Việt Nam đã đạt được những tiến bộ trong việc thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới thuộc Mục tiêu 3 của Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, và đã phê chuẩn Kế hoạch Hành động Quốc gia tháng 5 năm 2017 như một khung hướng dẫn thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững cho Việt Nam tới năm 2030. Khung pháp lý nhằm bảo đảm bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ đã được tăng cường hơn. Tuy nhiên, những biểu hiện của bất bình đẳng giới như bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, tình trạng tảo hôn và lựa chọn giới tính thai nhi vẫn còn tồn tại.
Chính phủ Việt Nam đã công nhận vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh và đang nỗ lực giải quyết vấn đề này thông qua các chính sách và luật pháp nhằm đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức bình thường về mặt sinh học vào năm 2025 với sự hỗ trợ của văn phòng UNFPA quốc gia. Để đạt được mục tiêu đầy tham vọng này, một số lĩnh vực can thiệp cần được thực hiện, bao gồm các hoạt động truyền thông cần nhằm đúng vào các đối tượng đích và hiệu quả hơn để thay đổi các chuẩn mực xã hội và thực hành phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái, thực thi pháp luật cần nghiêm minh hơn nhưng không hạn chế khả năng thực hiện quyền sinh sản của phụ nữ, thực hiện việc giám sát một cách kịp thời và theo cách tin cậy hơn, thực hiện việc thu thập dữ liệu để theo dõi những động thái thay đổi tỷ số giới tính khi sinh và những tác động của các hoạt động can thiệp.
Tài liệu này được chuẩn bị dựa trên các dữ liệu, thông tin và kết quả của nhiều cuộc khảo sát về dân số và tổng điều tra dân số, và từ các nghiên cứu do các đối tác khác nhau thực hiện tại Việt Nam, bao gồm Bộ Y tế/Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình, Tổng cục Thống kê, Ủy ban Các Vấn đề xã hội của Quốc hội (PCSA), và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Chương trình mang lại giá trị lớn trong việc giải quyết những nguyên nhân tồn tại dai dẳng của tình trạng ưa thích con trai và là nỗ lực chung tay cùng với Chính phủ Việt Nam nhằm giải quyết các vấn đề một cách toàn diện và trên cơ sở bằng chứng.