Bạn đang ở đây

Hà Nội, 22/11/2019 - Sáng nay tại Học viện báo chí và tuyên truyền tại Hà Nội đã diễn ra Lễ trao giải cuộc thi "Yêu đẹp, An toàn cho phụ nữ" do CSAGA và TikTok phối hợp tổ chức. Cuộc thi xoay quanh chủ đề Phòng chống Bạo lực Tình dục với Phụ nữ và Trẻ em gái, và được sự tài trợ Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Đại sứ quán Hà Lan, và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA), và Thương hiệu mỹ phẩm Pizkie.

Cuộc thi “Yêu đẹp – An toàn cho Phụ nữ” nhắm đến việc cung cấp các kiến thức cơ bản về bạo lực tình dục, cụ thể như nhận diện hành vi bạo lực tình dục, cách ứng phó, các dịch vụ hỗ trợ,... cho người dùng TikTok nói riêng và cộng đồng nói chung.

Đặc biệt, tận dụng các công cụ sáng tạo, những ý tưởng độc đáo và sự năng động của cộng đồng người dùng trên TikTok, cuộc thi truyển tải thông tin, kiến thức cho cộng đồng một cách mới mẻ, trực quan, mang đến một góc nhìn mới và dễ tiếp cận hơn về chủ đề này, nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khỏi các hành động bạo lực, đặc biệt là bạo lực tình dục.

Sau 3 tuần triển khai, với sự hưởng ứng tích cực của người dùng, cuộc thi “Yêu đẹp - An toàn cho phụ nữ” đã nhận được:

- Tổng số video tham gia: 3.849

- Tổng số view: 51.919.973

- Tổng lượt chia sẻ video: 19.957

- Tổng lượt yêu thích video: 3.635.423

- Tổng lượt bình luận video: 28.417

50 video với lượt tương tác cao nhất đã lọt vào vòng chung kết. Từ các video nổi bật này, Ban giám khảo đã chọn ra các video xuất sắc nhất để trao 1 giải nhất, 2 giải nhì, 2 giải ba, 5 giải khuyến khích. Giải video được cộng đồng yêu thích nhất đã thu hút được 275.802 lượt like và share.

Thay mặt cho các nhà tài trợ Cuộc thi, Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA đã nhấn mạnh: “Thông qua phương tiện truyền thông xã hội, phụ nữ và trẻ em gái có một không gian mới để lên tiếng và được lắng nghe. Nam giới và trẻ em trai cũng có một kênh mới để thể hiện sự ủng hộ, yêu thương, chăm sóc và hành động cụ thể để giúp thay đổi các chuẩn mực xã hội và định kiến ​​giới, chuyển tải thông điệp và kiến thức một cách chính xác về bạo lực tình dục, ủng hộ thay đổi xã hội, hệ thống pháp luật và hỗ trợ dịch vụ cho nạn nhân bị bạo lực tình dục, và được giáo dục về các kỹ năng mềm để ngăn chặn bạo lực giới và các biện pháp ứng phó, can thiệp khi ai đó có nguy cơ bị bạo lực. Tôi hy vọng rằng cuộc thi hay thử thách này chỉ là một hạt giống và bạn - những người trẻ và những người sáng tạo ở Việt Nam sẽ tiếp tục tưới cây này để nâng cao nhận thức và tìm giải pháp chấm dứt bạo lực và quấy rối tình dục ở Việt Nam. Chúng ta vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ nạn nhân và buộc thủ phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật".

Người đạt giải nhất Cuộc thi, bạn Sơn Hồng Phạm đã nói: “Từ lâu, mình đã quan tâm đến chủ đề bảo vệ phụ nữ và ấp ủ kế hoạch thực hiện video về chủ đề này trên kênh TikTok. Cuộc thi #antoanchophunu đã cho mình động lực để hiện thực hoá kế hoạch này. Mình hy vọng mỗi người xem xong video của mình sẽ có thêm kiến thức và hiểu biết để tự bảo vệ bản thân, cũng như bảo vệ những người phụ nữ và trẻ em gái xung quanh”.

Cuộc thi này là một hoạt động trong chuỗi các hoạt động được tổ chức để hưởng ứng Tháng Hành động Quốc gia về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và chiến dịch UNiTE toàn cầu của Liên Hợp Quốc nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ nạn nhân và vận động chính sách theo chủ đề ‘Hãy tô màu cam cho thế giới: Thế hệ bình đẳng cùng chung tay chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái".

UNFPA và các cơ quan LHQ khác tại Việt Nam đang cùng nhau phối hợp để thực hiện sáng kiến toàn diện mang tính sáng tạo nhằm chấm dứt mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vào năm 2030, phù hợp với các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).

Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ nên là ưu tiên hàng đầu của tất cả mọi người. Đây thực sự là một ưu tiên được nêu rõ trong Chương trình nghị sự phát triển bền vững năm 2030 để không ai bị bỏ lại phía sau.

#Safety4women #antoanchophunu #16dayactivism