Go Back Go Back
Go Back Go Back

"Tôi được cứu sống!" - Câu chuyện của Mai

"Tôi được cứu sống!" - Câu chuyện của Mai

Câu chuyện

"Tôi được cứu sống!" - Câu chuyện của Mai

calendar_today 03 April 2024

Mai
Mai, nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới.

“Tôi lấy chồng gia trưởng và thường xuyên bị chồng đánh ngay từ những ngày đầu mới cưới nhau. Nhưng mỗi lần bị chồng đánh thì gia đình bên chồng đều đổ lỗi cho tôi. Tôi chỉ biết im lặng và tự trách thân phận của mình. Nhưng may quá, nhờ có các cán bộ làm công tác xã hội ở Trung tâm Dịch vụ Một cửa mà tôi được cứu sống”, chị Mai, một giáo viên về hưu, một người bị bạo lực gia đình đã chia sẻ.

 

Chúng tôi gặp chị Mai*, 54 tuổi, tại một trong những Trung tâm Dịch vụ Một cửa được thành lập ở Việt Nam với sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc – UNFPA. Chị cho biết bây giờ chị sống độc lập, có kiến thức và cảm thấy tự tin vào tương lai của mình. Thật khó có thể tưởng tượng được chị đã chấp nhận cuộc sống khổ sở hơn 20 năm vì bị chồng đánh. Nhưng nỗi lo sợ vì những quan niệm kì thị xã hội đối với phụ nữ li hôn cũng như sợ con cái xấu hổ vì bố mẹ li dị đã kiến chị Mai cam chịu và không dám nói ra. Chị Mai kể lại cái ngày chồng chị say rượu sau khi đến nhà bạn về, anh ta đã đốt nhà và đập phá mọi thứ trong nhà của họ. Có người cản thì anh ta nói anh ta có quyền đập đồ của nhà anh ta. Quá hoảng sợ, chị cuối cùng đã tìm kiếm sự trợ giúp và chị đã được một người bạn hướng dẫn gọi điện thoại số 18001768, đường dây nóng hỗ trợ và bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực gia đình. Sau đó chị được tư vấn và hướng dẫn đến với Ngôi nhà Ánh Dương, Trung tâm Dịch vụ Một cửa được xây dựng để kết nối người bị bạo lực với các dịch vụ thiết yếu. Tại đây chị Mai đã biết và hiểu nhiều thông tin về quyền của phụ nữ và trẻ em gái; về Luật Hôn nhân và Gia đình; các kiến thức về bạo lực trên cơ sở giới và làm thế nào để chị có thể có một cuộc sống không có bạo lực. Chị Mai còn được hướng dẫn pháp lý để tiến hành thủ tục ly hôn. Nhờ có sự hỗ trợ của Ngôi nhà Ánh dương và quyền năng mà chị có được, chị Mai đã bước vào hành trình hướng tới một tương lai xán lạn hơn và đảm bảo hơn và chị còn có thể hỗ trợ những người phụ nữ khác trong cộng đồng, những người cũng bị bạo lực như chị.

 

Chị Mai rất biết ơn sự hỗ trợ nhiệt tình của các cán bộ cung cấp dịch vụ tại Ngôi nhà Ánh Dương. “Ngôi nhà Ánh Dương đã cho tôi cuộc sống thứ hai. Tôi được mọi người tôn trọng và tin tưởng. Từ nay tôi sẽ sống hạnh phúc bên các con tôi. Tôi mong Ngôi nhà Ánh Dương sẽ hỗ trợ cho nhiều phụ nữ như tôi, những người bị bạo lực giới và bạo lực gia đình.”

 

 

Ngôi nhà Ánh Dương và nhu cầu tiếp tục hỗ trợ người bị bạo lực giới

 

 

Bốn Trung tâm một cửa, được biết đến với cái tên “Ngôi nhà Ánh Dương” được thành lập với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của UNFPA phối hợp với Chính phủ Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia nhằm cung cấp các dịch vụ thiết yếu, toàn diện và tổng hợp cho phụ nữ và trẻ em gái đang gặp phải và/hoặc có nguy cơ bị bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới. Trung tâm cung cấp các dịch vụ, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tâm lý, tư vấn, dịch vụ xã hội, nhà tạm lánh, bảo vệ từ công an, dịch vụ pháp lý, tư pháp và chuyển gửi. Tất cả các dịch vụ được cung cấp tại Ngôi nhà Ánh Dương đều dựa trên nguyên tắc lấy người bị bạo lực làm trung tâm, trong đó người bị bạo lực được tôn trọng và nhân phẩm được bảo vệ, đồng thời đảm bảo về quyền riêng tư và bí mật.

 

Từ năm 2020 khi Ngôi nhà Ánh Dương đầu tiên được thành lập, gần 1.600 người bị bạo lực giới đã nhận hỗ trợ từ 4 Ngôi nhà Ánh Dương. Các đường dây nóng của 4 Ngôi nhà Ánh Dương cùng với đường dây nóng 18001768 của Hội Nông Dân Việt Nam đã nhận được hơn 3.500 cuộc gọi liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới.

 

Ngôi nhà Ánh Dương hiện tại đang có tại Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng và TP HCM. UNFPA đang lên kế hoạch hỗ trợ mở thêm 4 Ngôi nhà Ánh Dương nữa tại Việt Nam để có thể hỗ trợ thật nhiều phụ nữ và trẻ em gái.

 

UNFPA hiện cũng đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng quy chế phối hợp liên ngành trong công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cấp quốc gia và cấp địa phương, phù hợp với tiêu chuẩn thế giới nhằm đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Quy chế phối hợp liên ngành sẽ đảm bảo nỗ lực phòng chống và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được toàn diện và xuyên suốt và người bị bạo lực trên cơ sở giới có thể tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ một cách kịp thời và có chất lượng cho dù họ sống ở bất cứ đâu trong bất cứ hoàn cảnh nào.

 

Theo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam lần thứ 2 thực hiện năm 2019 với sự hỗ trợ của UNFPA, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 người (63%) từng phải chịu một trong các hình thức bạo lực như bạo lực thể chất, bạo lực tình dục, bạo lực tâm lý và/hoặc bị không chế hành vi do chồng hoặc bạn tình gây ra ít nhất một lần trong đời. Một nửa trong số những phụ nữ bị bạo lực lựa chọn giữ im lặng, và hơn 90% người bị BLG không tìm kiếm bất kỳ sự giúp đỡ nào.

 

* Tên của nhân vật đã được đổi để đảm bảo bí mật và riêng tư