Bạn đang ở đây

Hà Nội, ngày 24 tháng 3 năm 2022: Việt Nam đã và đang quyết tâm chấm dứt bạo lực gia đình (BLGĐ) thông qua việc ưu tiên sửa đổi pháp luật, chính sách về phòng chống BLGĐ, nâng cao nhận thức nhằm chuyển đổi hành vi của người dân một cách hiệu quả.

 

Tuyên bố này được nhấn mạnh trong hội thảo do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày hôm nay tại Hà Nội, với sự hợp tác của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc – UNFPA và tài trợ từ Chính phủ Australia theo Dự án: “Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em giai đoạn 2021-2025”. Hội thảo thảo luận việc thực hiện Chương trình Quốc gia mới về Phòng chống BLGĐ, do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 1/2022.

 

Hội nghị đã thảo luận các giải pháp chính của Chương trình về phòng chống BLGĐ trong tình hình mới đến năm 2025. Các giải pháp bao gồm: Hoàn thiện pháp luật, chính sách về phòng, chống bạo lực gia đình; Tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo và phối hợp liên ngành giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình; Xây dựng và vận hành hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ, phòng ngừa bạo lực gia đình; Thông tin, giáo dục, truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình; Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình các cấp, các ngành; Hợp tác quốc tế; nghiên cứu khoa học; xây dựng cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình; Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.

 

Nội dung thảo luận còn tập trung vào các biện pháp cụ thể liên quan đến phòng chống BLGĐ, về việc thực hiện các hoạt động tuyên truyền và giáo dục, nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp, ngành, đồng thời tăng cường hợp tác và xây dựng/quản lý dữ liệu.

 

Đại biện lâm thời Đại Sứ Quán Australia tại Việt Nam ông Mark Tattersal nhấn mạnh: “Không có xã hội nào miễn dịch với bạo lực gia đình và không có quốc gia nào kể cả Australia và Việt Nam có thể khoanh tay trước nạn bạo lực gia đình. Australia cam kết cùng với Việt Nam và hỗ trợ việc thực hiện mục tiêu của Chương trình về phòng chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025.”

 

Trong bài phát biểu khai mạc, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, Bà Naomi Kitahara khẳng định UNFPA rất vinh dự được hỗ trợ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về kỹ thuật trong công tác xây dựng Chương trình về Phòng chống BLGĐ trong tình hình mới đến năm 2025 cũng như các kế hoạch thực hiện của Bộ trong thời gian tới nhằm mục đích hỗ trợ, bảo vệ người bị bạo lực gia đình và nâng cao nhận thức cho người gây bạo lực gia đình.

 

Bà Naomi Kitahara cho biết: “Tôi rất tự hào về mức cam kết mà Việt Nam đạt được trong nỗ lực xóa bỏ BLGĐ trên cả nước, và trong 5 năm tới, UNFPA sẽ cam kết hỗ trợ Bộ VH-TT-DL thực hiện Chương trình nhằm đảm bảo tất cả phụ nữ và trẻ em Việt Nam, bao gồm cả nhóm đối tượng dễ tổn thương nhất, được sống một cuộc sống không có bạo lực.”

 

Tại hội nghị, hai Quyết định của Thủ tưởng Chính phủ là Chiến lược Phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030 cũng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình bày. Đây là những quyết định quan trọng về công tác gia đình từ nay đến năm 2030.

 

Thành phần tham gia hội nghị gồm có đại diện từ các Bộ liên quan, trong đó có Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Công an; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế... Ngoài ra còn có sự góp mặt của đại diện chính quyền địa phương từ 63 tỉnh thành, các đối tác phát triển, cơ quan Liên Hợp Quốc, cũng như các tổ chức đoàn thể và tổ chức xã hội.

 

Thông tin thêm dành cho các biên tập viên:

  • Điều tra Quốc gia về Bạo lực đối với phụ nữ tại Việt Nam năm 2019 do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện, với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Bộ Ngoại giao và Thương mại Ốt-xtrây-li-a (DFAT), Đại sứ quán Ốt- xtrây-li-a tại Việt Nam cho thấy có ít sự thay đổi về mức độ phổ biến của bạo lực phụ nữ so với điều tra lần đầu tiên vào năm 2010. Kết quả điều tra cho thấy 62,9% phụ nữ Việt Nam từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực, trong đó có bạo lực thể chất, kinh tế, tinh thần, kiểm soát hành vi và bạo lực tình dục. 90,4% nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới không tìm kiếm sự trợ giúp từ chính quyền và một nửa trong số đó chưa từng kể với ai về tình trạng bị bạo lực của mình. Ước tính bạo lực phụ nữ gây thiệt hại cho Việt Nam tương đương 1,81% GDP vào năm 2018.
  • Các mục tiêu chính của Chương trình về phòng chống BLGĐ trong tình hình mới đến năm 2025 bao gồm: trên 70% người có nguy cơ bị BLGĐ được trang bị kiến thức và kỹ năng ứng phó với BLGĐ; 95% nạn nhân phát hiện bị BLGĐ được bảo vệ, trợ giúp pháp lý và chăm sóc y tế; 95% xã, phường, thị trấn triển khai và duy trì Mô hình Phòng chống BLGĐ; và 90% người trực tiếp tham gia công tác phòng chống BLGĐ được đào tạo về kiến thức, kỹ năng và nghiệp vụ phòng chống BLGĐ, cùng với những nội dung khác.

 

Để biết thêm thông tin, xin vui lòng liên hệ:

  • Cán bộ Truyền thông UNFPA: Bà Đinh Thu Hương,

email: dhuong@unfpa.org; Điện thoại: 0913301539

  • Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Ông Phạm Quốc Nhật,

email: quocnhat.vugiadinh@gmail.com; Điện thoại: 0988741639