Ngày 25 tháng 11 năm 2017
Những người tị nạn Rohingya sau khi rời bỏ đất nước của mình sang lánh nạn tại Bangladesh đã chia sẻ những câu chuyện khủng khiếp liên quan tới tình trạng bạo lực tình dục mà họ phải gánh chịu. Một phụ nữ có tên là Shakila cho biết cô đã bị cưỡng hiếp sau khi bị bắt buộc phải tận mắt chứng kiến cảnh chồng và con gái sơ sinh của mình bị sát hại.
Bạo lực tình dục và bạo lực giới thường có xu hướng gia tăng trong các tình huống/giai đoạn khủng hoảng. Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đã xác định: Ứng phó với tình trạng bạo lực đối với phụ nữ trong môi trường phát triển và các tình huống nhân đạo chính là một mục tiêu ưu tiên của UNFPA.
Tuy nhiên tình trạng bạo lực giới vẫn đang tồn tại ở khắp mọi nơi. Bạo lực giới đang diễn ra hàng ngày chứ không chỉ trong các tình huống khủng hoảng. Nếu tính trên phạm vi toàn cầu, cứ ba phụ nữ thì có một người đã từng là nạn nhân của những hình thức bạo lực nào đó trong cuộc đời của mình.
Bạo lực giới cùng với các hành vi có hại như tảo hôn và cắt bộ phận sinh dục nữ là những sự vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền đối với phụ nữ và trẻ em gái. Chính những sự vi phạm này là nguyên nhân cướp đi tương lai tươi đẹp của họ đồng thời gây tổn hại tới sức khỏe và hạnh phúc của họ.
UNFPA đã cam kết thực hiện các nỗ lực nhằm đạt mục tiêu chấm dứt tình trạng bạo lực giới và các hành vi có hại vào năm 2030 – đây cũng là thời điểm mà Liên hợp quốc mong muốn đạt được các mục tiêu Phát triển bền vững.
UNFPA đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết các hậu quả về tinh thần và thể chất do bạo lực giới gây ra. Ngoài ra UNFPA cũng đang nỗ lực tổ chức các hoạt động nhằm thúc đẩy việc thực hiện các quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái để họ không phải gánh chịu tình trạng bạo lực đồng thời không bị ngược đãi hoặc lạm dụng. Chỉ tính riêng năm 2016, số người được hưởng lợi từ các hoạt động mà UNFPA thực hiện đã lên tới 11 triệu người thuộc 54 quốc gia.
Tại 155 quốc gia nơi UNFPA đang có mặt, UNFPA chủ yếu tập trung thực hiện các hoạt động hỗ trợ cho những nhóm dân số phụ nữ thuộc nhóm nghèo nhất, dễ bị tổn thương nhất và dễ bị đẩy ra ngoài lề xã hội nhất (như cô Shakila đã đề cập ở trên). Đây chính là nhóm dân số hiện đang nhận các dịch vụ chăm sóc y tế và các dịch vụ tư vấn từ các trung tâm do UNFPA hỗ trợ tại Cox's Bazar, Bangladesh.
Bằng việc giúp đỡ những nhóm dân số hiện đang tụt hậu nhất ở phía sau, UNFPA đã và đang góp phần thay đổi sự bất bình đẳng đang hiện hữu từ các góc độ khác nhau. Nhận định này được miêu tả chi tiết trong Báo cáo mới nhất về Tình trạng Dân số Thế giới do Quỹ Dân số Liên hợp quốc vừa mới công bố với tựa đề: “Một thế giới còn nhiều khác biệt: Sức khỏe sinh sản và Quyền sinh sản trong một kỷ nguyên bất bình đẳng”.
Trong ngày quốc tế Xóa bỏ tình trạng bạo lực đối với Phụ nữ, UNFPA, các cơ quan đối tác và hàng triệu người trên toàn thế giới đang cùng chung tay đánh dấu sự khởi đầu của chiến dịch vận động mang tên: “16 ngày vận động chống lại tình trạng bạo lực giới”. Đây là một hoạt động được thực hiện nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trên toàn thế giới về vấn nạn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trên toàn cầu. Năm nay khi chiến dịch vận động được khởi động, chúng ta có thể thấy ngày càng nhiều phụ nữ trên toàn thế giới dám lên tiếng một cách rõ ràng về tình trạng lạm dụng tình dục và bạo lực. Điều quan trọng hơn mà chúng ta có thể nhận ra là: cuối cùng tiếng nói của họ đã được chúng ta ghi nhận.
Ngày hôm nay chúng ta hãy cùng nhau tham gia vào dàn hợp xướng đòi hỏi sự thay đổi.
Tôi muốn nhân cơ hội này kêu gọi các chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự và các cộng đồng hãy cùng chung tay với UNFPA thực hiện các nỗ lực nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực và các hành vi gây tổn hại vào năm 2030. Chúng ta phải chấm dứt những vấn đề này, chấm dứt tội ác này và quan trọng hơn không bỏ ai lại phía sau.