Go Back Go Back
Go Back Go Back

"Tôi tưởng mình đã mất tất cả...": Hành trình tái thiết cuộc sống sau cơn bão Yagi

"Tôi tưởng mình đã mất tất cả...": Hành trình tái thiết cuộc sống sau cơn bão Yagi

Tin tức

"Tôi tưởng mình đã mất tất cả...": Hành trình tái thiết cuộc sống sau cơn bão Yagi

calendar_today 13 February 2025

"Tôi tưởng mình đã mất tất cả...": Hành trình tái thiết cuộc sống sau bão Yagi
"Tôi tưởng mình đã mất tất cả...": Hành trình tái thiết cuộc sống sau bão Yagi

Bảy năm ròng rã chăm sóc ngọn đồi keo để rồi chỉ trong vài ngày, siêu bão Yagi đã cướp đi tất cả. Chị Tuất, một người phụ nữ ngoài 30 đang sinh sống tại Xã Dân Chủ, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh, một trong những gia đình hộ nghèo, cận nghèo tại tỉnh, đã nhận về những giọt nước mắt. Siêu bão Yagi, siêu bão nhiệt đới lớn nhất châu Á trong năm 2024, đã quật đổ ngổn ngang ngọn đồi keo mà gia đình chị chăm trồng. 

Vốn là một gia đình khó khăn, chẳng có của ăn của để, cũng chẳng có con cái để nương tựa, vợ chồng chị Tuất ở chung với cậu em trai út, ngày ngày chỉ biết trông cậy và phụ thuộc vào thu nhập từ ngọn đồi keo - giờ đây nằm lặng yên, xơ xác, trơ trọi sau cơn bão Yagi. Khó khăn trăm bề và dễ có nguy cơ cao bị bạo lực trên cơ sở giới, chị Tuất chính là một trong những phụ nữ trong hoàn cảnh khó khăn nhận được hỗ trợ từ Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh hậu cơn bão Yagi.

Ms Tuat’s small and modest home in Hoanh Bo District, Quang Ninh Province
Căn nhà nhỏ của chị Tuất tại huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh

“Bão quật mất hết, đổ hết cây keo rồi. Còn ba sào lúa cũng đổ hết, không còn chỗ nào không đổ. Hôm bão xong, tôi ra xem cây xem lúa về mà ốm nằm bẹp cả hai ngày. Giờ chỉ còn xem có ai đến thu mua, vớt vát được gì thì vớt vát.” - vừa đón Đoàn vào trong căn nhà nhỏ và khiêm tốn, chị Tuất vừa nhìn xa xăm mãi về hướng ngọn đồi keo ấy.

Trước khi cơn bão tới, căn nhà có phần xa xôi nằm tận mãi chân dốc của chị vẫn là nơi chị mong đợi trở về mỗi ngày làm lụng vất vả ở đồi keo. Ấy vậy mà sau khi Yagi càn quét, gió quật, ngôi nhà bị tốc mái, ngay việc lợp lại mái nhà và vận chuyển đồ đạc cứu trợ không thôi cũng đã đòi hỏi những nỗ lực to lớn, đất lở chặn lối vào, xe cứu trợ phải đỗ cách gia đình tầm 100 mét để Đoàn mang đồ cứu trợ vào cho gia đình. Nghe đoàn cứu trợ trao đổi, chị mới ‘vỡ’ ra rằng chính địa hình xa xôi, cách trở, vô cùng khó khăn để di chuyển của nhà chị Tuất sau cơn bão đã làm tăng cao nguy cơ bị bạo lực mà không được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ cần thiết của chị.

Bối cảnh thiên tai như siêu bão Yagi thường làm gia tăng nguy cơ bị bạo lực giới do phụ nữ phải đối mặt với áp lực gia tăng trong chăm sóc gia đình và thiệt hại về kinh tế. Bên cạnh đó, bão lũ và sạt lở đất khiến các cơ sở vật chất thiết yếu như đường sá, cơ sở y tế, trung tâm cứu trợ xã hội… bị hư hại nặng nề, các dịch vụ hỗ trợ như đường dây nóng, mạng Internet… bị gián đoạn, khiến người có nguy cơ bị bạo lực rơi vào cảnh bị cô lập với các dịch vụ hỗ trợ và chăm sóc sức khỏe quan trọng.

Ms. Tuat carefully examined the items—flashlights, soap, shampoo, T-shirts, and underwear—her face lit up with a gentle smile.
Chị Tuất vui mừng mở bộ đồ dùng thiết yếu và chăm chú lắng nghe hướng dẫn từ cán bộ UNFPA tại Việt Nam

Sau những tháng ngày đầy khó khăn, niềm vui và sự an ủi cuối cùng đã đến bên chị Tuất. Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đã phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam tổ chức phân phát tổ đồ dùng thiết yếu dành cho phụ nữ, đến thăm hỏi và trao tận tay chị bộ đồ dùng tại ngôi nhà nhỏ xa xôi. Bộ đồ dùng gồm các đồ dùng thiết yếu như xà phòng, dầu gội, đèn pin; Tất cả đều được lựa chọn và thiết kế để phù hợp với nhu cầu về sức khỏe và vệ sinh của phụ nữ trong hoàn cảnh dễ bị tổn thương khi đối mặt với nguy cơ bạo lực. “Tôi chưa từng nghĩ sẽ có ngày những người lạ lại tới giúp mình thế này...,” Chị Tuất nói, đôi mắt rưng rưng khi tay lật mở từng món đồ trong bộ đồ dùng thiết yếu.

Slipping on her new sandals, Ms. Tuat takes a symbolic first step on a new journey
Chị Tuất xỏ chân vào đôi dép mới, lòng khấp khởi những hy vọng mới

“Chị ơi, chị thích món nào nhất trong bộ đồ dùng này ạ? Chị có muốn thay đổi món nào trong bộ đồ dùng này không?” - Một cán bộ của UNFPA ấm áp hỏi thăm chị Tuất.

“Tôi chả thấy phải thay món nào cả. Món nào tôi cũng thích. Thấy anh, chị đến là tôi mừng trong bụng rồi”. Chị Tuất cười, nụ cười sáng lên trên những nếp nhăn của thời gian. Xỏ chân vào đôi dép mới, chị cũng thấy lòng khấp khởi một niềm vui mới, khi bộ đồ dùng giúp chị phần nào yên tâm, an toàn hơn, đem đến cho chị sự hỗ trợ sau siêu bão.

Hơn cả ý nghĩa về mặt kinh tế, thực chất, rất nhiều những người phụ nữ khi nhận được bộ đồ dùng thiết yếu cho phụ nữ đã được trao hy vọng, trao niềm tin, tìm hiểu về những thông tin hữu ích và cần thiết để ứng phó khi rơi vào những hoàn cành ngặt nghèo nhất như bạo lực trên cơ sở giới. 

Chị Tuất chỉ là một trong số hàng nghìn phụ nữ nhận được hỗ trợ từ UNFPA tại Việt Nam nhằm khắc phục hậu quả của siêu bão Yagi. Tại các tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai, Thái Nguyên và Bắc Giang, 3.000 bộ đồ dùng thiết yếu đã được cấp phát cho phụ nữ bị ảnh hưởng bởi cơn bão; Hơn 12 tỷ đồng (500.000 USD) đã được huy động để hỗ trợ cho công tác cứu trợ khẩn cấp và khắc phục sau thiên tai cho Ngôi nhà Ánh Dương ở tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh lân cận.

Để ứng phó với hậu quả của cơn bão Yagi đối với các tỉnh miền Bắc Việt Nam, UNFPA tại Việt Nam đã huy động hơn 16 tỷ đồng để hỗ trợ cho các nhóm dễ bị tổn thương bị ảnh hưởng bởi siêu bão. UNFPA đã phân bổ các nguồn lực thiết yếu để đảm bảo lợi ích ngắn hạn và dài hạn cho các nhóm bị ảnh hưởng: 3.000 bộ đồ dùng thiết yếu dành cho phụ nữ đã được cấp phát, hỗ trợ tiền mặt cho 1250 phụ nữ mang thai để thúc đẩy sinh con an toàn tại các cơ sở y tế, hỗ trợ tiền mặt cho 835 người cao tuổi ở vùng sâu vùng xa, và vùng dân tộc thiểu số miền núi, cũng như hỗ trợ 500.000 đô la Mỹ cho các dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới tại tỉnh Quảng Ninh.

Câu chuyện của chị Tuất chỉ là một trong hàng nghìn câu chuyện tái thiết cuộc sống sau cơn bão. Tuy nhiên, câu chuyện ấy truyền tải một thông điệp: Ngay trong thời điểm khó khăn nhất, những hành động nhân ái nhỏ bé sẽ là nguồn động lực vô giá cho sự chuyển mình mạnh mẽ, hướng tới tương lai.

Liên hệ truyền thông