Go Back Go Back
Go Back Go Back

UNFPA và KOICA cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới

UNFPA và KOICA cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới

Thông cáo báo chí

UNFPA và KOICA cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới

calendar_today 13 January 2025

Hình ảnh minh họa
Hình ảnh minh họa

Hà Nội, ngày 13/1/2025: Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã tài trợ 5,5 triệu USD cho hai dự án mới, với hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính từ UNFPA, nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là các nhóm yếu thế như người khuyết tật và cộng đồng LGBTQI+. 

Hôm nay, ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam và ông Lee Byung Hwa, Giám đốc Quốc gia Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam đã cùng khởi động hai dự án quan trọng do KOICA tài trợ nhằm i) thúc đẩy nhân rộng mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa, hay còn gọi là Ngôi nhà Ánh Dương, tại các địa phương khác trên khắp Việt Nam và ii) hỗ trợ công tác cứu trợ khẩn cấp, phục hồi sau thiên tai cho Ngôi nhà Ánh Dương tại tỉnh Quảng Ninh. UNFPA Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các bộ, ngành liên quan khác cũng như chính quyền địa phương của các tỉnh Quảng Ninh, Hà Tĩnh và Khánh Hòa để hoàn thành dự án vào cuối năm 2027. 

Với sự hỗ trợ của KOICA trong giai đoạn 1 của dự án “Xây dựng mô hình hỗ trợ phòng,ngừa và ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam” giai đoạn 2017-2021, Trung tâm dịch vụ một cửa (OSSC) đầu tiên (Ngôi nhà Ánh Dương) đã được thành lập và đi vào hoạt động tại tỉnh Quảng Ninh vào năm 2020, với mục tiêu cung cấp dịch vụ toàn diện cho những người bị bạo lực trên cơ sở giới. 

Năm 2022, KOICA và UNFPA cam kết thực hiện dự án giai đoạn nối tiếp lần 1 để duy trì và phát huy những thành tựu đã đạt được trong giai đoạn đầu của dự án, đồng thời đảm bảo hoạt động bền vững, lâu dài của Ngôi nhà Ánh Dương tại Quảng Ninh.

Tiếp nối thành công của hai dự án này, KOICA quyết định tài trợ cho dự án giai đoạn 2 mang tên “Thúc đẩy nhân rộng mô hình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam nhằm tăng cường hỗ trợ cung cấp dịch vụ cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực”. Dự án này sẽ hỗ trợ việc thành lập và vận hành mô hình Nhà Ánh Dương tại các địa phương khác, góp phần củng cố công tác ứng phó liên ngành trong quá trình xử lý bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở cấp trung ương và địa phương. Sáng kiến sẽ ưu tiên các nhóm yếu thế, bao gồm người khuyết tật và cộng đồng LGBTQI+. Dự án tập trung nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động, công đoàn và cộng đồng về bạo lực và quấy rối tình dục tại nơi làm việc, đặc biệt là tại các khu công nghiệp. Một nội dung cốt lõi của dự án này là thay đổi hành vi, khuyến khích sự tham gia của nam giới và trẻ em trai trong các chiến dịch truyền thông có mục tiêu để thúc đẩy nam tính tích cực và giải quyết nguyên nhân gốc rễ của bạo lực.

Ngoài ra, KOICA sẽ tài trợ dự án giai đoạn nối tiếp lần 2 được triển khai vào năm 2025 nhằm “Hỗ trợ công tác cứu trợ khẩn cấp và phục hồi sau thiên tai cho Trung tâm dịch vụ một cửa Quảng Ninh”. UNFPA sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực phòng chống thiên tai ở cấp địa phương và trung ương, qua đó đảm bảo các cộng đồng được trang bị kỹ năng để ứng phó với các tình huống khẩn cấp về bạo lực trên cơ sở giới.

Trong bài phát biểu tại lễ công bố và khởi động hai Dự án mới, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, ông Matt Jackson, đã nhấn mạnh: “Hai dự án mới do KOICA tài trợ nhằm thúc đẩy những nỗ lực trong công tác ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và đảm bảo cung cấp liên tục các dịch vụ hỗ trợ cho người bị bạo lực ở Việt Nam. Đây là những hỗ trợ kịp thời và có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt là khi Việt Nam vẫn đang trong quá trình phục hồi sau những thiệt hại nghiêm trọng trên diện rộng mà Bão Yagi gây ra vào năm ngoái. Các dự án mới này cũng là cơ hội để Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm và những thực hành tốt nhất của quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.”

Bên cạnh đó, các dự án này cũng hỗ trợ việc thực hiện Chương trình Quốc gia của Việt Nam  Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (giai đoạn 2021 - 2025); Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới (giai đoạn 2021-2030) và Luật phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2022, đồng thời phù hợp với các cam kết của Việt Nam về thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), đặc biệt là SDG 5 về bình đẳng giới.

Ông Lee Byung Hwa, Giám đốc Quốc gia KOICA tại Việt Nam khẳng định tầm quan trọng của nguồn tài trợ từ KOICA dành cho UNFPA, đồng thời nhấn mạnh rằng: “Dự án này có thể coi là minh chứng cho sức mạnh của sự hợp tác. Sự hợp tác giữa KOICA, UNFPA, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đối tác tận tâm của chúng ta tại Quảng Ninh, Hà Tĩnh và Khánh Hòa sẽ đóng vai trò quan trọng cho sự thành công của dự án này. Tôi tin tưởng rằng những nỗ lực chung này sẽ tạo dựng một xã hội an toàn và bình đẳng cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam. Hãy cùng chung tay, quyết tâm chặt đứt vòng lặp bạo lực, trao quyền cho những nạn nhân và kiến tạo một tương lai nơi mọi phụ nữ và trẻ em gái đều có thể phát huy tối đa tiềm năng của mình. KOICA cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ để hiện thực hóa tương lai ấy.”

Để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái cần có những nỗ lực, cam kết và hợp tác lâu dài. UNFPA và KOICA cam kết phối hợp để xây dựng tương lai mà tất cả phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam, bao gồm những nhóm dễ bị tổn thương nhất, được sống và phát triển trong môi trường không bạo lực, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Thông tin thêm dành cho các Biên tập viên:

  • Tình trạng phụ nữ bị bạo lực bởi chồng hoặc bạn tình vẫn đang là một vấn đề đáng báo động. Theo Điều tra quốc gia năm 2019 về bạo lực đối với phụ nữ, cứ ba phụ nữ từ 15–64 tuổi thì có gần hai người từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực thể chất, tình dục, tinh thần và/hoặc kinh tế trong đời. Vấn đề này vẫn còn rất ẩn giấu trong xã hội Việt Nam, với hơn 90% phụ nữ từng bị bạo lực không tìm kiếm sự trợ giúp từ các dịch vụ công, và một nửa trong số đó chưa từng chia sẻ sự việc với bất kỳ ai. 
  • Ngôi nhà Ánh Dương cung cấp các dịch vụ thiết yếu, toàn diện và tích hợp cho phụ nữ và trẻ em gái đang và/hoặc có nguy cơ bị bạo lực giới và bạo lực gia đình. Ngôi nhà Ánh Dương cung cấp các dịch vụ đa dạng, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm chăm sóc y tế, hỗ trợ tâm lý, tư vấn, dịch vụ xã hội, nơi tạm lánh khẩn cấp, bảo vệ của công an, các dịch vụ pháp lý và tư pháp, cũng như các dịch vụ chuyển gửi. Tất cả các dịch vụ được cung cấp tại Ngôi nhà Ánh Dương đều dựa trên nguyên tắc lấy người bị bạo lực làm trung tâm, trong đó người bị bạo lực được tôn trọng và bảo vệ nhân phẩm, đồng thời được đảm bảo về quyền riêng tư và bảo mật.
  • Ngôi nhà Ánh Dương đầu tiên đã được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH) khai trương tại Quảng Ninh vào tháng 4/2020 với hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ UNFPA và KOICA. Năm 2022, UNFPA đã huy động hỗ trợ tài chính của Chính phủ Nhật Bản và Australia để nhân rộng và triển khai mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa tại 3 tỉnh khác, bao gồm Thanh Hóa, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Gần đây, Ngôi nhà Ánh Dương thứ năm đã được khai trương ở Hòa Bình với nguồn tài trợ từ Chính phủ Australia.
Liên hệ truyền thông