Go Back Go Back
Go Back Go Back

Bài phát biểu của Bà Đỗ Thị Thu Hà, Phụ trách văn phòng UNFPA tại Tòa đàm về Bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái

Bài phát biểu của Bà Đỗ Thị Thu Hà, Phụ trách văn phòng UNFPA tại Tòa đàm về Bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái

Tuyên bố

Bài phát biểu của Bà Đỗ Thị Thu Hà, Phụ trách văn phòng UNFPA tại Tòa đàm về Bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái

calendar_today 05 December 2018

Kính thưa:

Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng bộ Lao động, Thương binh và Xã hội;

Ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ Trưởng vụ Bình đẳng giới, bộ Lao động, Thương binh và Xã hội;

Đại diện từ Văn phòng chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, các bộ ngành liên quan;

Đại diện các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực, bị xâm hại tình dục;

Đại diện các tổ chức Quốc tế, các tổ chức xã hội, các cơ quan Liên hợp quốc, các cơ quan báo chí;

Thưa toàn thể quý vị,

Thay mặt Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) tại Việt Nam, tôi rất hân hạnh được chào đón các quý vị tới dự diễn đàn này. Tôi xin cảm ơn Bộ LĐTBXH đã đồng tổ chức sự kiện quan trọng này, cũng như tất cả các quý vị đã tham gia sự kiện ngày hôm nay để cùng chia sẻ, đưa vấn đề Bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái ra thảo luận trong diễn đàn ngày hôm nay.

Bạo lực tình dục xảy ra trên toàn thế giới và phần lớn nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái với tỷ lệ nạn nhân cao hơn ở độ tuổi thanh niên và thiếu niên.  Mặc dù nghiên cứu về vấn đề này không nhiều nhưng số liệu ở một số nước cho thấy cứ bốn phụ nữ thì có một người bị bạo lực tình dục và một phần ba các em nữ ở độ tuổi vị thành niên chia sẻ lần đầu tiên quan hệ tình dục của họ là do bị cưỡng ép.

Việt Nam không phải là ngoại lệ. Kết quả điều tra năm 2016 của Bộ LĐTBXH và Tổ chức ActionAid tại năm tỉnh và thành phố cho thấy 51% phụ nữ thừa nhận rằng họ đã từng bị quấy rối tình dục ít nhất một lần.

Kính thưa quý vị đại biểu,

Bạo lực và quấy rối tình dục thường được coi là chủ đề nhạy cảm để chia sẻ, thảo luận trước công chúng. Hơn nữa những định kiến chống lại nạn nhân bạo lực tình dục đã làm cho họ chưa được bảo vệ một cách đầy đủ và phải đối mặt với những hậu quả tiêu cực khi lên tiếng và đi tìm công lý. Họ thường bị đổ lỗi và còn bị cho là phải chịu trách nhiệm đối với những hành vi bạo lực hay quấy rối. Chính vì điều đó, nhiều người đã không tin vào các câu chuyện mà phụ nữ đã chia sẻ, thậm chí có người còn quay lưng chống lại họ, đẩy họ vào tình thế im lặng.

Một nghiên cứu ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội năm 2014 cho thấy trong số những người bị quấy rối tình dục được phỏng vấn, chỉ có 1,9% nói rằng họ đã tìm kiễm hỗ trợ từ cơ quan chức năng, còn trong số những người đã chứng kiến phụ nữ bị quấy rối ở khu vực công cộng, 65% chia sẻ đã không thực hiện bất kỳ hành động hỗ trợ nào giúp nạn nhân. Mọi người thường cho rằng bạo lực tình dục chỉ xảy ra bên ngoài gia đình và do người lạ gây ra, trong khi thực tế lại không phải như vậy. Nhiều phụ nữ không an toàn trong nhà riêng của họ, họ bị chồng ép hoặc cưỡng bức quan hệ tình dục khi họ không muốn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nạn nhân đã không nói ra.

Vấn đề bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái đã bắt đầu thu hút được sự quan tâm nhiều hơn của chính phủ cũng như người dân Việt Nam. Nhiều nỗ lực nhằm ngăn chặn và ứng phó với các hình thức bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái được thực hiện nhằm thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của người dân cũng như của các nhà hoạch định và thực thi chính sách. Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012 có quy định nghiêm cấm quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Luật Giáo dục (2009) có quy định xử lý việc xâm phạm nhân phẩm, thân thể nhà giáo, ngược đãi, hành hạ học trò trong các cơ sở giáo dục. Luật Thanh niên năm 2005 cũng quy định trách nhiệm của Nhà nước phải bảo vệ thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi không bị xâm hại tình dục. Tuy nhiên, các thực tế cho thấy việc thực thi các quy định trong các luât vẫn còn chưa chặt chẽ và các nỗ lực giám sát cần phải được cải thiện.

Thưa quý vị,

Trong những năm qua, phong trào #MeToo đã nhanh chóng lan truyền trên phương tiện truyền thông xã hội trên toàn thế giới để giúp chứng minh sự phổ biến rộng rãi của vấn đề quấy rối và bạo hành tình dục, đặc biệt là tại nơi làm việc. Việc phụ nữ từ tất cả các vùng miền, tầng lớp xã hội cùng lên tiếng về vấn đề này đã đưa sự nghiêm trọng của việc quấy rối tình dục ra ánh sáng và thể hiện sức mạnh của phong trào phụ nữ nhằm thúc đẩy hành động và nhận thức cần thiết để xóa bỏ quấy rối và bạo lực ở khắp mọi nơi.

Năm nay, chiến dịch toàn cầu của Liên hợp quốc - "UNiTE" chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái nhấn mạnh sự ủng hộ cho những nạn nhân và những nhà vận động quyền vì bình đẳng giới. Với màu cam là màu chủ đạo của tình đoàn kết, #HearMeToo (Haylangnghetoi) nhắn gửi một thông điệp rõ ràng “Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái phải kết thúc ngay bây giờ và tất cả chúng ta đều đóng vai trò quan trọng”.

Tại Việt Nam, một số các cô gái đã dũng cảm chia sẻ câu chuyện của họ bị quấy rối tình dục trên mạng xã hội. UNFPA và các cơ quan Liên Hợp Quốc hoan nghênh sự dũng cảm của của các cô gái đó và chính các cô đã khuyến khích sự liên tiếng và trở thành “người phá vỡ sự im lặng” ở Việt Nam về vấn đề quấy rối và bạo lực tình dục.

Thưa quý vị đại biểu,  

Để giải quyết vấn đề bạo lực tình dục từ nhiều phía khác nhau, tôi muốn nhấn mạnh:

Đầu tiên, cần thiết lập các dịch vụ hỗ trợ có chất lượng bao gồm chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tâm lý, an toàn, trợ giúp pháp lý và hệ thống tư vấn hỗ trợ thông tin sẵn có và dễ tiếp cận với nạn nhân của bạo lực tình dục. Để đảm bảo các dịch vụ này được cung cấp một cách hiệu quả, một cách tiếp cận đa ngành được phối hợp tốt là hoàn toàn cần thiết. Sự phối hợp giữa các ngành là điều cần thiết để giảm thiểu các tác động có hại và ngăn ngừa các tổn thương và thiệt hại không đáng có.

Thứ hai, điều quan trọng là phải thay đổi tư duy và thái độ của người dân về bạo lực giới, đặc biệt là bạo lực tình dục, bao gồm quấy rối tình dục. Nam giới cần phải nhận ra rằng phụ nữ bình đẳng với họ, và tôn trọng quyền của phụ nữ để đảm bảo phụ nữ được an toàn trong bất kỳ môi trường nào ở nhà, nơi làm việc hay ở nơi công cộng. Hầu hết nam giới là những người ra quyết định trong xã hội và trong gia đình, vì vậy nam giới sẽ là tác nhân để thay đổi và ngăn chặn bạo lực giới. Các mô hình vai trò nam giới tích cực cần phải được xác định và khuyến khích để ủng hộ cho sự thay đổi xã hội.

Thứ ba, điều quan trọng là phải có số liệu thống kê quốc gia toàn diện về bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái trong mọi môi trường. Tôi rất vui khi thông báo rằng với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại của Úc DFAT, UNFPA đã phối hợp với Bộ LĐTBXH và Tổng cục Thống kê để cập nhật các số liệu cũng như mở rộng phạm vi khảo sát quốc gia về bạo lực trên cơ sở giới lần 2. Dữ liệu từ cuộc khảo sát quốc gia này sẽ cung cấp bằng chứng quan trọng làm cơ sở cho việc xây dựng các hoạt động để chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.

Cuối cùng, cần cải thiện các luật hiện hành và việc thực thi pháp luật cũng là việc rất quan trọng để đảm bảo công lý được thực thi với các trường hợp bạo lực tình dục. Điều này phù hợp với các khuyến nghị gần đây của Ủy ban xoá bỏ phân biệt đối xử đối với phụ nữ, trong đó nêu bật sự cần thiết phải đưa ra xét xử mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ.

Thưa các vị khách quý,

UNFPA luôn coi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là sự vi phạm quyền con người và ngăn chặn bạo lực trên cơ sở giới là ưu tiên hàng đầu. UNFPA cùng với các cơ quan đối tác của LHQ tại Việt Nam cam kết tiếp tục hỗ trợ Chính phủ và các tổ chức xã hội, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái và thúc đẩy bình đẳng giới.

Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững cam kết không để lại ai phía sau. Điều đó có nghĩa là tất cả chúng ta cần làm việc cùng nhau để đảm bảo các quyền của phụ nữ và trẻ em gái được thực hiện toàn diện, phụ nữ không phải sống trong sợ hãi, được đối xử bình đẳng và tôn trọng

Xin cảm ơn!