Go Back Go Back
Go Back Go Back

Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ

Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ

Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ

Bình đẳng giới là quyền của con người. Phụ nữ được quyền sống xứng đáng với nhân phẩm, có thể làm điều mình mong muốn và không sợ hãi. Bình đẳng giới còn là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy sự phát triển và giảm nghèo. Phụ nữ được trao quyền sẽ góp phần cải thiện sức khỏe và năng suất lao động của cả gia đình và cộng đồng, đồng thời củng cố triển vọng cho thế hệ tương lai. 
 
Bạo lực dựa trên cơ sở giới (BLG) là một biểu hiện của bất bình đẳng giới được duy trì bởi cấu trúc quyền lực và mối quan hệ bất bình đẳng giữa nam và nữ. Tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ (BLPN) của Việt Nam vẫn ở mức cao, và chưa được giải quyết hiệu quả. Kết quả nghiên cứu quốc gia năm 2019 về bạo lực đối với phụ nữ (BLPN) cho thấy gần 2/3 phụ nữ trong độ tuổi từ 15-64 đã từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực về thể chất, tình dục, tinh thần (cảm xúc và hành vi kiểm soát) và/hoặc bạo lực kinh tế bởi chồng/bạn tình ở một số thời điểm trong cuộc đời và 31,6% trong 12 tháng qua. BLPN vẫn bị che giấu khi hơn 90% không tìm kiếm sự trợ giúp từ các dịch vụ công và một nửa số phụ nữ bị bạo lực không nói với ai về tình trạng của mình. BLPN không chỉ gây hậu quả nặng nề cho bản thân người phụ nữ mà còn cho nền kinh tế quốc dân. Tổn thất năng suất lao động quốc gia do BLPN tương đương 1,81% GDP năm 2018 ở Việt Nam – một tổn thất không nhỏ đối với nền kinh tế quốc dân. 
 
Lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới được xác định là nguyên nhân chính dẫn đến mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) ở Việt Nam. Yếu tố chính thúc đẩy hành vi lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới của nhiều cặp vợ chồng là tâm lý ưa thích có con trai, vốn bắt nguồn từ văn hóa truyền thống và hệ thống gia đình phụ hệ. Con trai trưởng thành thường có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ về già, vì vậy thường ở chung nhà với cha mẹ. Các chuẩn mực tôn giáo và xã hội đòi hỏi con trai phải đảm nhận việc thờ cúng tổ tiên và các sự kiện quan trọng khác trong cuộc sống. Về mặt xã hội, có con trai giúp nâng cao địa vị của cha mẹ và con trai thường được ưu ái trong thừa kế đất đai, tài sản. Tâm lý ưa thích có con trai là biểu hiện mạnh mẽ của bất bình đẳng giới và phân biệt đối xử đối với nữ giới. Tổng hợp ba yếu tố là tâm lý ưa thích có con trai, sự phổ biến của công nghệ lựa chọn giới tính, mức sinh thấp và hạn chế đã tạo điều kiện văn hóa - xã hội cho hành vi lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới thiên về con trai, tăng tình trạng mất cân bằng TSGTKS lên 111,5 bé trai/ 100 bé gái vào năm 2019, cao thứ ba châu Á sau Trung Quốc và Ấn Độ. Ở một số tỉnh, TSGTKS mất cân bằng này thậm chí còn vượt quá 126. Khi so sánh với TSGTKS tự nhiên (105 bé trai/100 bé gái), thực trạng tại Việt Nam cho thấy mức thiếu hụt trẻ em gái năm 2019 là 45.900 trẻ. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ gây ra tác động về nhân khẩu học. Ví dụ, đối với nhóm tuổi trưởng thành từ 15–49 tuổi, số lượng nam giới sẽ nhiều hơn nữ giới 1,5 triệu người vào năm 2034. Con số này ước tính sẽ tiếp tục tăng lên gần 2,5 triệu nam giới dư thừa vào năm 2059 nếu TSGTKS không giảm. Đó là xu hướng mà các nhà nhân khẩu học thường gọi là “sức ép hôn nhân”, trong đó nam giới có xu hướng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm kiếm bạn đời. Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ không chỉ ảnh hưởng đến nam giới mà còn ảnh hưởng đến nữ giới, và số lượng phụ nữ giảm không có nghĩa là giá trị của phụ nữ và trẻ em gái tăng lên. Ngược lại, nỗ lực tìm kiếm bạn tình có thể khiến nạn tảo hôn, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái, bạo lực đối với phụ nữ và mại dâm gia tăng đáng kể.
 
UNFPA tại Việt Nam 
 
Để đạt được những kết quả mang tính chuyển đổi của UNFPA, hướng đến mục tiêu không để xảy ra bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái cũng như các thực hành có hại khác, UNFPA Việt Nam ưu tiên: 

  • Vận động dựa trên bằng chứng và tư vấn chuyên môn nhằm sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cùng các luật và chính sách liên quan khác phù hợp với những thực hành tốt nhất trên thế giới nếu thích hợp, bao gồm xây dựng các Nghị định triển khai Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi và Nghị định thu thập và quản lý dữ liệu; và hỗ trợ xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính; 
  • Các sáng kiến ​​huy động cộng đồng dựa trên bằng chứng trong bối cảnh chuyển đổi số, đặc biệt hướng đến đối tượng thanh niên và trẻ vị thành niên, với sự tham gia của nam giới và trẻ em trai nhằm ngăn chặn BLG và các thực hành có hại tập trung vào các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm các sáng kiến để giải quyết bạo lực giới có sử dụng công nghệ và lạm dụng hình ảnh;
  • Thí điểm các chiến lược dựa trên bằng chứng và sáng tạo nhằm thu hút sự tham gia của nam giới, từ đó giải quyết vấn đề nam tính độc hại và vun đắp các mối quan hệ lành mạnh. Thực hành nhân rộng chương trình Làm cha trách nhiệm tại Bắc Ninh, Đà Nẵng và Lâm Đồng từ năm 2023 và nhân rộng chương trình tại Khánh Hòa và Hà Tĩnh vào năm 2025.

Ngoài ra, UNFPA Việt Nam còn phát triển các hệ thống toàn diện, phối hợp ở cấp trung ương và địa phương để cung cấp các dịch vụ đa ngành chất lượng cao cho nạn nhân BLG. Chương trình được đề xuất sẽ hỗ trợ: 

  • Cơ quan nhà nước mở rộng và thể chế hóa các trung tâm dịch vụ một cửa chuyên cung cấp các dịch vụ hỗ trợ hòa nhập phù hợp với Hướng dẫn về Gói Dịch vụ Thiết yếu của Liên hợp quốc, trong đó có chăm sóc sức khỏe và tâm lý, các dịch vụ xã hội, đảm bảo an ninh và tư vấn pháp luật. Hiện tại, có 04 trung tâm dịch vụ một cửa đang hoạt động, với kế hoạch thành lập và vận hành thêm 02 trung tâm mới trong năm 2024 và 02 trung tâm nữa trong khuôn khổ dự án do KOICA tài trợ đến năm 2027. Ngoài ra, tiếp tục duy trì và vận hành đường dây nóng quốc gia để cung cấp thông tin và hỗ trợ khẩn cấp cho hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực thông qua các dịch vụ tư vấn tâm lý, hỗ trợ khẩn cấp và chuyển gửi tới các dịch vụ thiết yếu, đảm bảo người bị bạo lực nhận được sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả; 
  • Xây dựng các hướng dẫn quốc gia về phối hợp đa ngành ứng phó với BLG, làm rõ vai trò và trách nhiệm của từng ngành và thiết lập cơ chế chuyển gửi để cung cấp dịch vụ lấy nạn nhân làm trung tâm bao gồm NKT, dân tộc thiểu số và lao động nhập cư; 
  • Tăng cường quản trị, phối hợp đa ngành ở cấp trung ương và địa phương, áp dụng cho chương trình về mối quan hệ giữa nhân đạo và phát triển; và 
  • Tăng cường hệ thống dữ liệu hành chính về BLG để đảm bảo thu thập dữ liệu lấy nạn nhân làm trung tâm, từ đó tăng cường xây dựng chương trình về BLG. 

Chủ đề khác

Không có nội dung có sẵn