Bạn đang ở đây

Hiện nay, ung thư cổ tử cung là vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng quan ngại vì nó ảnh hưởng đến phúc lợi, sức khỏe và đời sống tinh thần của phụ nữ và toàn bộ dân số. Theo báo cáo năm 2018, ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ sáu ở phụ nữ Việt Nam, với gần 4.200 ca mắc mới và 2.420 ca tử vong. Nếu không có bất kỳ can thiệp nào, ước tính khoảng 200.000 phụ nữ Việt Nam sẽ tử vong do ung thư cổ tử cung vào năm 2070.

Bằng chứng từ các nghiên cứu quốc tế cũng chỉ ra rằng sự kết hợp giữa việc tiêm vắc-xin HPV đầy đủ cho trẻ em gái vị thành niên, và sàng lọc ung thư cổ tử cung và điều trị thích hợp cho tất cả phụ nữ có tổn thương có thể loại trừ được ung thư cổ tử cung như một vấn đề sức khỏe cộng đồng trong cuộc sống của chúng ta. Thật đáng tiếc, ở Việt Nam, tỷ lệ tiêm vắc-xin HPV và tỷ lệ khám sàng lọc ung thư cổ tử cung còn thấp. Nghiên cứu của chúng tôi vào năm 2021 cho thấy rằng chỉ 12% phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi 15-29 được tiêm vắc-xin HPV và chỉ có 28% phụ nữ trong độ tuổi 30-49 được khám sàng lọc.

Phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) và Đại học Victoria và Trung tâm Daffodil, một đơn vị liên doanh giữa Hội đồng Ung thư New South Wales và Đại học Sydney (Úc), UNFPA thực hiện một nghiên cứu về hiệu quả đầu tư tiêm chủng HPV tại Việt Nam. Nghiên cứu nhằm tạo ra bằng chứng xác thực để cung cấp thông tin cho việc xây dựng các chính sách quốc gia và địa phương về triển khai tiêm vắc xin HPV cho trẻ em gái vị thành niên và sàng lọc ung thư cổ tử cung cho phụ nữ.

Báo cáo này trình bày các kịch bản khác nhau về tiêm vắc-xin HPV, sàng lọc và điều trị ung thư cổ tử cung. Các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng tùy thuộc vào phạm vi và nội dung can thiệp, chương trình sẽ giúp giảm tới 300.000 số ca tử vong tới năm 2100. Chương trình sẽ thu về lợi ích kinh tế gấp khoảng 5- 11 lần so với chi phí và 8-20 lần lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội tích hợp so với chi phí.

Bản báo cáo có cả tiếng Anhtiếng Việt. Bản tóm tắt đồ họa của báo cáo cũng bằng tiếng Anhtiếng Việt.