹ năng cơ bản chăm sóc người cao tuổi nhờ có dự án thí điểm do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc - UNFPA tài trợ.
“Trước đây, chúng tôi thỉnh thoảng vẫn đến nhà ông bạn hàng xóm, ông Nguyễn Chí Hòe, nay đã 80 tuổi, vì chúng tôi muốn động viên tinh thần ông ý và gia đình,” ông Lê Duy Ân (74 tuổi) và bà Lê Thị Hoa (66 tuổi) những tình nguyện viên chăm sóc tại nhà ở Thanh Hóa tâm sự. “Nhưng bây giờ nhờ có dự án do UNFPA tài trợ, chúng tôi đã có thể giúp vợ ông Hòe tắm rửa cho ông ý, xoa bóp và động viên ông ý. Chúng tôi rất phấn khởi vì đã làm việc có ích – người bạn thực sự là người luôn ở bên cạnh khi cần,” hai tình nguyện viên đều có chung suy nghĩ.
Ba người hàng xóm hiện đang sống ở xã Đông Phú, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa và họ biết nhau từ những ngày đầu về nghỉ hưu khi họ vẫn còn khỏe mạnh. Thế rồi cách đây 4 năm, mắt của ông Hòe yếu đi. Ông lại còn bị đột quỵ và bị liệt nửa người. Ông Hòe cũng bị rất nhiều bệnh khác như huyết áp cao và đái tháo đường. Vì các con của ông đều đi làm xa nhà, vợ ông, bà Lê Thị Dũng (75 tuổi) trở thành người duy nhất chăm sóc ông cả ngày. Vì thế những tình nguyện viên đến từ mô hình chăm sóc tích hợp tại cộng đồng dành cho người cao tuổi đã là nguồn hỗ trợ thiết yếu.
“Tôi biết ông Hòe từ lâu rồi khi chúng tôi cùng tham gia hội người cao tuổi. Chúng tôi có nhiều suy nghĩ giống nhau, nhiều sở thích giống nhau. Khi thấy ông ý bị ốm, tôi đến và chuyện trò động viên ông ấy thôi. Nhưng bây giờ tôi thấy tự tin hơn khi giúp vợ ông ý chăm sóc ông. Với những kiến thức và kỹ năng chăm sóc tại nhà cho người cao tuổi đồng thời với những dụng cụ chăm sóc an toàn, chúng tôi có thể chăm ông tốt hơn và lại có thể bảo vệ được bản thân khi chăm sóc những người bị nhiều bệnh như ông Hòe,” ông Ân kể.
Cũng đồng tình với ông Ân, bà Lê thị Hoa cho biết: “Mỗi khi vợ ông Hòe bận, tôi thường loanh quanh gần ông ý để sẵn sàng giúp. Ví dụ như lấy nước cho ông uống, xoa bóp chân cho ông ấy đỡ mỏi; hay thay quần áo cho ông ý. Nhờ được tập huấn nên giờ tôi biết cách thay áo cho người bị liệt.”
Khi hỏi tại sao bà lại tình nguyện giúp đỡ, bà Hoa mỉm cười và nói: “tôi giờ cũng 66 tuổi rồi. May là tôi vẫn còn khỏe nên tôi giúp đỡ được hàng xóm là tôi vui rồi. Là thành viên của Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, tôi sẽ còn tiếp tục tình nguyện giúp đỡ cho đến khi tôi quá già để làm việc. Tôi mong rằng dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ câu lạc bộ và tập huấn cho các thành viên khác của CLB, đặc biệt những người mới nghỉ hưu để các ông, các bà ý có thể thay chúng tôi sau này.”
Tháng 9 năm 2023, UNFPA cùng với tổ chức HelpAge International (Hỗ trợ người cao tuổi) tại Việt Nam đã đưa mô hình chăm sóc toàn diện và tích hợp người cao tuổi tại Thanh Hóa nhằm giúp người cao tuổi dễ dàng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ hỗ trợ khác. Mô hình chăm sóc này được thực hiện thông qua hệ thống các Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau tại cộng đồng. Dự án do UNFPA hỗ trợ nhằm mục đích thiết lập hệ thống chăm sóc người cao tuổi tại Việt Nam, một hệ thống dễ dàng nâng cấp và nhân rộng ra các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.
Bên cạnh các hoạt động tập huấn và nâng cao nhận thức cho 62 tình nguyện viên, thành viên của CLB liên thế hệ tự giúp nhau, dự án đã chọn và tập huấn cho 4 quản lý ca và 12 trợ lý quản lý ca, họ là những thành viên chủ chốt của CLB và là cán bộ của Trung tâm y tế xã và chính quyền địa phương. Từ đó thiết lập một hệ thống quản lý ca để không chỉ chăm sóc các cá nhân người cao tuổi theo hướng tiếp cận lấy con người là trọng tâm mà còn giúp chuyển gửi đến các cơ sở khác với các dịch vụ khác theo đánh giá nhu cầu toàn diện.
Việt Nam hiện có hơn 6.300 CLB liên thế hệ tự giúp nhau với hơn 320.000 thành viên CLB, hầu hết là người cao tuổi. Riêng tỉnh Thanh Hóa có 1.108 CLB, có số CLB cao nhất trong cả nước. Với hướng tiếp cận lấy con người là trọng tâm, các CLB giúp các thành viên sẵn sàng hỗ trợ nhau để có cuộc sống có chất lượng, xác định nhu cầu và các nguồn lực chưa được phát huy trong cộng đồng, và tăng cường chăm sóc người cao tuổi dài hạn.
Do tính hiệu quả của CLB liên thế hệ tự giúp nhau. Chính phủ đã có kế hoạch nhân rộng mô hình ra toàn quốc. Hy vọng đến năm 2025, ít nhất 95% các tỉnh và thành phố trong cả nước sẽ có mô hình CLB này, tức là ít nhất sẽ có thêm 3.000 CLB mới được thành lập, thu hút khoảng 150.000 thành viên mới./.