Bạn đang ở đây

Hà Nội, ngày 27/3/2013 - Trong vòng 50 năm qua, nhiều quốc gia Đông Á đã chứng kiến sự suy giảm rõ rệt của Tổng tỷ suất sinh (TFR), cụ thể là đã giảm từ 5 con hoặc hơn 5 con trên một phụ nữ giai đoạn 1965-1970 xuống còn thấp hơn mức sinh thay thế là 2,1 con trên một phụ nữ giai đoạn 2005-2010. Các quốc gia có xu hướng giảm sinh cần phải nhìn thấy được những hậu quả của sự suy giảm này và bắt đầu chuẩn bị các chính sách ứng phó để giải quyết những thách thức của việc giảm sinh. Các phát hiện này đã được trình bày tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm về Chính sách ứng phó với xu hướng Giảm sinh" do Bộ Y tế và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam đồng tổ chức ngày hôm nay tại Hà Nội.Tham dự Hội thảo là các đại diện đến từ Bộ Y tế, các nhà khoa học, các nhà nhân khẩu học, các chuyên gia trong nước, các Viện nghiên cứu, các cơ quan Chính phủ cấp trung ương và địa phương, các tổ chức Liên Hợp Quốc, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế ở Việt Nam. Ngoài ra, còn có các chuyên gia quốc tế từ Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Sing-ga-po và Thái Lan đến tham dự và chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình cho biết Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế là 1,99 con trên một phụ nữ vào năm 2011.  Do mức sinh giảm và tuổi thọ tăng cao, cấu trúc dân số của Việt Nam đã và đang thay đổi trong thời gian tới. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng kinh nghiệm và bài học từ các quốc gia trong khu vực về chính sách ứng phó với xu hướng giảm sinh sẽ rất hữu ích cho Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến dân số, giúp việc xây dựng và thực hiện luật Dân số phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Theo các chuyên gia quốc tế, trong khi một số quốc gia trong khu vực đang trong thời kỳ giảm sinh và gần đạt được mức sinh thay thế thì nhiều quốc gia đã đạt mức sinh rất thấp trong giai đoạn 2005-2010: ví dụ như Trung Quốc đạt 1,64; Thái Lan là 1,63; Hàn Quốc là 1,29; và Sing-ga-po là 1,25 con trên một phụ nữ. Tuy nhiên, ở các quốc gia này bao gồm cả Việt Nam, việc giảm sinh vẫn chưa đồng đều giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa các vùng địa lý, các nhóm dân tộc thiểu số và phụ nữ có trình độ học vấn khác nhau. Trong các bài trình bày của mình, các chuyên gia đã nhấn mạnh mối quan hệ giữa mức sinh và tiếp cận phổ cập tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục có chất lượng. Khi mà mức sinh ngày càng giảm thì nhu cầu tiếp cận phổ cập các dịch vụ sức khỏe sinh sản toàn diện và có chất lượng lại ngày càng tăng.

Các bài trình bày cũng cho thấy do mức sinh thấp, số trẻ em được sinh ra ngày càng ít và nhóm người cao tuổi ngày càng đông. Sự thay đổi về cấu trúc tuổi của dân số và già hóa dân số là hệ quả của mức sinh thấp.  Nhóm dân số dưới 15 tuổi sẽ giảm liên tục trong khi nhóm dân số trên 60 tuổi hoặc cao hơn sẽ tăng trong giai đoạn 2000 đến 2050. Dân số ở Hàn Quốc và Sing-ga-po sẽ đối mặt với việc suy giảm dân số trong độ tuổi lao động trong vòng 50 năm nữa. Dự đoán số người trên 80 tuổi ở hai quốc gia này sẽ tăng gấp gần 10 lần trong vòng 50 năm nữa.

Bà Mandeep K. O'Brien, Quyền Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh: "Việt Nam đang trải qua thời kỳ chuyển đổi nhân kh ẩu học duy nhất trong lịch sử: nhóm dân số trẻ đông đảo; nhóm dân số cao tuổi đang tăng cao và mất cân bằng giới tính khi sinh. Chính vì vậy, Luật Dân số sắp tới cần phải giải quyết các cơ hội và thách thức của việc chuyển đổi nhân kh ẩu học duy nhất này nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi người. Cần phải áp dụng cách tiếp cận toàn diện đối với sự chuyển đổi nhân khẩu học này, đó là cách tiếp cận hướng tới sự phát triển bền vững và theo nguyên tắc tự nguyện và dựa trên quyền".
 
Kết quả của Hội thảo sẽ cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách và các cơ quan luật pháp các bằng chứng từ các nghiên cứu và quá trình thực hiện chính sách của các quốc gia đã trải qua thời kỳ thay đổi nhân khẩu học tương tự như Việt Nam. Ngoài ra, một số khuyến nghị về chính sách cũng được chia sẻ tại Hội thảo, điều này sẽ giúp Việt Nam trong việc xây dựng khung chính sách và luật pháp toàn diện hơn để giải quyết các thách thức của việc giảm mức sinh.