Bạn đang ở đây

Cuộc khủng hoảng COVID đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân, cộng đồng và nền kinh tế trên khắp thế giới. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều bị tác động như nhau nhưng phụ nữ và trẻ em gái có xu hướng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Đặc biệt trong bối cảnh COVID-19, cơn bão lịch sử ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên Việt Nam năm 2020 lại là một đe dọa khác đối với sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh. Hàng chục ngàn phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và trẻ em gái đã gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và kế hoạch hóa gia đình do các cơ sở y tế bị ngập lụt, cơ sở vậy chất và trang thiết bị hư hại rất nhiều trong khi việc khắc phục hậu quả còn nhiều khó khăn.

UNPFA nhận thấy tình hình báo động sau khi thực hiện nghiên cứu mô phỏng vào năm 2020 về tác động của COVID-19 đối với tử vong mẹ. Điều này có thể đảo ngược các thành tựu phát triển về giảm tử vong mẹ mà Việt Nam đã đạt được trong những năm qua, đe dọa đến việc đạt được các chỉ tiêu thuộc Mục tiêu Phát triển Bền vững 3 (SDG 3).

Một trong các giải pháp cần thiết cho vấn đề này là đảm bảo cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục và sinh sản có chất lượng một cách an toàn, không bị gián đoạn để bà mẹ mang thai có thể yên tâm và thoải mái khi đi khám. Để làm được điều này, UNFPA đã bàn giao một số lượng lớn bộ đồ bảo hộ cá nhân và 64 máy theo dõi tim thai trị giá 300.000 Đô-la Mỹ cho các bệnh viện tuyến huyện ở 9 tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, cũng như một số tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt lũ lụt vừa qua. Hỗ trợ của UNFPA được chuyển đến các bệnh viện và cơ sở y tế khác và đưa vào sử dụng ngay lập tức nhằm bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái ở những vùng khó khăn cũng như nhân viên y tế.

Đặc biệt, thông qua Vụ Sức khoẻ bà mẹ- Trẻ em, UNFPA đã hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí các tỉnh trọng điểm bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và sạt lở đất tại miền Trung để tổ chức khoảng 400 đoàn khám lưu động, cấp dịch vụ CSSKSS/SKTD cho trên 80,000 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và trẻ em gái, đáp ứng nhu cầu của người dân tại các vùng bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai.

Tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục là quyền con người, và việc mang thai hay sinh con sẽ không vì thiên tai hay tình hình đại dịch mà dừng lại. Việt Nam đã nỗ lực để ngăn chặn COVID-19 cũng như các hệ lụy của nó và bảo vệ sức khỏe và quyền của phụ nữ và trẻ em gái. Cùng với các tramh thiết bị y tế được UNFPA hỗ trợ, những địa phương vùng sâu vùng xa, những nơi còn khó khăn về điều kiện chăm sóc y tế cho phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương nhất như lao động di cư và dân tộc thiểu số sẽ có điều kiện tốt hơn để cung cấp dịch vụ không bị gián đoạn.

Để không ai bị bỏ lại phía sau, cả khi thế giới đang phải đối phó đại dịch COVID. Đó là trách nhiệm mà Chính phủ Việt Nam, với sự hỗ trợ của UNFPA đang nỗ lực để thực hiện thành công mục tiêu đó.