Tổng quan
Phổ cập tiếp cận tới dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản (SKTD&SKSS) là quyền con người, và là một cấu phần quan trọng để cứu sống nhiều phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới. Đó là cốt lõi của phát triển bền vững. Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) được tổ chức năm 1994 tại Cairo đã khẳng định mọi người đều có quyền tiếp cận và sử dụng các dịch vụ SKTD&SKSS, đồng thời kêu gọi các quốc gia phổ cập tiếp cận dịch vụ SKTD&SKSS cho toàn dân. Lĩnh vực này bao gồm chăm sóc sức khỏe bà mẹ, làm mẹ an toàn, kế hoạch hóa gia đình tự nguyện, phòng chống các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như HIV và HPV, và chăm sóc SKTD&SKSS cho thanh thiếu niên.
Mặc dù Việt Nam đã đạt tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện tình trạng SKTD&SKSS của người dân trong những thập kỷ qua, và nổi trội hơn cả là Việt Nam là một trong 06 quốc gia duy nhất trên thế giới đạt được mục tiêu giảm tử vong mẹ, một trong các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), vào năm 2015, nhưng vẫn còn tồn tại những thách thức, sự chênh lệch, thậm chí là các vấn đề liên quan đến SKTD&SKSS và quyền cần được giải quyết để đảm bảo mọi người đều được tiếp cận tới các dịch vụ chăm sóc SKTD&SKSS và quyền tốt hơn và để đóng góp nào những nỗ lực chung nhằm đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Theo một nghiên cứu do Tổng cục thống kê thực hiện vào năm 2021, đa số phụ nữ Việt Nam tự đưa ra quyết định về quan hệ tình dục (84,8%) và sử dụng các biện pháp tránh thai (70,7%). Tuy nhiên, việc tự quyết định về quan hệ tình dục thấp hơn ở phụ nữ dân tộc Mông (42,6%) và ở phụ nữ không có bằng cấp (61,4%); ngoài ra, việc tự quyết định về sử dụng các biện pháp tránh thai thấp hơn ở nữ trong độ tuổi 15-19 (25,5%) và phụ nữ Mông (61,2%).
Tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm xuống còn 46 ca/100.000 trẻ đẻ sống ở cấp quốc gia nhưng tỷ lệ này vẫn duy trì ở mức cao 100-150 ca/100.000 trẻ đẻ sống ở các vùng miền núi và vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là Tây Nguyên và Trung du miền núi Bắc Bộ. Ở cấp quốc gia, tỷ lệ phần trăm bà mẹ được khám thai ít nhất 4 lần và sinh con tại cơ sở y tế lần lượt là 88,2% và 96,3%. Ngược lại, các tỷ lệ này ở nhóm bà mẹ dân tộc Mông là 10,6% và 37%. Mối quan ngại ngày càng tăng liên quan đến việc sinh nở đó là tỷ lệ mổ lấy thai. Theo báo cáo Điều tra các chỉ tiêu phát triển bền vững về Trẻ em và Phụ nữ năm 2020-2021, tỷ lệ sinh mổ chiếm tới 34,4% tổng số các ca đẻ (20,5% quyết định trước khi bắt đầu cơn đau chuyển dạ và 13,9% quyết định sau khi bắt đầu cơn đau chuyển dạ), tăng 6,9% điểm phần trăm so với kết quả điều tra MICS năm 2014. Theo khuyến nghị của WHO, tỷ lệ sinh mổ thông thường là khoảng 10-15%.
Trên phạm vi cả nước, 59,8% phụ nữ đang có chồng hoặc chung sống như vợ chồng có sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Trung bình cả nước, tổng nhu cầu chưa được đáp ứng về KHHGĐ là 10,1% nhưng tỷ lệ này cao tới 17,7% ở các dân tộc thiểu số ở vùng núi và vùng sâu vùng xa (UNFPA, 2021). Đối với phụ nữ chưa kết hôn hoặc không chung sống như vợ chồng, nhưng có quan hệ tình dục, nhu cầu KHHGĐ chưa được đáp ứng chiếm tới 40,7%.
Trên cả nước, tỷ lệ phá thai ở Hà Nội là 68 ca trên 1.000 trẻ đẻ sống và ở vùng đồng bằng Sông Hồng là 127,5 ca trên 1.000 trẻ sinh sống. Vấn đề ngày thậm chí còn trở lên trầm trọng hơn là 53,6% tổng số ca phá thai chủ động là mang thai ngoài ý muốn, chiếm hơn một nửa số ca phá thai gần đây nhất và tỷ lệ phá thai do chọn giới tính thai nhi chiếm 1,6%.
Liên quan đến ung thư cổ tử cung (UTCTC), chủ đề quan trọng này đang ngày càng nhận được sự quan tâm đặc biệt của Bộ Y tế cũng như cộng đồng quốc tế. Theo báo cáo của UNFPA tại Việt Nam và Hội đồng Ung thư New South Wale, Úc vào năm 2021, UTCTC là loại ung thư phổ biến thứ sáu ở phụ nữ tại Việt Nam, với 4.177 ca mắc mới (7,1/100.000 phụ nữ) và 2.420 ca tử vong (4,0/100.000 phụ nữ) hằng năm. Nếu không có bất kỳ biện pháp can thiệp nào, dự báo sẽ có tổng cộng 218.907 phụ nữ ở Việt Nam tử vong do mắc UTCTC vào năm 2070 và con số này sẽ tăng lên 449.656 vào năm 2120. Liên quan đến các biện pháp phòng ngừa UTCTC, chỉ có 28,2% phụ nữ được sàng lọc UTCTC và 12,0% phụ nữ được tiêm phòng HPV (15,6% ở thành thị và 9,2% ở nông thôn).
Tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV vẫn còn thấp, ở nam giới là 54,1% và ở nữ giới là 43,2%. Quan trọng hơn, thái độ phân biệt đối xử với người có HIV vẫn còn cao và tỷ lệ này ở nữ là 36,1% và ở nam giới là 39,7%. Đây có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ được xét nghiệm và biết kết quả xét nghiệm HIV trong 12 tháng qua là khá thấp (ở phụ nữ là 5,5% và ở nam giới là 9,3%). Chỉ có 10,2% phụ nữ trong lần mang thai gần đây nhất được đề nghị, chấp nhận xét nghiệm HIV và nhận được kết quả xét nghiệm và được cung cấp thông tin hoặc tư vấn về HIV sau xét nghiệm. Tỷ lệ này còn thấp hơn nhiều với nhóm phụ nữ trong độ tuổi 15-24 (7,7%).
Để duy trì những thành tựu đã đạt được và tiếp tục cải thiện tình trạng SKTD&SKSS, đặc biệt là giảm hơn nữa tỷ lệ tử vong mẹ, UNFPA cộng tác với Bộ Y tế (MOH) Việt Nam và nhiều đối tác và các bên liên quan khác nhau để đảm bảo toàn dân được tiếp cận và sử dụng gói dịch vụ lồng ghép về thông tin và dịch vụ chăm sóc SKTD&SKSS có chất lượng. Các can thiệp chiến lược tập trung vào:
- Tạo dựng, thu thập, phân tích và chuyển đổi dữ liệu nhằm hỗ trợ việc xây dựng các chính sách, hướng dẫn và công cụ giúp giải quyết các nhu cầu đặc biệt của các nhóm dân cư dễ bị tổn thương;
- Xây dựng các cơ chế tài chính đổi mới sáng tạo bao gồm cả cơ chế tài chính của khu vực tư nhân tài chính công của địa phương, đặc biệt để giải quyết các vấn đề SKTD&SKSS mới nổi như sàng lọc UTCTC và tiêm phòng vaccine HPV;
- Tiếp tục áp dụng các công nghệ số như hệ thống “y tế từ xa” để tiếp cận người dân ở vùng sâu, vùng xa, các vùng dân tộc thiểu số;
- Cải thiện hệ thống thông tin quản lý thông tin y tế;
- Tăng cường các cơ chế sẵn sàng và ứng phó nhân đạo để đảm bảo bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương; và
- Phương pháp tiếp cận đa ngành trong can thiệp về SKTD&SKSS cho thanh thiếu niên và triển khai trên quy mô toàn quốc về giáo dục giới tính và tình dục toàn diện và kỹ năng sống bao gồm dự phòng lây nhiễm HIV cũng như giáo dục trực tuyến cho thanh thiếu niên trong và ngoài trường học và thanh niên khuyết tật.