Bạn đang ở đây

Kính thưa: 

  • Ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc;
  • Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
  • Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê;
  • Ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình;
  • Các vị khách quý;
  • Đại diện các báo đài,

 

Ba tháng trước, tôi cùng bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, tham dự lễ ra quân Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 tại Hà Nội. Và giờ đây, chúng ta bắt đầu thực hiện thêm một cuộc điều tra quan trọng nữa: lần này là về thực trạng kinh tế – xã hội của 53 dân tộc ở Việt Nam.

Tôi xin chúc mừng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban Dân tộc vì những nỗ lực chung trong việc tiến hành  cuộc điều tra quan trọng này. 

UNFPA Việt Nam tự hào là đối tác hỗ trợ Chính phủ Việt Nam nâng cao năng lực thu thập, phân tích dữ liệu, và xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ công tác lập kế hoạch và theo dõi đánh giá tiến độ thực hiện các kế hoạch chính sách dựa trên bằng chứng. 

Dữ liệu toàn diện, tin cậy được phân tách theo giới tính, dân tộc, là điều kiện cần thiết là để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Ở góc độ toàn cầu, dữ liệu hiện tại đã chỉ ra những nhóm dân số thiệt thòi nhất phần lớn không được hưởng lợi từ những thành quả phát triển.

Dữ liệu về thực trạng của các cộng đồng dân tộc thiểu số hoặc dữ liệu được phân tách theo dân tộc lại càng có tầm quan trọng đặc biệt vì nó giúp chính phủ và chính quyền đại phương đảm bảo chính sách được ban hành sẽ có hiệu quả đối với các nhóm dân tộc thiểu số hoặc những nhóm bị thiệt thòi, có nguy cơ cao bị bỏ lại phía sau.

Cuối tháng 4 vừa rồi, tôi có dịp đến thăm xã Mù Sang, huyện Phong Thổ của tỉnh miền núi Lai Châu, là địa bàn sinh sống của 20 dân tộc thiểu số, chiếm tới 80% dân số toàn tỉnh. Trong chuyến thăm này, tôi đã được trực tiếp nghe người dân địa phương tâm sự:

- Tôi không đến cơ sở y tế vì nhà tôi ở rất xa nhà tôi và tôi không có tiền đi lại. Mà đôi khi có tiền nhưng cũng chẳng có xe mà đi.

- Tôi không đến vì phong tục của chúng tôi là không sinh con trước mặt người lạ.

- Tôi phải lên thị trấn để siêu âm. Tốn kém thật đấy nhưng chúng tôi không có cách nào khác. Trạm y tế xã làm gì có máy siêu âm.

- Tôi cũng đã tham dự một buổi giáo dục truyền thông tại đây và hai cô đỡ thôn bản đã cung cấp cho người dân những thông tin, kiến thức về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, cũng như khuyến khích bà con đến các cơ sở y tế để khám thai và sinh con.

Chuyến công tác này đã đặt ra cho tôi những câu hỏi như: làm thế nào để chúng ta có thể cải thiện sức khỏe và phúc lợi cho các dân tộc thiểu số sống ở những vùng miền khác nhau của đất nước? Chúng ta có thể làm gì để giảm tỷ suất tử vong mẹ từ những nguyên nhân có thể phòng ngừa? Và làm thế nào chúng ta có thể cung cấp thông tin và dịch vụ về sức khỏe sinh sản và tình dục một cách tốt nhất? 

Trả lời được những câu hỏi này sẽ góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến sức khỏe và thực hiện các quyền và lựa chọn cho tất cả mọi người. Và đương nhiên chúng ta không thể giải quyết được những vấn đề trên nếu không có dữ liệu. Dữ liệu phân tách, toàn diện, tin cậy sẽ là cơ sở để xây dựng chính sách phù hợp, tăng khả năng tiếp cận, đáp ứng nhu cầu của những người có nguy cơ cao bị bỏ lại phía sau. 

Kết quả thu được từ cuộc Điều tra thực trạng các dân tộc thiểu số năm 2024 sẽ giúp chúng ta biết được sự khác biệt giữa các nhóm dân tộc thiểu số, đặc biệt liên quan đến khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản, việc làm và mức sống. Đây là những dữ liệu quan trọng giúp theo dõi đánh giá tiến độ thực hiện các chính sách của Chính phủ đồng thời là cơ sở để ban hành các quyết định chính sách nhằm giảm bớt những thiệt thòi mà các nhóm dân tộc thiểu số đang phải đối mặt. 

Thưa toàn thể quý vị,

Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới năm 2024 của UNFPA nhấn mạnh sự cần thiết của nền tảng dữ liệu toàn diện, tin cậy, phù hợp với văn hóa, có thể so sánh với quốc tế.  Báo cáo của UNFPA kêu gọi toàn cầu nỗ lực thu thập thông tin số liệu đảm bảo có sự phân tách theo giới tính, dân tộc và các yếu tố khác, đây chính là một phần quan trọng của Chương trình nghị sự về Dân số và Phát triển (ICPD) đã được các nhà lãnh đạo thế giới thông qua. Chương trình này đã thúc đẩy nhiều quốc gia trên thế giới đầu tư cải thiện công tác thu thập và phân tích dữ liệu, kể cả việc ứng dụng công nghệ số. 

Báo cáo cũng chỉ ra rằng vẫn còn nhiều người và nhiều nhóm dân số hiện chưa được thống kê ghi nhận. Công tác thu thập dữ liệu thường bỏ qua nhu cầu của những người không có quốc tịch, những người bị nhiễm HIV, những người LGBTQIA+, những người di cư và những người đang bị giam giữ. Đôi khi dữ liệu chỉ đơn thuần diễn giải hiện trạng bằng các thống kê đơn giản, do đó càng củng cố những quan điểm khuôn mẫu, định kiến ​​và kỳ thị.

UNFPA kêu gọi các quốc gia trên toàn thế giới ưu tiên đầu tư vào cải thiện hệ thống dữ liệu dân số, đảm bảo an toàn cho mọi người khi thu thập dữ liệu và đặc biệt làm sao để các cộng đồng bị thiệt thòi được đại diện tham gia. Chỉ khi nào họ được đưa vào hệ thống dữ liệu một cách trung thực với tất cả sự đa dạng của mình, chúng ta mới có thể đẩy lùi định kiến và bất bình đẳng, và tạo dựng một tương lai kiên cường, hòa bình và thịnh vượng hơn cho tất cả mọi người.

UNFPA vui mừng chứng kiến những nỗ lực vượt bậc của chính phủ Việt Nam trong công tác thu thập dữ liệu. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho Tổng cục Thống kê và các bộ ngành để xây dựng và tối ưu hóa việc sử dụng dữ liệu có chất lượng nhằm thúc đẩy công bằng xã hội và phát triển bền vững tại Việt Nam. 

Tôi rất mong được chứng kiến những thành quả của cuộc Điều tra thực trạng các dân tộc thiểu số./.