Bạn đang ở đây

Tổng quan

Phổ cập tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản (SKTD&SKSS) là quyền con người, là một phần quan trọng để cứu sống phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới. Đó là cốt lõi của phát triển bền vững. 
Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) được tổ chức năm 1994 tại Cairo đã khẳng định mọi người đều có quyền được chăm sóc SKTD&SKSS, đồng thời kêu gọi các quốc gia phổ cập tiếp cận dịch vụ SKTD&SKSS cho toàn dân. Lĩnh vực này bao gồm chăm sóc sức khỏe bà mẹ, làm mẹ an toàn, kế hoạch hóa gia đình tự nguyện, phòng chống các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như HIV và HPV, và chăm sóc SKTD&SKSS cho thanh thiếu niên. 
Việt Nam đã đạt tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện tình trạng SKTD&SKSS của người dân trong những thập kỷ qua, trở thành một trong 09 quốc gia duy nhất trên thế giới đạt được mục tiêu giảm tử vong mẹ thuộc Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) vào năm 2015. Tuy nhiên, tình trạng bất bình đẳng liên quan đến quyền và chăm sóc SKTD&SKSS vẫn còn tồn tại. Mặc dù tỷ lệ tử vong bà mẹ đã giảm từ 233 ca/100.000 ca đẻ sống vào năm 1990 xuống 46 ca/100.000 ca đẻ sống vào năm 2019 nhưng tỷ lệ này ở các dân tộc thiểu số lại cao gấp 2-3 lần. 
Mô hình phân tích do UNFPA thực hiện vào năm 2020 cũng ước tính tỷ lệ tử vong bà mẹ có thể tăng 44-65% do tác động tiêu cực của COVID-19. Mặc dù Việt Nam đã duy trì tổng tỷ suất sinh cấp quốc gia ở mức sinh thay thế trong 15 năm qua theo chính sách dân số của nhà nước, trong đó chuyển trọng tâm từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, nhưng sự khác biệt vùng miền: giữa thành thị và nông thôn, giữa các tỉnh phía Bắc và phía Nam vẫn còn tồn tại. 
Tương tự như vậy, nhu cầu kế hoạch hóa gia đình chưa được đáp ứng ở nhóm dân tộc thiểu số (19-31%) và lao động nhập cư (29,5%), cao hơn so với mức trung bình 7% của cả nước. Theo ước tính gần đây, 80% người khuyết tật (NKT) chưa từng tiếp cận nhân viên y tế, cho thấy khả năng cao là họ không được đáp ứng nhu cầu SKTD&SKSS. Thanh thiếu niên đặc biệt dễ bị tổn thương khi nhu cầu về các biện pháp tránh thai hiện đại chưa được đáp ứng ở mức 29,6% và tỷ lệ sinh ở tuổi vị thành niên là 11/1.000. Thanh thiếu niên thiếu thông tin cũng như các dịch vụ đầy đủ và toàn diện. Tình trạng này diễn ra phổ biến ở các nhóm dân tộc thiểu số và NKT. 
Bên cạnh đó, ung thư cổ tử cung trở thành loại ung thư phổ biến thứ hai ảnh hưởng đến tình trạng SKTD&SKSS của phụ nữ với tỷ lệ tử vong cao gấp ba lần so với tỷ lệ tử vong khi mang thai và trong lúc sinh con, song vẫn chưa có cơ chế tài chính nào để hỗ trợ các can thiệp chương trình. Việt Nam đã đầu tư mạnh vào hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng và ngân sách chi cho lĩnh vực y tế, bao gồm cả SKTD&SKSS, đã tăng lên cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước trong những năm gần đây, nhưng vẫn cần đảm bảo triển khai chính sách tài chính thích hợp và tăng cường quản lý tài chính công cấp địa phương để toàn dân được tiếp cận dịch vụ chăm sóc SKTD&SKSS. Tỷ lệ nhiễm HIV ở Việt Nam đã giảm đáng kể và duy trì ở mức thấp, ước tính hiện chỉ ở mức 0,23%.

UNFPA tại Việt Nam

UNFPA phối hợp với nhiều đối tác khác nhau để đảm bảo toàn dân được tiếp cận gói tích hợp thông tin và dịch vụ chăm sóc SKTD&SKSS có chất lượng. Các can thiệp chiến lược tập trung vào: 

a.    Thu thập, phân tích và cung cấp số liệu/bằng chứng cho xây dựng chính sách, các hướng dẫn và công cụ giúp giải quyết những nhu cầu đặc biệt của các nhóm dân số dễ bị tổn thương; 

b.    Xây dựng cơ chế tài chính đổi mới sáng tạo bao gồm cả ở khu vực tư nhân và tài chính công của địa phương, đặc biệt để giải quyết các vấn đề SKTD&SKSS mới như tầm soát ung thư cổ tử cung và tiêm phòng vaccine HPV; 

c.    Tiếp tục áp dụng các công nghệ số như hệ thống “y tế từ xa” để tiếp cận người dân ở vùng sâu vùng xa, các dân tộc thiểu số; 

d.    Cải thiện hệ thống thông tin quản lý thông tin y tế; 

e.    Củng cố các cơ chế sẵn sàng và ứng phó nhân đạo để đảm bảo bảo vệ các nhóm dân số dễ bị tổn thương; 

f.    Phương pháp tiếp cận đa ngành trong can thiệp về SKTD&SKSS cho trẻ vị thành niên  và thanh niên và triển khai trên quy mô toàn quốc giáo dục giới tính và tình dục toàn diện và giáo dục kỹ năng sống bao gồm cả phòng chống HIV, như giáo dục trực tuyến cho thanh niên trong và ngoài nhà trường cũng như thanh niên khuyết tật.